Hiện nay, điện mặt trời đang được thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng khuyến khích và đẩy mạnh sử dụng. Lướt trên các sàn thương mại điện tử hay trang web công ty về lĩnh vực điện dân dụng, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các sản phẩm pin năng lượng mặt trời với mức giá đa dạng. Thế nhưng, chi phí lắp đặt chúng không hề rẻ.
MỨC GIÁ ĐA DẠNG
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng nguồn năng lượng mặt trời rất lớn. Số liệu từ quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch điện VIII), tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 963.000 MW. Trong đó, mặt đất khoảng 837.400 MW, mặt nước khoảng 77.400 MW và mái nhà khoảng 48.200 MW.
Trên thị trường, 2 loại pin năng lượng mặt trời được bán nhiều nhất là pin năng lượng mặt trời Monocrystalline (Mono) và pin năng lượng mặt trời Polycrystalline (Poly).
Cụ thể, pin Mono đơn thể được cắt ra từ những thỏi silic hình ống, những tấm đơn tinh thể này có những mặt trống. Loại pin này thường có hiệu suất chuyển đổi và công suất cao nhất. Hầu hết các loại pin Mono thường đạt hiệu suất chuyển đổi trên dưới 20%.
Nhiều tấm pin Mono sẽ có hiệu suất là 300W, có loại sẽ lên tới 450W. Đặc biệt, trong trường hợp chỉ có ánh sáng mà không có nắng thì loại pin này vẫn tạo ra điện.
Một vài thương hiệu pin Mono có thể kể đến như Longi Mono, Canadian solar Mono, AE Solar Mono, JinkoSolar. Giá của loại pin này trên website của các công ty lắp đặt điện mặt trời dao động trong khoảng hơn 300.000 - 4 triệu đồng/tấm tùy công suất. Trên sàn Shopee, mức giá của pin Mono khoảng 500.000 – 3,5 triệu đồng/tấm tùy công suất.
Đây là loại pin có giá đắt nhất do trong quá trình sản xuất, các tấm pin được làm từ một tinh thể silic duy nhất và chi phí để tạo ra tinh thể này do các nhà sản xuất chịu. Việc này tốn nhiều năng lượng và thừa nhiều mảnh silic.
Pin mặt trời Poly đa tinh thể được làm từ những thỏi đúc từ silic đã nóng chảy, làm nguội và làm rắn. Pin Poly có hiệu suất chuyển đổi từ 15 - 19%. Loại pin này có khả năng hấp thụ ánh nắng mặt trời khá chậm và chỉ có thể hoạt động khi có lượng ánh nắng mặt trời nhất định. Khi thời tiết không có nắng thì pin sẽ ngừng hoạt động.
Các loại pin Poly phổ biến gồm Poly 60W, Poly 100W, Poly 150W, Poly 260W và Poly 330W. Giá của loại pin này trên website của các công ty rơi vào khoảng 250.000 - 3,5 triệu đồng/tấm tùy công suất. Trên sàn Shopee, giá dao động trong khoảng 300.000 – 2,3 triệu đồng/tấm tùy công suất.
Ngoài 2 loại trên, pin mặt trời cũng có 1 loại gọi là dạng phim mỏng Thin – film. Pin có cấu trúc đa tinh thể. Các tấm phim mặt trời này thường có hiệu suất và công suất thấp hơn Mono và Poly. Do vậy, loại pin này không xuất hiện nhiều trên các trang web bán hàng hay sàn thương mại điện tử.
Những tấm pin năng lượng mặt trời đang được ứng dụng rất nhiều nơi trong cuộc sống. Ngày xưa, pin năng lượng mặt trời thường được lắp đặt tại các trang trại điện mặt trời rộng lớn hoặc được lắp đặt ở trên nhà dân.
Ngày nay, với công nghệ ngày càng hiện đại, những tấm pin năng lượng đã được ứng dụng ở hầu như các đồ vật xung quanh chúng ta như bình nước nóng mặt trời, quạt điện mặt trời, máy bơm nước, hệ thống sấy khô - sưởi ấm, trạm sạc dự phòng, camera an ninh sử dụng năng lượng mặt trời, phương tiện giao thông năng lượng mặt trời, vệ tinh, đèn chiếu sáng…
CHI PHÍ LẮP KHÔNG RẺ
Thông thường, các hệ thống điện mặt trời có hai dạng là điện hòa lưới và điện độc lập. Trong đó, điện hòa lưới có giá thành rẻ hơn rất nhiều vì không cần dùng ắc quy trữ điện và phù hợp nhất với nhu cầu của các hộ dân tại Việt Nam.
Cụ thể, những thành phần cần có của một hệ thống điện mặt trời hòa lưới gồm tấm pin mặt trời hút năng lượng từ mặt trời và biến thành dòng điện, bộ hòa lưới chuyển đổi dòng điện từ tấm pin thành dòng điện xoay chiều phù hợp, hệ thống giám sát đảm bảo các thành phần hoạt động ổn định.
Theo thông tin do Công ty Việt Nam Solar, đơn vị chuyên nhập khẩu pin năng lượng mặt trời cung cấp trên website, một hộ gia đình 4 – 5 người có thể sử dụng hệ thống điện mặt trời công suất khoảng 3 – 10 kWp. Với hóa đơn tiền điện mỗi tháng dao động từ 1 - 2 triệu đồng thì lắp đặt hệ thống điện mặt trời có công suất 4 – 6 kWp. Mỗi tháng hệ thống sẽ sản xuất ra 500 – 900 số điện. Giá lắp đặt một hệ thống khoảng 75 – 120 triệu đồng.
Với hóa đơn tiền điện mỗi tháng dao động từ 2 - 3 triệu đồng thì lắp đặt hệ thống điện mặt trời có công suất 8 – 10 kWp. Mỗi tháng tạo ra từ 1000 – 1200 số điện. Giá lắp đặt có một hệ thống điện mặt trời từ 140 - 200 triệu đồng.
Với đơn vị kinh doanh, sản xuất hay các công ty, xí nghiệp, khu công nghiệp, hệ thống điện mặt trời áp mái sẽ có công suất trên 10 kWp, thậm chí có những nơi yêu cầu nguồn điện năng lớn cần công suất lên tới 1 MWp. Giá lắp đặt cho hệ thống điện mặt trời lớn như vậy khoảng 100 triệu đồng trở lên.
Bên cạnh đó, theo Công ty SUNEMIT, đơn vị cung cấp giải pháp về năng lượng mặt trời cho biết, cấu thành nên tổng chi phí lắp điện năng lượng mặt trời bao gồm chi phí mua các thiết bị vật tư chính, chi phí mua phụ kiện, chi phí thi công và lắp đặt.
Theo đó, chi phí mua các thiết bị vật tư chính bao gồm giàn pin mặt trời, bộ hòa lưới điện, pin lưu trữ năng lượng mặt trời. Đây là thành phần quan trọng nhất của hệ thống điện mặt trời. Phí mua các tấm pin mặt trời dao động khoảng 60% tổng chi phí của hệ thống. Phí mua bộ hòa lưới chiếm khoảng 20% tổng chi phí của hệ thống
Chất lượng của các thiết bị này có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của hệ thống. Do đó, để đảm bảo hệ thống cung cấp sản lượng điện tốt nhất, cần chọn mua các sản phẩm uy tín, chất lượng.
Chi phí mua phụ kiện gồm các trang thiết bị như khung nhôm, tủ điện, dây dẫn và các trang thiết bị khác. Trong đó, khung giàn giá đỡ bằng nhôm chiếm chi phí chủ yếu khoảng 10% tổng chi phí của hệ thống.
Chi phí thi công, lắp đặt gồm chi phí vận chuyển vật tư thiết bị, chi phí thi công mái. Chi phí thuê nhân công dao động khoảng 5% tổng chi phí của hệ thống. Đối với mái tôn, chi phí thi công sẽ rẻ hơn mái ngói.
Như vậy, chi phí lắp điện mặt trời cho hộ gia đình, doanh nghiệp sẽ có sự chênh lệch về giá tùy theo kết cấu mái, vị trí lắp tấm pin và loại vật tư khách hàng lựa chọn. Ngoài ra, khi lắp đặt điện năng lượng mặt trời, mọi người cần lưu ý các yếu tố như tính khả thi của mái nhà, lựa chọn công suất hoạt động phù hợp với nhu cầu sử dụng, vị trí lắp đặt phù hợp nhất với công trình.