Quảng Ngãi phê duyệt quy hoạch khu đô thị, dịch vụ Đông nam Dung Quất rộng hơn 7.300ha

Dự án khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất là khu vực phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ, cửa ngõ phía Đông Nam của Khu kinh tế Dung Quất...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Một góc khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi
Một góc khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có Quyết định số 1396/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất và quy định quản lý theo đồ án quy hoạch phân khu.

Khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất có diện tích lập quy hoạch khoảng 7.345 ha. Được hình thành trên địa bàn 7 xã gồm: Bình Hải, Bình Châu, Bình Trị, Bình Phước, Bình Hoà, Bình Thanh, Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo quyết định, khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất là khu vực phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ, cửa ngõ phía Đông Nam của khu kinh tế Dung Quất; phát triển các chức năng chính: Hành chính dịch vụ, tài chính, du lịch, giáo dục đào tạo..., với hạt nhân là các trung tâm phức hợp hành chính - dịch vụ Khu kinh tế Dung Quất gắn với phát triển khu đô thị mới Vạn Tường.

Đây cũng là trung tâm phức hợp tài chính - thương mại gắn với phát triển khu đô thị mới Đông Nam Dung Quất. Khu đô thị cũng là đầu mối dịch vụ hạ tầng giao thông quan trọng phía Đông Nam của khu kinh tế Dung Quất và là khu vực có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.

UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, dự án sẽ nâng cấp, cải tạo các công trình hành chính chính trị hiện hữu, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của đô thị trong tương lai. Cùng với đó, cải tạo chỉnh trang các khu vực dân cư hiện hữu và cải tạo, nâng cấp các trục đường chính và mạng lưới giao thông hiện trạng.

Đối với các khu vực rừng phòng hộ ven biển được bảo tồn, tôn tạo, kết hợp khai thác phục vụ mục đích phát triển du lịch,cải tạo không gian cây xanh, đường dạo, các công trình điểm nhấn cảnh quan.

Còn các công trình văn hóa, di tích lịch sử được cải tạo, nâng cấp, mở rộng không gian theo hướng tiếp cận với thiên nhiên nhiều hơn, tăng cường không gian công cộng cho người dân.

Khu đô thị, dịch vụ sẽ được tổ chức không gian kiến trúc cao tầng tại các trục không gian chính hướng biển. Các khu ở mới được xây dựng đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Hơn nữa, các khu chức năng của đô thị được liên kết với các dải không gian xanh liên thông theo hướng Bắc - Nam và Đông - Tây hướng ra biển. Đề xuất các không gian bán ngập trong đô thị, với vai trò là vùng chứa nước khi có bão lũ gây ngập đô thị trong mùa bão. Trong mùa cạn, khu vực này là nơi vui chơi, không gian công cộng đô thị.

Khi thực hiện dự án, tỉnh sẽ nâng cấp bến cảng Sa Kỳ với chức năng cảng tổng hợp kết hợp bến hành khách du lịch, xây dựng các bến tàu du lịch Vạn Tường, Bình Châu…

Vùng đệm là hành lang xanh ngăn giữa khu đô thị Đông Nam Dung Quất và khu vực công nghiệp phía Tây, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các yếu tố môi trường cho khu đô thị, quy hoạch. Trước đó, ngày 22/11, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1456/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. Nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng với những biến động của nền kinh tế.

Tỉnh tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung. Hình thành trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại khu kinh tế Dung Quất và phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển - đảo.

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ngãi phấn đấu duy trì là một tỉnh phát triển khá của cả nước, là địa phương phát triển xanh, bền vững và đa dạng; cơ cấu nền kinh tế hài hòa, hợp lý với tính tự chủ và năng lực cạnh tranh cao.

Phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, điểm đến du lịch nổi bật và là đầu mối kết nối kinh tế với khu vực Tây Nguyên và khu vực duyên hải miền Trung. Hình thành và phát huy được sức lan tỏa của mạng lưới hệ thống phát triển khoa học và các cộng đồng nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh…

Có thể bạn quan tâm