Kết thúc phiên 26/4, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 153,86 điểm (+0,40%) lên 38.239,66 điểm, S&P 500 thêm 51,54 điểm (+1,02%) thành 5.099,96 điểm và Nasdaq Composite leo 316,14 điểm (+2,03%) lên 15.927,90 điểm.
6 trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500 đều đóng cửa ở mức cao hơn, lần lượt dẫn đầu là dịch vụ truyền thông, công nghệ, hàng tiêu dùng không thiết yếu và vật liệu.
Điểm chuẩn S&P 500 đã chấm dứt ba tuần thua lỗ, trong khi Nasdaq kết thúc bốn tuần giảm liên tiếp. Cả hai đã ghi nhận mức tăng phần trăm hàng tuần lớn nhất kể từ đầu tháng 11/2023.
Các nhà đầu tư vui mừng trước đợt chia cổ tức đầu tiên của Alphabet, bên cạnh chương trình mua lại cổ phiếu trị giá 70 tỷ USD và kết quả quý đầu tiên tốt hơn mong đợi. Cổ phiếu của Alphabet đã tăng 10% và đạt mức cao kỷ lục, nâng giá trị thị trường của công ty lên trên mốc 2 nghìn tỷ USD.
Cổ phiếu Microsoft cũng tăng nhẹ 1,8% sau khi doanh thu và lợi nhuận quý 3 vượt ước tính của Phố Wall, phần lớn nhờ lợi nhuận từ việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên các dịch vụ đám mây của hãng.
Các cổ phiếu tăng trưởng vốn hóa lớn khác cũng đóng cửa ở mức cao hơn: Amazon.com tăng 3,4%, Nvidia thêm 5,8% và Meta Platforms nhích 0,4%. Tuy nhiên, Apple lại giảm 0,3% và Tesla mất 1,1%. Vào phiên 24/4, kết quả của Meta đã khiến các nhà đầu tư thất vọng ngay cả khi công ty tăng cường chi tiêu cho AI.
Tom Plumb, chủ tịch kiêm giám đốc danh mục đầu tư Plumb Fund cho biết: “Báo cáo thu nhập của Microsoft và Google đã xoa dịu nhiều lo ngại về thực tế rằng chi tiêu cho trung tâm dữ liệu và AI mà Meta đã tuyên bố trước đó sẽ làm giảm tỷ suất lợi nhuận. Cả Google và Microsoft đều chỉ ra rằng, với kế hoạch vốn hiện tại họ vẫn mong đợi tỷ suất lợi nhuận của mình sẽ tăng lên. Điều đó làm giảm bớt rất nhiều lo ngại mà mọi người có về sự phát triển của điện toán dữ liệu”.
Ở các diễn biến riêng lẻ khác, cổ phiếu của Snap “phi mã” gần 28% sau khi công ty truyền thông xã hội này đánh bại các ước tính về doanh thu và tăng trưởng người dùng trong quý đầu năm. Cổ phiếu Pinterest cũng thêm 4%.
Intel trượt 9,1% khi dự báo về doanh thu và lợi nhuận quý hai của nhà sản xuất chip này không đạt được ước tính. Intel hiện phải đối mặt với nhu cầu yếu ở trung tâm dữ liệu truyền thống và chip PC.
Công ty dầu mỏ lớn nhất nước Mỹ Exxon Mobil mất 3% do không đạt được ước tính của các nhà phân tích. Lợi nhuận quý đầu tiên của Exxon giảm 28% so với một năm trước.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng Mỹ là 9,88 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,01 tỷ trong 20 ngày qua.
Về khía cạnh kinh tế, dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã tăng 0,3% trong tháng 3, phần lớn giống như dự đoán của thị trường. Trong 12 tháng tính đến tháng 3, lạm phát PCE tăng 2,7%, cao hơn một chút so với ước tính là 2,6%. Báo cáo này đưa ra một số xoa dịu cho thị trường tài chính đang lo lắng về tình hình lạm phát, một ngày sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát dai dẳng và tăng trưởng kinh tế chậm lại trong quý đầu tiên.
Sau dữ liệu này, thị trường cho rằng khả năng cao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm sau dữ liệu, hiện ở mức 4,6630%.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng cao hơn vào 26/4, được thúc đẩy bởi các lo ngại về leo thang căng thẳng ở Trung Đông.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 49 cent, tương đương 0,55%, lên 89,50 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 28 cent, tương đương 0,34%, lên 83,85 USD/thùng.
Mối lo ngại về nguồn cung đã hỗ trợ giá khi căng thẳng tiếp tục ở leo thang Trung Đông.
Trong khi đó, áp lực kinh tế vĩ mô đã hạn chế mức tăng của giá dầu sau khi dữ liệu công bố hôm 26/4 cho thấy lạm phát vẫn đang gia tăng. Đồng USD tăng vọt lên mức cao nhất trong 34 năm so với đồng yên vào 26/4, một phần được củng cố bởi dữ liệu lạm phát của Mỹ. USD mạnh hơn sẽ khiến dầu được định giá bằng USD trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó làm giảm bớt nhu cầu mua vào.