Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất 6 tháng đầu niên độ 2017 của HVG đạt hơn 8.761 tỷ đồng, tăng nhẹ so với báo cáo tự lập. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán sau soát xét tăng 127 tỷ đồng nên lãi gộp chỉ còn hơn 470 tỷ đồng, giảm hơn 100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, sau soát xét chi phí quản lý tăng thêm lên gần 116 tỷ đồng trong khi theo báo cáo tự lập là 97,4 tỷ đồng. Hoạt động liên doanh liên kết thay vì có lãi gần 26 tỷ đồng chuyển sang chịu lỗ hơn 10 tỷ đồng và lỗ khác cũng lên tới gần 9 tỷ đồng trong khi tại báo cáo tự lập trước đó hoạt động khác lãi 1,2 tỷ đồng.
Với hàng loạt các điều chỉnh bất lợi như vậy khiến HVG chịu lỗ ròng hơn 172 tỷ đồng trong nửa đầu năm niên độ 2017, tăng lỗ thêm 140 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó.
Tính đến 31/3/2017, tổng tài sản Hùng Vương đạt 15.390 tỷ đồng. Trong đó tập trung ở các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 6.666,8 tỷ đồng và hàng tồn kho chiếm 3.870,7 tỷ đồng.
Được biết, tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, ban lãnh đạo HVG cho biết, công ty còn dự trữ đến 33.000 tấn fillet thành phẩm. Với giá trị xuất khẩu như hiện tại, chỉ riêng việc bán hàng tồn kho cũng mang về cho Hùng Vương khoản lợi nhuận tương đối lớn, cộng thêm cá trong ao thì Hùng Vương có thể thu về trên 700 tỷ đồng lợi nhuận.
Nhưng Hùng Vương chỉ đưa ra con số 400 tỷ đồng lợi nhuận và HVG sẽ xin ý kiến cổ đông chi trả cổ tức tỷ lệ 10% khi hoàn thành kế hoạch 700 tỷ đồng cũng như giảm 50% nợ vay vào tháng 9 năm nay.
Theo đó, công ty đặt kế hoạch cho 2 năm liên tiếp, với doanh thu 2017 và 2018 là 20.000 tỷ và 25.000 tỷ đồng; lợi nhuận cũng lần lượt đạt 400 tỷ đồng và 700 tỷ đồng.
Mới đây, Sở GDCK TPHCM quyết định đưa cổ phiếu HVG vào diện cảnh báo kể từ ngày 13/06/2017 do công ty vi phạm quy định về công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm. Trước đó, Sở đã nhiều lần nhắc nhở HVG về việc chậm nộp BCTC bán niên soát xét (năm tài chính từ 1/10/2016 đến 30/09/2017).