UBND TP Đà Nẵng vừa phê duyệt quy hoạch tổng thể điểm nhấn kiến trúc xung quanh sân vận động Chi Lăng và nhà hát Trưng Vương. Theo đó, khu vực có diện tích 8,5 ha xung quanh nhà hát Trưng Vương và sân vận động Chi Lăng gồm hai khu sẽ được xây dựng các công trình cao tầng, tạo nên điểm nhấn kiến trúc cho không gian đô thị.
Cụ thể, khu A cao trên 33 tầng, gồm 3 lô đất: lô đất Sân vận động Chi Lăng có phía Bắc giáp đường Lê Duẩn, phía Nam giáp đường Hùng Vương, phía Đông: giáp đường Ngô Gia Tự, phía Tây giáp đường Chi Lăng (Triệu Nữ Vương cũ); lô đất phía Đông nhà hát Trưng Vương (tòa tháp Viễn Đông), phía Bắc giáp Khu dân cư, phía Nam giáp đường Hùng Vương, phía Đông giáp đường Yên Bái, phía Tây giáp đường Nguyễn Chí Thanh; lô đất khu phức hợp An Cư Đông Á (tổ hợp Golden Square), phía Bắc giáp đường Nguyễn Thái Học, phía Nam giáp đường Phạm Hồng Thái, phía Đông giáp đường Yên Bái, phía Tây giáp đường Nguyễn Chí Thanh.
Khu B cao 16 – 25 tầng, là lô đất phía Tây nhà hát Trưng Vương, phía Bắc giáp Khu dân cư, phía Nam giáp đường Hùng Vương, phía Đông giáp đường Phan Châu Trinh, phía Tây giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai. Đây là 1 trong số 21 điểm nhấn kiến trúc được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt từ năm 2013, khi được hoàn thành sẽ góp phần biến Đà Nẵng trở thành một đô thị hiện đại hàng đầu Đông Nam Á.
Trong đó, sân vận động Chi Lăng có diện tích 5,5 ha dự kiến sẽ xây dựng khoảng 8 khối cao ốc cao trên 33 tầng. Được biết, sân vận động Chi Lăng nằm ở quận Hải Châu, Trung tâm TP. Đà Nẵng với bốn mặt tiền là đường Lê Duẩn, Hùng Vương, Ngô Gia Tự và Chi Lăng. Đây được đánh giá là khu đất ‘vàng’, có vị trí đắc địa bậc nhất Đà Nẵng.
Hiện tại toàn bộ khuôn viên sân vận động được tận dụng cho thuê làm bãi đỗ xe
Tháng 8/2010, UBND TP, Đà Nẵng cấp phép đầu tư dự án Khu phức hợp thương mại – dịch vụ Thiên Thanh Chi Lăng Plaza (Sau đây gọi tắt là dự án SVĐ Chi Lăng) cho Tập đoàn Thiên Thanh do ông Phạm Công Danh làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Lô đất có diện tích 55.061 m2 được giao quyền sử dụng cho Tập đoàn Thiên Thanh với giá gần 1.400 tỷ đồng, tương đương đơn giá 25,3 triệu đồng/ m2 (giá đất tại khu vực này vào thời điểm đó lên tới 80 triệu đồng/ m2).
Tập đoàn Thiên Thanh sau đó phân khu đất này làm 14 lô và mang đi cầm cố Ngân hàng Xây dựng và Agribank để vay hơn 4.000 tỷ đồng. Sau khi ông Phạm Công Danh cùng người liên quan bị bắt trong đại án Ngân hàng Xây dựng, dự án SVĐ Chi Lăng đi vào ngõ cụt khi chủ đầu tư là Tập đoàn Thiên Thanh không có người đứng đầu, mất khả năng thanh khoản, Ngân hàng Xây dựng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá ‘0’ đồng, quyền sử dụng đất tại SVĐ Chi Lăng cũng theo đó là tài sản của Ngân hàng Nhà nước.