Chỉ số trung bình Dow Jones tăng 285,18 điểm (+0,84%) lên 34.407,6 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 53,94 điểm (+1,23%) lên 4.450,38 điểm và Nasdaq tăng 196,59 điểm (+1,45%) lên 13.787,92 điểm.
Tất cả 11 lĩnh vực công nghiệp chính của S&P 500 đều tăng, với công nghệ dẫn đầu tăng 1,8%. Bất động sản có mức tăng yếu nhất, nhích nhẹ 0,5%.
Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng đang thu hút sự chú ý với chỉ số Russell 2000 đóng cửa tăng 0,4% trong ngày thứ 5 liên tiếp. Đây cũng là chuỗi tăng dài nhất kể từ năm phiên kết thúc vào ngày 3/3/2023.
Chỉ số tăng trưởng của S&P 500 nhận thêm 1,4% vào cùng ngày. Động lực thúc đẩy lớn nhất đối với S&P 500 bên cạnh Apple là các cổ phiếu được các nhà đầu tư yêu thích khác như Microsoft, Nvidia, Amazon và Meta Platforms. Những cổ phiếu này đã tăng thêm từ 1,6% đến 3,6%, được thúc đẩy bởi báo cáo thu nhập khả quan và sự hào hứng đối với trí tuệ nhân tạo.
Ở các diễn biến cổ phiếu đơn lẻ, Apple Inc lần đầu tiên vượt mốc 3 nghìn tỷ USD kể từ tháng 1/2022, tăng thêm 2,3% và đóng cửa ở mức 193,97 USD/cp sau khi đạt kỷ lục 194,48 USD. Thành công mới này của Nhà Táo được đánh giá là bởi sự thèm muốn ngày càng tăng đối với các cổ phiếu tăng trưởng nói chung cũng như đặt cược rằng nhà sản xuất iPhone sẽ thành công ở các thị trường mới.
Trong khi đó, Carnival Corp tăng 9,7% sau khi Jefferies nâng cấp cổ phiếu của công ty điều hành du lịch từ “Giữ” thành “Mua”.
Ngược lại, Nike Inc giảm khoảng 2,6% vì dự báo doanh thu quý đầu tiên thấp hơn kỳ vọng của Phố Wall.
Trên các sàn giao dịch của Mỹ, 10,36 tỷ cổ phiếu đã được trao tay trong ngày, thấp hơn so với mức trung bình động 11,29 tỷ trong 20 phiên gần đây.
Trong tuần, S&P 500 tăng 2,35% trong khi Nasdaq thêm 2,2% và chỉ số Dow tăng 2,02%. Trong quý này, S&P 500 đã lên 8,3% trong khi Nasdaq leo 12,8% và chỉ số Dow tăng 3,4%.
Nasdaq nặng về công nghệ đã ghi nhận hiệu suất nửa đầu năm tốt nhất trong 40 năm qua với mức tăng hơn 31%. Chỉ số Nasdaq 100 của các cổ phiếu công nghệ hàng đầu chứng kiến mức tăng kỷ lục trong hai quý đầu năm 2023, tăng thêm khoảng 39%.
Các nhà đầu tư Mỹ tỏ ra an tâm hơn trong ngày cuối cùng của quý thứ hai nhờ các dấu hiệu về sự hạ nhiệt của lạm phát thông qua các thước đo được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo dõi chặt chẽ.
Một báo cáo của Bộ Thương mại cho thấy chỉ số Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng chỉ 3,8%, thấp hơn so với mức 4,3% của tháng 4. Nếu loại trừ thực phẩm và năng lượng dễ biến động, chỉ số PCE cốt lõi tăng 0,3%, giảm so với mức 0,4% của tháng trước.
Dữ liệu mới thúc đẩy hy vọng rằng Fed có thể sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Thêm vào đó, lợi suất trái phiếu kho bạc đã giảm nhẹ trước các diễn biến kinh tế mới, ông Burns McKinney, nhà quản lý danh mục đầu tư tại NFJ Investment Group chỉ ra. Nhà quản lý tiền tệ không nghĩ rằng Fed có thể giảm lạm phát mà không gây ra suy thoái, nhưng cơ hội rõ ràng là đang tăng lên.
Thị trường hiện đặt cược 84,3% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên mức 5,25% -5,50% trong cuộc họp tháng 7, theo công cụ Fedwatch của CMEGroup.
Các bình luận từ Chủ tịch Fed Jerome Powell và dữ liệu kinh tế mạnh mẽ vào đầu tuần này đã thúc đẩy niềm tin rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, nhưng thị trường chứng khoán lại cảm thấy thoải mái trước những dấu hiệu mạnh lên của nền kinh tế Mỹ khi lạm phát hạ nhiệt.
Chỉ số biến động thị trường CBOE, thước đo mức độ sợ hãi của Phố Wall, đóng cửa tăng 0,05 điểm ở mức 13,59 sau khi trước đó trượt xuống mức thấp nhất trong một tuần ở 12,96 điểm.
Trên thị trường năng lượng, cả hai điểm chuẩn đã tăng hơn 1% vào 30/6 khi dữ liệu lạm phát mới cho thấy Fed có thể hạ bớt giọng điệu “diều hâu” trong việc kiềm chế gía cả thông qua lộ trình lãi suất.
Dầu WTI giao dịch tại New York tăng 78 cent, tương đương 1,1%, ở mức 70,64 USD/thùng. Điểm chuẩn dầu thô của Mỹ đã tăng 2,1% trong tuần và 3,7% trong tháng. Nhưng trong quý lại giảm 6,6% và đồng thời ghi nhận mức lỗ nửa đầu năm khoảng 14%.
Dầu thô Brent giao dịch tại London tăng 56 cent, tương đương 0,8%, ở mức 74,90 USD/thùng. Điểm chuẩn dầu thô toàn cầu cho thấy mức tăng 1,5% trong tuần và 3,8% trong tháng. Trong quý, dầu Brent đã mất 6,1%, trong khi nửa đầu năm ghi nhận mức giảm 12,8%.
Nhưng trong khi hợp đồng tương lai dầu thô đều cao hơn trong tuần và trong tháng, chúng có xu hướng suy giảm trong 6 tháng đầu năm trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, được kích hoạt bởi các dấu hiệu cho thấy hầu hết các ngân hàng trung ương lớn sẽ tăng lãi suất trong thời gian tới.
“Nửa đầu năm nay có thể cảm nhận được sự thất vọng trên thị trường năng lượng với những lo ngại về việc tăng lãi suất, các quan chức Fed dự đoán nền kinh tế sẽ chậm lại, nhiều ngân hàng phá sản, nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc yếu đi và các lệnh trừng phạt đối với Nga và Iran”, ông Phil Flynn, nhà phân tích năng lượng tại Price Futures Group phân tích.
Nhưng theo ông Flynn, nửa cuối năm nay lại có thể là một câu chuyện hoàn toàn khác, trở nên tích cực đối với những loại dầu thô dài hạn đó vì thặng dư nguồn cung hiện tại trên thị trường có thể chuyển thành thâm hụt sâu.