Phố Wall kết phiên giao dịch đầu năm 2025 trong sắc đỏ, giá dầu tăng mạnh

Chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên giao dịch đầu năm mới trong sắc đỏ giữa bối cảnh thị trường lao động mạnh mẽ, đồng USD tăng giá và cổ phiếu Tesla lao dốc…

Kết thúc phiên 2/1, chỉ số Dow Jones giảm 151,95 điểm (-0,36%) xuống 42.392,27 điểm; S&P 500 mất 13,08 điểm (-0,22%) còn 5.868,55 điểm và Nasdaq Composite trượt 30,00 điểm (-0,16%) thành 19.280,79 điểm.

Trong số 11 nhóm ngành chính của S&P 500, lĩnh vực tiêu dùng không thiết yếu chứng kiến đà giảm mạnh nhất do áp lực từ Tesla. Trong khi đó, ngành năng lượng - được hỗ trợ bởi giá dầu - đã ghi nhận mức tăng phần trăm lớn nhất.

Cổ phiếu Tesla mất 6,1% sau khi có báo cáo về sự sụt giảm trong doanh số giao hàng hàng năm khi các chương trình khuyến mãi không đủ sức để thúc đẩy nhu cầu đối với các dòng xe điện đã cũ của hãng.

Cổ phiếu Apple giảm 2,6% vì thông tin “Nhà Táo” phải áp dụng các chương trình giảm giá hiếm hoi ở Trung Quốc để cạnh tranh với các đối thủ trong nước.

Ngược lại, cổ phiếu liên quan đến tiền điện tử như Coinbase, MicroStrategy và MARA Holdings tăng từ 2,6% đến 3,6% nhờ giá Bitcoin đi lên.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 15,01 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình 14,92 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Về khía cạnh kinh tế, báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm trong tuần trước, một lần nữa củng cố quan điểm về thị trường lao động vững chắc của Mỹ và gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tháng này.

Các nhà đầu tư đã tạm gạt đi những lo ngại liên quan đến tốc độ cắt giảm lãi suất, các chính sách mới của chính quyền Trump 2.0 và một số điểm nóng địa chính trị để tập trung vào sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.

“Chúng ta đã nhận được một số thông tin kinh tế vĩ mô, nhưng chúng lại mang tính chất trái chiều. Trong vài tuần tới sẽ xuất hiện vài thách thức, bao gồm dữ liệu việc làm và báo cáo lợi nhuận quý 4/2024. Thị trường chắc chắn sẽ dao động trong ngắn hạn và khó tìm được hướng đi rõ ràng cho đến khi vượt qua được những thách thức này”, ông Peter Cardillo, chuyên gia kinh tế trưởng tại Spartan Capital Securities nhận xét.

Trong năm 2024, các chỉ số chính của Phố Wall đều đã ghi nhận mức tăng hai con số, với S&P 500 đạt được chuỗi hai năm tăng trưởng mạnh nhất kể từ giai đoạn 1997-1998. Hầu hết các mức tăng được thúc đẩy bởi các đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed sau ba năm rưỡi, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo và kỳ vọng về các chính sách thân thiện với doanh nghiệp từ chính quyền mới của ông Donald Trump. Tuy nhiên, đà tăng đã suy yếu trong những tuần cuối năm 2024 khi S&P 500 và Dow Jones đồng loạt ghi nhận các mức giảm trong tháng 12 do thị trường dự đoán số lần cắt giảm lãi suất của Fed sẽ ít đi trong năm 2025.

Hiện tại, S&P và Nasdaq đã có năm phiên giảm liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ giữa tháng 4/2024.

GIÁ DẦU TĂNG 1 USD

Giá dầu đã tăng hơn 1 USD/thùng vào thứ Năm khi các nhà đầu tư trở lại thị trường với kỳ vọng tích cực về Trung Quốc và nhu cầu nhiên liệu. Tuy nhiên, dữ liệu dự trữ xăng và dầu chưng cất tại Mỹ đã phần nào hạn chế mức tăng.

Hợp đồng tương lai dầu Brent chốt ở mức 75,93 USD/thùng, tăng 1,29 USD, tương đương 1,7%. Giá dầu thô WTI của Mỹ chốt ở mức 73,13 USD/thùng, tăng 1,41 USD, tương đương 2%.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã tăng chậm hơn dự kiến trong tháng 12, theo khảo sát của Caixin/S&P Global, trong bối cảnh có nhiều lo ngại về các mức thuế mới do Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đề xuất. Một số nhà phân tích cho rằng dữ liệu yếu hơn từ Trung Quốc có thể là tín hiệu tích cực cho giá dầu, bởi vì đó sẽ là lý do để Bắc Kinh đẩy nhanh các gói kích thích kinh tế.

Trong khi đó, tồn kho xăng và các sản phẩm chưng cất tại Mỹ đã tăng mạnh trong tuần qua, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) công bố. Cụ thể, lượng tồn kho xăng tăng lên 231,4 triệu thùng, tồn kho các sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, tăng lên 122,9 triệu thùng trong tuần.

Có thể bạn quan tâm