Kết thúc phiên 18/4, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones nhích nhẹ 23,87 điểm (+0,06%) lên 37.777,18 điểm, S&P 500 mất 12,02 điểm (-0,24%) còn 5.010,19 điểm, trong khi Nasdaq Composite giảm 82,35 điểm (-0,52%) xuống 15.601,02 điểm.
S&P 500 chứng kiến phiên giảm thứ 5 liên tiếp do thị trường gặp khó khăn trong thời gian gần đây sau đợt phục hồi kéo dài 5 tháng kể từ tháng 11/2023. Đợt phục hồi này một phần được thúc đẩy bởi kỳ vọng Fed có thể sẽ cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm nay.
Chuỗi giảm kéo dài 5 phiên vừa qua đánh dấu thời gian dài nhất đối với chỉ số S&P chuẩn kể từ tháng 10/2023.
Ở các diễn biến riêng lẻ, Meta Platforms, tăng 1,54%, trở thành động lực lớn nhất đối với S&P 500 sau khi Bernstein nâng mục tiêu giá từ 535 USD lên 590 USD.
Mùa thu nhập tiếp tục khởi sắc với Genuine Parts leo 11,22% với tư cách là mã cổ phiếu có tỷ lệ tăng cao nhất trên S&P sau khi nhà phân phối phụ tùng ô tô nâng dự báo lợi nhuận năm 2024.
Ngược lại, Las Vegas Sands giảm đến 8,66% và trở thành cổ phiếu có hoạt động chán nhất S&P. Mặc dù báo cáo thu nhập của Las Vegas Sands vượt qua kỳ vọng hàng quý nhưng nhiều công ty môi giới đã cắt giảm mục tiêu giá đối với cổ phiếu này, trích dẫn lý do hoạt động ở Ma Cao yếu kém.
Equifax cũng sụt giảm 8,49% vì công ty xếp hạng tín dụng dự báo doanh thu quý hai dưới mức ước tính.
Sau tiếng chuông kết thúc, Netflix giảm khoảng 4% trong giao dịch mở rộng sau khi công bố kết quả hàng quý.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,54 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 10,99 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, dữ liệu mới đây cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn kiên cường, khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần không thay đổi so với tuần trước ở mức 212.000 đơn. Trong khi đó, chỉ số sản xuất ở khu vực tiểu bang Trung-Đại Tây Dương (Mid-Atlantic) tăng lên mức cao nhất trong hai năm.
Bên cạnh đó, báo cáo gần đây chỉ ra rằng lạm phát dai dẳng và bình luận từ các quan chức Fed, bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell, đã khiến thị trường hạ bớt kỳ vọng rằng Fed cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 6.
Cụ thể, chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic nhấn mạnh rằng ông vẫn không vội vã với dự định cắt giảm lãi suất, nhất là khi lạm phát đang quay trở lại mức mục tiêu 2% chậm hơn dự kiến.
Theo công cụ FedWatch Tool của CME, kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm trong tháng 6 đã giảm xuống còn 15,2%, thấp hơn hẳn so với mức 48,4% ghi nhận vào một tuần trước.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giữ gần mức thấp nhất trong ba tuần vào 18/4 khi các nhà đầu tư cân nhắc dữ liệu kinh tế cũng như các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela và Iran bên cạnh tình hình ở Trung Đông.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 18 cent, tương đương 0,2%, xuống mức 87,11 USD/thùng, dầu thô WTI của Mỹ tăng 4 cent, tương đương 0,1%, đạt mức 82,73 USD/thùng.
Đó là mức đóng cửa thấp nhất của Brent kể từ ngày 27/3 trong ngày thứ hai liên tiếp. Trước đó vào 17/4, WTI cũng đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 27/3.
Khả năng phục hồi của thị trường lao động Mỹ, vốn đang thúc đẩy nền kinh tế, cùng với lạm phát tăng trở lại đã khiến thị trường tài chính và một số nhà kinh tế dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất cho đến tận tháng 9.
Lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí đi vay và có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu về dầu.
Về phía nguồn cung, thành viên OPEC Venezuela đã mất đi giấy phép quan trọng của Mỹ cho phép nước này xuất khẩu dầu sang các thị trường trên thế giới. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khối lượng và chất lượng doanh số bán dầu thô và nhiên liệu của Venezuela.
Mỹ cũng công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Iran, một thành viên khác của OPEC, nhắm vào hoạt động sản xuất máy bay không người lái của nước này. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt bổ sung đã tránh ngành công nghiệp dầu mỏ.
Iran là nước sản xuất dầu lớn thứ ba trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), theo dữ liệu của Reuters.