Chứng khoán Mỹ tiếp tục sụt giảm do lo ngại lãi suất vẫn neo cao

Chứng khoán Mỹ giảm điểm ở phiên thứ tư liên tiếp vào 17/4 khi các nhà đầu tư đánh giá quan điểm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và một loạt kết quả thu nhập đầu mùa báo cáo tài chính…

Chứng khoán Mỹ tiếp tục sụt giảm do lo ngại lãi suất vẫn neo cao

Kết thúc phiên 17/4, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 45,66 điểm (-0,12%) xuống 37.753,31 điểm, S&P 500 mất 29,20 điểm (-0,58%) còn 5.022,21 điểm và Nasdaq Composite trượt 181,88 điểm (-1,15%) thành 15.683,37 điểm.

4 phiên vừa qua được xem như đợt bán tháo dài nhất của S&P 500 trong hơn 4 tháng, tương tự như đợt giảm 4 ngày kết thúc vào 4/1.

Cổ phiếu Travelers hạ 7,41% và là một trong những lực cản lớn nhất đối với S&P 500 và lớn nhất đối với Dow Industrials sau khi “gã khổng lồ” bảo hiểm này không đạt được kỳ vọng của Phố Wall về lợi nhuận quý đầu tiên.

Cũng gây áp lực lên chỉ số S&P chuẩn sau kết quả hàng quý là Prologis. Quỹ ủy thác đầu tư bất động sản tập trung vào kho hàng này đã trượt 7,19% dù cho vượt ước tính hàng quý nhưng vẫn thấp trên cơ sở dự báo hàng năm.

Là cổ phiếu có thành quả tệ nhất trên S&P 500, Dịch vụ vận tải JB Hunt rơi 8,12% do bỏ lỡ ước tính của Phố Wall về kết quả quý đầu tiên.

Ngân hàng Bancorp của Mỹ cũng mất 3,61% sau khi tổ chức cắt giảm dự báo thu nhập lãi cả năm và báo cáo lợi nhuận quý đầu tiên giảm 22%.

Trong số các mã tăng giá, United Airlines leo mạnh 17,45% nhờ các dự báo số liệu quý hiện tại tốt hơn dự kiến, giúp chỉ số hàng không NYSE Arca tăng 3,82% và là mức tăng phần trăm hàng ngày lớn nhất kể từ ngày 6/2.

Vào giữa phiên, chứng khoán Mỹ đã giảm bớt được phần nào mức lỗ khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ giảm khỏi mức cao nhất trong nhiều tháng, với lợi suất chuẩn kỳ hạn 10 năm ở mức 4,59%.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,8 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,05 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Sau đợt phục hồi từ hai tháng cuối năm 2023 kéo dài đến quý đầu tiên của 2024, thị trường chứng khoán Mỹ đã gặp nhiều biến động. Riêng S&P 500 đang trên đà ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp khi các nhà đầu tư không còn kỳ vọng về thời gian và quy mô cắt giảm lãi suất của Fed.

Trước đó là 16/4, các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ bao gồm Chủ tịch Fed Jerome Powell đã từ chối đưa ra hướng dẫn về thời điểm có thể cắt giảm lãi suất. Thay vào đó, ông Powell đã nói rằng chính sách tiền tệ cần phải duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn một chút.

Anthony Saglimbene, chiến lược gia trưởng tại Ameriprise Financial cho biết: “Thị trường đang phải đối mặt với một số vấn đề như lạm phát nóng hơn dự kiến, kỳ vọng cắt giảm lãi suất đang giảm xuống và căng thẳng địa chính trị gia tăng, đặc biệt là ở Trung Đông. Đây có thể sẽ là giai đoạn để thị trường tạm nghỉ lấy hơi sau 5 tháng tăng trưởng thực sự mạnh mẽ”.

Kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 6 tới đã giảm xuống còn 16,8% và vào tháng 7 xuống còn 46%, công cụ FedWatch của CME cho thấy.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm mạnh 3% vào phiên 17/4 do bị áp lực bởi tồn kho thương mại của Mỹ tăng, dữ liệu kinh tế yếu hơn từ Trung Quốc.

Hợp đồng tương lai dầu Brent kỳ hạn tháng 6 giảm 2,73 USD, tương đương 3%, ở mức 87,29 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giao tháng 5 giảm 2,67 USD hay 3,1% ở mức 82,69 USD/thùng, mức giảm lớn nhất kể từ ngày 20/3.

Giá dầu đi xuống trong tuần này khi những cơn gió ngược về kinh tế đã hạn chế lợi nhuận đến từ lo ngại thiếu hụt nguồn cung do căng thẳng địa chính trị, trong khi các thị trường đang chú ý xem phản ứng của cả Iran và Israel.

Giá dầu tiếp tục giảm sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson hé lộ rằng các dự luật hỗ trợ Ukraine, Israel và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ được đệ trình sớm trong ngày, còn dự luật thứ 4 về các biện pháp liên quan tới Nga, Trung Quốc và Iran sẽ được đưa ra sau đó.

Tại nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Trung Quốc, đã có tín hiệu tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý đầu tiên nhưng một số chỉ số khác lại cho thấy nhu cầu trong nước vẫn còn yếu.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm