QLTT Bình Định kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất mỹ phẩm có dấu hiệu giả mạo

QLTT tỉnh Bình Định vừa kết hợp với lực lượng Công an kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất mỹ phẩm có dấu hiệu giả mạo trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn.

Theo đó, từ nguồn tin báo của cơ sở, qua thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, ngày 25/10/2022, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 - Cục QLTT tỉnh Bình Định phối hợp cùng Công an thị xã Hoài Nhơn, tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất mỹ phẩm tại khu phố Thiện Đức Đông, phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang sản xuất mỹ phẩm là mặt hàng kem trộn có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ số lượng hàng hóa vi phạm gồm gần 20.000 hộp mỹ phẩm các loại, ước tính giá trị lên đến khoảng một tỷ đồng.

Trước dấu hiệu sản xuất mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu của cơ sở, sau khi lập biên bản vi phạm Đội QLTT số 1 sẽ tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

QLTT Bình Định kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất mỹ phẩm có dấu hiệu giả mạo
QLTT Bình Định kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất mỹ phẩm có dấu hiệu giả mạo

Tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, sản xuất hàng giả, trong đó có sản xuất mỹ phẩm giả, là hành vi sản xuất ra các loại hàng hóa tiêu dùng không đảm bảo chất lượng, đúng kiểu dáng, nhãn hiệu và chất lượng đã đăng ký, hoặc nhái lại kiểu đang của hãng nổi tiếng đã đăng ký bản quyền.

Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả chỉ được cấu thành tôi phạm nếu số lượng hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Tội này được quy định bởi 3 khung hình phạt tại các Khoản 1, 2, 3 Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó, khung hình phạt có thể lên đến 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm