Quản lý lỏng lẻo, môi giới làm loạn thị trường

Việc công bố bán nền nhà, thu tiền trước của khách hàng kiểu kinh doanh đa cấp tại nhiều dự án đất nền chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý, đã và đang diễn ra ngày càng rầm rộ cho thấy công tác quản lý hoạ
Quản lý lỏng lẻo, môi giới làm loạn thị trường

Khi môi giới làm liều

Mới đây, ngay tại TPHCM, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã phải ra cảnh báo đến người tiêu dùng và các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản thứ cấp về việc cần cảnh giác và tỉnh táo để tránh bị thiệt hại có thể xảy ra, trước những thông tin sai sự thật về việc  một số Cty môi giới tự đóng vai diễn chủ đầu tư để đưa khách hàng vào bẫy.

Đơn cử như trường hợp, Cty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TPHCM và Cty Cổ phần Địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án "Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII - 3, có diện tích 97,58 ha, pháp lý: sổ đỏ thổ cư 100%", thuộc Khu đô thị Tây Bắc, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM và cam kết về việc đầu tư siêu lợi nhuận.

Tuy nhiên,  đại diện HoREA cho biết, sau khi được được cung cấp một số thông tin từ "Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị Tây Bắc" về dự án Khu nhà ở thấp tầng, dịch vụ đô thị tại Khu VIII - 3 thuộc Khu đô thị Tây Bắc, thì có thể khẳng định đây là dự án ảo đang được quảng cáo hoành tráng.

Bởi vì Dự án Khu nhà ở thấp tầng, dịch vụ đô thị tại Khu VIII - 3 thuộc Khu đô thị Tây Bắc đang được thành phố mời gọi đầu tư, dự án chưa được giải phóng mặt bằng, chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nên chưa thể có bản đồ phân lô nền nhà để chào bán.

Bên cạnh đó, dự án này đến nay chưa thực hiện thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, nên Cty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TPHCM và Cty Cổ phần Địa ốc Alibaba không có tư cách để tự xưng là chủ đầu tư.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, nếu dự án chưa được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, chưa được giải phóng mặt bằng, chưa làm cơ sở hạ tầng, chưa có văn bản của Sở Xây dựng xác nhận, Cty Alibaba chưa đủ điều kiện để huy động vốn bán nền nhà hình thành trong tương lai, không có quyền công bố dự án, không có quyền huy động vốn, kể cả hình thức đặt cọc giữ chỗ. Vì thế, những khách hàng đã mua phải những trường hợp này có thể kiện đơn vị bán hàng ra tòa vì có dấu hiệu lừa đảo.

Công tác quản lý lỏng lẻo

Theo số liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, hiện trên cả nước có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS nhưng chỉ có 100.000 người là chuyên nghiệp, tức là hoạt động thường xuyên tại các sàn, còn lại đa số là nghiệp dư.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam, cũng thừa nhận những vụ việc như trên đang làm xấu hình ảnh của những người môi giới chân chính. Họ là những người đã và đang đóng góp rất nhiều vào sự phục hồi và phát triển của thị trường địa ốc trong hai năm trở lại đây.

Cũng theo ông Đính, dù luật quy định rất rõ ràng và đầy đủ về trách nhiệm của người hành nghề môi giới, sàn giao dịch, việc đăng ký hoạt động, cấp chứng chỉ hành nghề ra sao… nhưng việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với các sàn BĐS hiện còn lỏng lẻo.

Khá nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng bức xúc cho rằng hoạt động môi giới BĐS hiện nay có khuynh hướng cá nhân hóa, tức là cảm giác như ai cũng có thể mở Cty môi giới được. Những người không học về môi giới gì hết mà chỉ lo đi bán hàng và hoàn toàn không hiểu gì về pháp lý của dự án, không lường trước những rủi ro thì sẽ vô cùng nguy hiểm đối với cả khách hàng lẫn chủ đầu tư dự án.

Có những người môi giới theo kiểu đầu cơ, thổi giá, tung thông tin sai lệch gây nhiễu loạn thị trường, gây thiệt hại đến người tiêu dùng. Chẳng hạn hồi đầu năm nay, phân khúc đất nền một số nơi như quận 9, Nhà Bè, Nhơn Trạch rơi vào tình trạng sốt ảo cũng do việc tung tin đồn của lực lượng đông đảo là các “cò” đất.

Bởi theo đánh giá của cơ quan chức năng thì phần lớn trong số môi giới BĐS tại những khu vực này đều là những người không chuyên, mang tính cơ hội, chụp giựt là chính. Trong đó, những văn phòng môi giới nhà đất “cơ động” theo kiểu vài cái ghế cộng thêm cây dù che nắng dựng bên đường cũng mọc lên như nấm sau mưa.

Để tránh được những rủi ro cho khách hàng cũng như nâng cao uy tín của các nhà môi giới địa ốc, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn để các sàn giao dịch, người môi giới đi vào hoạt động nghiêm túc, bài bản.

Đồng thời cũng cần đẩy mạnh các hoạt động giáo dục của những người hành nghề nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, dần đưa nghề môi giới đi vào chuẩn hóa. Quan trọng hơn cả là bắt buộc các chủ đầu tư, nhà môi giới phải công khai tính pháp lý của dự án.

Ngoài ra, ông Đính đề xuất khi chủ đầu tư giao dự án cho sàn giao dịch không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị sung công quỹ toàn bộ số tiền thu được từ hoạt động môi giới. Cùng với đó là đình chỉ hoạt động đối với các bên liên quan trong thời gian tối đa hai năm để khắc phục.

Theo Bảo Chương/Lao động 

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…