Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024. Theo đó, trong kỳ kinh doanh vừa qua, SCIC đã thu về 1.264 tỷ đồng doanh thu thuần, so với cùng kỳ đã giảm đến 36%.
Mặc dù doanh thu giảm, nhưng nhờ vào khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư tăng mạnh đã giúp cho lợi nhuận gộp công ty theo đó tăng lên 2.718 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, SCIC ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý 2 đạt 2.352 tỷ đồng.
Kết thúc nửa đầu năm 2024, SCIC ghi nhận doanh thu tăng 41% so với 6 tháng năm 2023, đạt 3.947 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế bán niên cũng tăng 95% so với cùng kỳ và đạt 5.917 tỷ đồng. Điều đáng nói là, lợi nhuận SCIC mang về còn cao hơn tổng lợi nhuận cả năm 2023 mà công ty nhận được.
Tính đến thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản SCIC sở hữu ước tính khoảng mức 62.310 tỷ đồng. Trong đó, công ty đang có đến 7.571,5 tỷ đồng tiền mặt và tương đương tiền. Công ty cũng đang có gần 27.893 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng ngắn hạn, song song với hơn 4.000 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu. Vốn chủ sở hữu là 56.792 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo của Tổng Công ty cũng cho biết, tại thời điểm lập Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024, SCIC chưa thu thập được báo cáo tài chính cùng kỳ của Công ty Cổ phần Tháp Truyền hình Việt Nam và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP.
SCIC hiện nay có 1 công ty con là Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC (100%) và 5 công ty liên kết: Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Lào – Việt (27%); Công ty Cổ phần Đầu tư SCIC – Bảo Việt (50%); Công ty Cổ phần Tháp Truyền hình Việt Nam (33%); Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Đầu tư Việt Nam (30%); Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (31,14%).
6 tháng đầu năm, SCIC đã nhận khoảng 3.000 tỷ đồng cổ tức và lợi nhuận được chia.
Dẫn đầu mức cổ tức và lợi nhuận chia lại cho SCIC là Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - mã chứng khoán: SAB) với gần 693 tỷ đồng. Theo sau là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã chứng khoán: VNM) với 677 tỷ đồng. Kế tiếp là Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Đầu tư Việt Nam với 600 tỷ đồng. Tổng mức đóng góp của 3 đơn vị trên đã gần 2.000 tỷ đồng, chiếm gần 63% tổng cổ tức và lợi nhuận được chia trong kỳ của SCIC.
Trước đó, SCIC đã lên kế hoạch bán vốn trong năm 2024, đơn vị này dự kiến thoái vốn tại 58 doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp niêm yết và không niêm yết.
Hai danh sách thoái vốn được SCIC công bố gần đây đã xuất hiện nhiều tên của các cái tên lớn trên sàn như Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (mã chứng khoán: NTP), Công ty Cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT), Tổng Công ty Thuỷ sản Việt Nam (Seaprodex - mã chứng khoán: SEA), Tổng Công ty Cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (mã chứng khoán: VEC), Tổng Công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (mã chứng khoán: VIW), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO (mã chứng khoán: DMC)...
Tuy nhiên, việc thoái vốn tại các doanh nghiệp nêu trên đều chưa được thực hiện trong nửa đầu năm 2024. Trong đó nhiều thương vụ được các nhà đầu tư mong chờ như việc thoái vốn tại NTP và FPT.