Quy hoạch hai bên sông Hồng: Cần lắng nghe phản biện

Sau hơn hai thập kỷ “thai nghén”, cơ hội lập bản quy hoạch chi tiết hai bên sông Hồng của thành phố Hà Nội cũng hé mở: Chính phủ đã phê duyệt hành lang thoát lũ sông Hồng - sông Đáy, đổi chỉ giới, giú

20 năm ý tưởng trên giấy

Từ những năm 90 thế kỷ trước, UBND thành phố Hà Nội đã ấp ủ ý tưởng lập một bản quy hoạch chi tiết các khu đô thị ven sông, nhằm biến sông Hồng trở thành trung tâm của các khu đô thị hiện đại như: Thủ đô Seoul - Hàn Quốc; Quảng Châu, Thượng Hải - Trung Quốc; Singapore…

Để hiện thực hóa ý tưởng, năm 1994 dự án Trấn Sông Hồng được nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng tại một mảnh đất ngoài đê khu vực An Dương, với tổng vốn đầu tư dự kiến 240 tỷ đồng. Thành phố Hà Nội cũng đã lập Ban quản lý dự án, nhưng không biết vì lý do gì, dự án không triển khai được. Năm 2006, Hà Nội nhận được sự giúp đỡ của Hàn Quốc trong việc lập quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng. Năm 2007, dự án thành phố hai bên sông Hồng chính thức được giới thiệu đến công chúng Thủ đô. Theo tính toán, dự án thành phố bên sông Hồng với vốn đầu tư hơn 7 tỷ USD, chia theo 4 khu vực, với tổng diện tích 1.500 ha. Dự án 7 tỷ USD được đưa ra kế hoạch triển khai từ năm 2008 đến 2020, nhưng thêm một lần nữa, siêu dự án trên vẫn “im hơi lặng tiếng”.

Năm 2015, siêu dự án trên đã được tái khởi động khi thành phố Hà Nội phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Theo đó, quy mô nghiên cứu dự án khoảng 3.000 ha (từ cầu Thăng Long đến cầu Long Biên). Đầu năm 2017, thành phố Hà Nội giao Sở Quy hoạch & Kiến trúc (QH&KT) là đơn vị đầu mối chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị liên quan tập hợp toàn bộ các thông tin liên quan phục vụ cho công tác nghiên cứu, lập đồ án Quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.

Nghiên cứu quy hoạch phân làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 lập quy hoạch hai bên sông Hồng đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì. Giai đoạn 2, quy hoạch 2 bên sông Hồng đoạn còn lại trên địa bàn thành phố. Thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan tập hợp toàn bộ các thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch, bàn giao cho 3 nhà đầu tư (Sungroup, Vingroup, Geleximco) để cung cấp cho các đơn vị tư vấn nước ngoài nghiên cứu.

Tuy nhiên, khi vừa xuất hiện thông tin Geleximco mời Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) tham gia nghiên cứu, lập quy hoạch 1/5.000 cho đô thị hai bên sông Hồng, dự án đối diện với sức ép lớn, khi dư luận, giới chuyên gia đặt dấu hỏi những vấn đề nhạy cảm an ninh quốc phòng. Tháng 3/2017, ông Phạm Quý Tiên - Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội lên tiếng khẳng định, Hà Nội chưa “chốt” giao việc nghiên cứu lập quy hoạch hai bên sông Hồng cho đơn vị nước ngoài nào, mọi việc mới dừng ở đề xuất.

Giới chuyên gia kiến nghị, Hà Nội cần lắng nghe thêm ý kiến phản biện, tìm ra phương án khả thi nhất.

Lo nhất vấn đề xả lũ…

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & phát triển đô thị Hà Nội, Ủy viên Hội đồng quy hoạch kiến trúc thành phố Hà Nội cho biết: Trước khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011, có nội dung quy hoạch khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, đã có rất nhiều đề án được đưa ra nhưng chưa đề án nào được phê duyệt.

Đầu 2017, thành phố chủ trương giao Sở QH&KT và các đơn vị tập hợp, cung cấp hồ sơ cho đơn vị nước ngoài nghiên cứu lập quy hoạch thì lập tức vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận nên việc này đã tạm dừng. Sau khi thành phố Hà Nội có chủ trương lựa chọn đơn vị nước ngoài tư vấn và lập quy hoạch, việc này đã giao Sở QH&KT làm đầu mối tiếp tục nghiên cứu, tập hợp tài liệu.

Ông Nghiêm cho rằng, ý tưởng lập quy hoạch hai bờ sông Hồng đã nhiều lần bị vỡ kế hoạch do vướng vào quy hoạch thoát lũ sông Hồng, sông Đáy. Tuy nhiên, vướng mắc trên được tháo gỡ, sau khi Chính phủ phê duyệt đổi chỉ giới theo hướng giảm bớt số lượng các khu dân cư bị ảnh hưởng từ 1.300 điểm xuống 9 điểm dân cư.

Vừa qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức khảo sát tại huyện Hoài Đức, Đông Anh, Thường Tín và quận Long Biên để chuẩn bị đóng góp ý kiến cho thành phố trình HĐND thành phố thông qua chủ trương. Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có số liệu chính xác liên quan đến lưu lượng xả lũ ở 7 đập ngăn trên thượng nguồn sông Hồng (thuộc Trung Quốc - PV) nên cần phải nghiên cứu, nếu họ xả lũ sẽ rất nguy hiểm.

Liên quan đến việc lập đề án quy hoạch hai bên sông Hồng, đại diện Sở QH&KT Hà Nội cho biết, Sở là đơn vị đầu mối chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị liên quan tập hợp các tài liệu, thông tin liên quan phục vụ cho công tác nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội là đơn vị chịu trách nhiệm về các vấn đề chuyên môn và tham mưu trực tiếp cho thành phố, việc nghiên cứu, tập hợp tài liệu vẫn đang được tiến hành theo trình tự.

Trong khi đó, đại diện cho 3 nhà đầu tư được thành phố giao tài trợ kinh phí cho việc lập quy hoạch hai bên sông Hồng (Sungroup, Geleximco, Vingroup), một lãnh đạo Geleximco cho biết, Geleximco và các đơn vị chỉ thực hiện nhiệm vụ tài trợ kinh phí cho thành phố Hà Nội nghiên cứu, lập quy hoạch hai bờ sông Hồng. Còn lựa chọn đơn vị nào, quy trình thực hiện ra sao thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Hà Nội.

TS Đào Ngọc Nghiêm đề nghị, Hà Nội cần tiếp tục lắng nghe ý kiến phản biện của chuyên gia các lĩnh vực liên quan, bộ, ngành, các tổ chức xã hội, ý kiến cộng đồng dân cư. Về việc lựa chọn đối tác thực hiện, ông Nghiêm cho rằng, Hà Nội cần xây dựng và đưa ra bộ tiêu chí rõ ràng công khai trước dư luận. “Việc chọn đơn vị tham gia nghiên cứu lập quy hoạch là Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc châu Âu không quan trọng, miễn là thành phố lựa chọn được đơn vị đưa ra phương án quy hoạch phù hợp nhất với điều kiện tự nhiên sông Hồng, lựa chọn được chủ đầu tư đủ nguồn lực tham gia, đồng thời xây dựng được quy chế quản lý - giám sát chặt chẽ…”, ông Nghiêm phân tích.

Theo Tiền Phong

Có thể bạn quan tâm