Theo đó, báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm sáu tháng cuối năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều 10/7, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo đã đưa ra 6 nhóm giải pháp để giải quyết tình trạng ùn tắc nội đô.
Thứ nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch. Đây là nhóm giải pháp cơ bản có tính bền vững lâu dài. Trong đó, Hà Nội sẽ ưu tiên các tuyến đường vành đai, các tuyến trục chính hướng tâm như Quốc lộ 1, Quốc lộ 6; trục Tây Thăng Long,...
Thứ hai là duy tu, bảo trì hư hỏng hạ tầng giao thông... để phát huy tối đa năng lực hệ thống giao thông hiện có. Trong đó, tạo các nhánh rẽ phải liên tục giảm bớt lưu lượng phương tiện dừng chờ tại nút. Đây là giải pháp thực hiện thường xuyên và mang lại hiệu quả thiết thực, nhanh chóng.
Thứ ba, nhóm giải pháp quan trọng, là phát triển mạng lưới vận tải hàng khách vận tải công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân. Trong đó, ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; cải thiện mạng lưới tuyến buýt, tăng mức độ bao phủ của điểm dừng để khoảng 80% người dân có thể tiếp cận dịch vụ xe buýt trong phạm vi đi bộ hợp lý với cự ly dưới 500m.
Thứ tư là ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông với các hệ thống giao thông thông minh, trung tâm điều hành giao thông thông minh... Đây là nhóm giải pháp mang tính đột phá tạo thuận tiện cho người dân.
Thứ năm là tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, thành phố cũng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về nồng độ cồn, ma túy; các phương tiện cố tình đi ngược chiều, vượt đèn đỏ...; các vi phạm trong lĩnh vực vận tải hành khách, vận tải hàng hóa không đảm bảo an toàn giao thông, gây ùn tắc giao thông.
Theo số liệu được Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, dân số của Hà Nội hiện đạt trên 8,4 triệu người (chưa bao gồm khoảng 1,2 triệu người thường xuyên sinh sống, làm việc và học tập tại thành phố). Số lượng phương tiện giao thông đường bộ tính đến nay khoảng trên 7,9 triệu phương tiện các loại (có khoảng 1,1 triệu xe ôtô và 6,6 triệu xe máy; 0,2 triệu xe máy điện.
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2022 là trên 10% đối với ôtô và trên 3% đối với xe máy, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn. Trong khi tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được 10,35% (chỉ tăng được khoảng từ 0,26-0,3%/năm); diện tích đất giành cho giao thông tĩnh mới được dưới 1%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt được khoảng 18,5%.
Theo quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ diện tích đất giao thông/diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 20 - 26% trong đô thị trung tâm. Trong đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3 - 4%...