Nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay, thành phố Hà Nội đang chỉ đạo, đề xuất nhiều phương án cải tạo hạ tầng, phân luồng giao thông tại các “điểm nóng” trên địa bàn.
OẰN MÌNH GÁNH 8.000 PHƯƠNG TIỆN/GIỜ
Theo báo cáo của UBND với Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về công tác tổ chức giao thông, trông giữ phương tiện và quản lý lòng đường vào đầu tháng 12/2023, dữ liệu quan trắc của Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho thấy, khu vực Ngã Tư Sở có lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ. Tuy nhiên, lưu lượng hiện tại lên đến 8.000 phương tiện (gấp hơn 2,5 lần so với thiết kế) nên thường xuyên ùn tắc.
Theo thống kê, trong khoảng 2 năm trở lại đây, giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở đã được điều chỉnh 5 lần.
Lần thứ nhất vào cuối năm 2020, khi Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng thông xe, gây ùn tắc cục bộ ở đường xuống gần nút Ngã Tư Sở. Thời điểm này, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấm xe trên đường Tây Sơn (dưới thấp) rẽ trái và đi thẳng qua nút giao Ngã Tư Sở, xe đi theo hướng từ Tây Sơn rẽ phải ra đường Láng và quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Láng để đi thẳng ra Trường Chinh hoặc rẽ phải ra Nguyễn Trãi.
Lần thứ 2 vào tháng 8/2022, khi thành phố thí điểm phân làn tuyến đường Nguyễn Trãi. Lần thứ 3 vào tháng 10/2021, qua theo dõi tình hình giao thông và lưu lượng phương tiện tại khu vực nút giao Ngã Tư Sở, Sở quyết định thay thế biển báo “Cấm ô tô quay đầu” thành biển “Cấm xe ô tô tải, xe ô tô khách quay đầu”.
Theo đó, xe tải, xe khách muốn di chuyển theo hướng biển cấm quay đầu (đường Nguyễn Trãi) sẽ phải rẽ phải sang đường Trường Chinh phải di chuyển khoảng 700m tới điểm quay đầu sẽ đi thẳng tới nút giao Ngã Tư Sở sau đó rẽ trái.
Lần thứ 4 vào tháng 1/2023, các phương tiện bị cấm rẽ trái trên đường Láng để ra đường Tây Sơn mà phải đi thẳng qua nút giao và rẽ trái tại điểm quay đầu đường Trường Chinh (cách nút giao 760m), sau đó đi thẳng về đường Láng hoặc rẽ phải về Tây Sơn.
Đồng thời, phương tiện từ hướng Nguyễn Trãi bị cấm đi thẳng, rẽ trái dưới gầm cầu Ngã Tư Sở để ra đường Tây Sơn, đường Láng mà phải rẽ phải về đường Trường Chinh và quay đầu tại điểm mở trên đường này (cách nút giao 760m). Sau đó, phương tiện mới được đi thẳng về đường Láng hoặc rẽ phải để đi Tây Sơn.
Lần thứ 5 là vào tháng 12/2023, Sở tiếp tục thử nghiệm phương án phân luồng mới sau khi nút giao này được cải tạo.
Cụ thể, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã di dời cây xanh tại 4 đảo dẫn hướng, xén đảo dẫn hướng để tăng làn chờ cho các phương tiện (theo hướng từ Láng về Trường Chinh và ngược lại). Mở lối quay đầu mới cho các phương tiện đi theo hướng Tây Sơn - Ngã Tư Sở - Tây Sơn; mở rộng lối quay đầu hướng Nguyễn Trãi - Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi.
Cùng với đó là xén dải phân cách, mở rộng lối rẽ phải từ Nguyễn Trãi vào Trường Chinh và Trường Chinh sang Tây Sơn, tạo làn đường mới dưới gầm cầu Ngã Tư Sở cho các phương tiện đi thẳng từ Trường Chinh sang Láng...
Sở cũng tiến hành tổ chức giao thông theo phương án thử nghiệm mới. Các phương tiện di chuyển từ Trường Chinh sang Láng đi vào làn mới mở dưới gầm cầu Ngã Tư Sở và di chuyển liên tục không dừng đèn đỏ. Các phương tiện đi từ Trường Chinh sang Nguyễn Trãi di chuyển như cũ. Phương tiện cũng có thể quay đầu tại đầu đường Trường Chinh ngay sát chân cầu vượt.
Sau khi thực hiện phương án trên, tình trạng ùn tắc đã có những chuyển biến rất tích cực, dòng ô tô phải xếp hàng để đi từ Vành đai 2 trên cao xuống nút giao Ngã Tư Sở ngắn hơn.
Tuy nhiên, tình trạng đông đúc phương tiện vẫn xảy ra tại hướng từ Trường Chinh đi Láng. Ngoài ra, tại các nút giao trên đường Tây Sơn, Nguyễn Trãi, Láng lại ùn tắc hơn, thậm chí kéo dài đến tối.
“ĐỔ” TIỀN CHO SIÊU DỰ ÁN
Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có báo cáo gửi UBND thành phố về tình hình triển khai thực hiện lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nghiên cứu tiền khả thi 11 dự án công trình giao thông sắp xây dựng trên địa bàn. Một trong số đó là vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đường Láng).
Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy có tổng đầu tư trên 21.000 tỷ đồng. Trong đó, đoạn dưới thấp hơn 17.000 tỷ đồng và đoạn trên cao gần 3.900 tỷ đồng.
Do tổng đầu tư lớn nên Sở Giao thông vận tải đề xuất tách thành hai dự án và ưu tiên cải tạo mở rộng vành đai 2 dưới thấp dài khoảng 3,8 km, điểm đầu tại nút giao Ngã Tư Sở và điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy. Chi phí dự kiến 17.241 tỷ đồng gồm giải phóng mặt bằng 16.700 tỷ đồng, xây lắp 541 tỷ đồng.
Hiện nay, chiều rộng mỗi bên của đường Láng là 10,5m. Khi cải tạo xong, đường Láng sẽ rộng 53,5m, vận tốc thiết kế 80 km/h và là trục chính đô thị. Các hạng mục đầu tư chủ yếu là giải phóng mặt bằng theo mặt cắt ngang quy hoạch, nền mặt đường, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, hào kỹ thuật, nghiên cứu đồng bộ các nút giao.
Với dự án đầu tư xây dựng vành đai 2 trên cao, điểm đầu kết nối với vành đai 2 trên cao đã xây dựng tại nút giao Ngã Tư Sở và điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy. Tuyến đường dài 3,8km, rộng 19m, vận tốc 80 km/h, là trục chính đô thị. Tổng mức đầu tư dự kiến gần 3.900 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2026 - 2030.
Theo Sở Giao thông Vận tải, việc thực hiện dự án trên nhằm giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở, phát huy hiệu quả vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đã hoàn thành.
Vành đai 2 là tuyến giao thông nội đô khép kín của Hà Nội dài 43,6km, chạy qua các điểm Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy.
Hai cầu vượt sông Hồng trên vành đai 2 là Vĩnh Tuy và Nhật Tân, một cầu vượt sông Đuống là Đông Trù. Hiện vành đai 2 chỉ còn đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đi trùng với đường Láng) dài 4km chưa được mở rộng và xây dựng đường trên cao.