Tôi đã từng đôi lần đi cùng các thành viên tổ chức Bảo tồn Chim quốc tế Bird Life và Trung tâm Thiên nhiên Việt Nam, vào mùa chớm đông, đến những khu rừng ngập mặn, ngóng và đếm từng cánh chim di cư.
Năm 2013, tại Vườn quốc gia Tràm Chim , Đồng Tháp, lần đầu có một sự kiện tên là Chào đón chim di cư Việt Nam…
Những cuộc đi như thế, ngoài những trải nghiệm tuyệt vời, thì quan trọng là hiểu biết thêm được chút ít về chim di cư, mùa di cư của chim, sự cần thiết phải bảo vệ sinh cảnh dọc theo đường bay chim di cư…
Đó là lý do khiến lòng tôi thắt lại khi thấy bỗng một ngày mùa đông rét mướt, trên Hồ Gươm ở Thủ đô Hà Nội, có 12 cá thể chim di cư, 12 con thiên nga đen và trắng, bơi lội tung tăng.
Chúng sẽ bơi lội ở đấy được bao lâu? Loài chim thiên di đâu có quen khí hậu nhiệt đới.
Những người thả thiên nga hoặc ủng hộ việc thả thiên nga xuống hồ Hoàn Kiếm giải thích rằng chim thiên nga là loài chim có sức đề kháng tốt, hầu như rất ít mắc các bệnh thông thường của thủy cầm (cũng may lâu rồi người ta quên mất cụm từ H5N1, H5N7), có thể dễ dàng thích nghi với nhiều môi trường sống trong đầm và hồ lớn (tất nhiên môi trường sống không phải là một cái ao hoặc tương tự ao).
12 con thiên nga đem thả xuống hồ hôm 5.2 đã được nuôi dưỡng ở một trang trại ngoại thành, đã được thuần dưỡng để không bay được nữa.
Thuần dưỡng thực ra là mỹ từ thôi. Muốn cho thiên nga không bay, ông chủ trại cho biết đã phải cắt cánh nó.
Bất cứ một người nào có hiểu biết chút ít về loài chim đều biết rằng lông vũ ở trên cánh chim đóng vai trò quan trong trong việc bay lượn thế nào.
Cắt cánh, nhổ lông vũ, cắt xương khớp cánh của chim non, làm cho lông vũ không có chỗ để mọc lên, không có sức để vẫy mạnh cánh thì chim không bay được. Người ta vẫn làm thế ở vườn thú.
12 con thiên nga đẹp đẽ không- biết bay trên Hồ Gươm chắc chắn đã bị can thiệp như thế để không bay.
Hồ Gươm trở nên một “góc vườn thú“. Để thỏa mãn ý muốn của một số người, người ta không ngần ngại phô diễn sự đối xử tàn tệ với loài chim. Và không chỉ với một loài chim, với cả tự nhiên nói chung.
Những con thiên nga bất hạnh, chỉ có thể nói được thế, bị coi như những chú vịt ao. Thành thật mà nói, vịt trong ao đẹp chẳng kém và không hề có giá đến 20 triệu một con.
“Nhưng là người dân, có lẽ chúng ta nên cảm thấy may mắn vì việc thả thiên nga mới đang trong giai đoạn “thử nghiệm” và đơn vị thử nghiệm đã tiến hành thả thiên nga - biểu tượng của sự đẹp đẽ và sang trọng, là hình ảnh quen thuộc trong thần thoại và nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng”.
Tôi đọc thấy một câu như thế trên một tờ báo. Tôi không thể hiểu thế nào là may mắn, may mắn có phải là không phải bỏ tiền mà được ngắm thiên nga bơi lội, ngắm lá phong đỏ rực góc nào đó Thủ đô (cây phong phải 70-80 năm mới phát triển hoàn thiện nên cứ kiên nhẫn mà chờ).
Những cây phong lá đỏ được trồng tại Hà Nội.
Sự đẹp đẽ và sang trọng nào chứ? Chỉ cần giữ lại được hồn cốt của Hà Nội thanh lịch và văn minh là đủ đẹp đẽ và sang trọng rồi, đâu có cần đem những cây những lá, những loài vật những con chim xa lạ ở đâu về, rồi bắt chúng…không sống được.
Cái chết của con thiên nga là môt cái chết được báo trước, với một loài chim thiên di quen với bầu trời, với tự do bị giam cầm trong một cái hồ nhỏ nơi đô thị chật chội.
Nếu chúng ta coi việc ngắm thiên nga ở Hồ Gươm là may mắn thì hãy cố gắng quên đi sự bất hạnh của những con vật ấy. Quên đi những cánh chim thiên di cần một bầu trời!
Theo Dân Việt