So sánh VEAM - Vinamilk: Lợi nhuận nghìn tỷ, thành quả khác xa

Trong khi Vinamilk chủ động chối bỏ phương án liên doanh từ những ngày đầu thì VEAM lại tích cực tham gia nhiều liên doanh như Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam hay Ford Việt Nam.
So sánh VEAM - Vinamilk: Lợi nhuận nghìn tỷ, thành quả khác xa

Cả 2 cách làm đều mang lại lợi nhuận hàng nghìn tỷ mỗi năm, nhưng thành quả mà Vinamilk gây dựng được lại khác xa VEAM.

Liên doanh hay không liên doanh?

Chỉ mới cách đây đôi ba ngày, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba (lần thứ hai). Trong khi đó, cũng chỉ vài ngày tới là sẽ diễn ra phiên IPO được cho là lớn nhất năm 2016 của Công ty mẹ - Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).

Vinamilk và VEAM là 2 điển hình đại diện cho 2 con đường mà một doanh nghiệp xuất thân từ Nhà nước phải lựa chọn: liên doanh hoặc không liên doanh. Trong khi Vinamilk chủ động chối bỏ phương án liên doanh ngay từ những ngày đầu được doanh nghiệp nước ngoài đề nghị thì VEAM lại rất tích cực tham gia vào nhiều liên doanh như Honda Việt Nam (sở hữu 30% cổ phần), Toyota Việt Nam (sở hữu 20% cổ phần) và Ford Việt Nam (sở hữu 50% cổ phần kể cả trực tiếp và gián tiếp).

Rõ ràng quyết định không liên doanh mà “tự thân vận động” chiến đấu với các doanh nghiệp sữa có lịch sử hàng trăm năm và tiềm lực tài chính vô cùng dồi dào của nước ngoài là một quyết định quá táo bạo và bản lĩnh của Vinamilk. Tất nhiên quyết định đầy tự hào ấy đang có một kết quả có hậu khi Vinamilk giờ đây đang thống lĩnh thị trường sữa Việt Nam và tạo ra lợi nhuận hơn 7.700 tỷ đồng trong năm 2015. Nhưng ngược lại, cũng không thiếu những doanh nghiệp sữa bị đè bẹp trong cuộc chiến với các “đại gia” sữa ngoại.

Còn đối với quyết định liên doanh của VEAM thì không thể nói rằng đây là quyết định tồi bởi lẽ doanh nghiệp này đã thu về tới hơn 3.300 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2015, trong đó chủ yếu là lợi nhuận được chia từ các liên doanh. Và ngược lại, cũng không ít doanh nghiệp Việt Nam vì không liên doanh với các hãng sản xuất xe nước ngoài mà âm thầm biến mất bởi không chịu nổi cạnh tranh.

Gây dựng được gì?

Dù cùng đem về hàng nghìn tỷ lợi nhuận mỗi năm nhưng VEAM lại mang tiếng là “sống nhờ” liên doanh, còn Vinamilk lại trở thành biểu tượng của doanh nghiệp Việt. VEAM được thành lập năm 1990 với định hướng là đơn vị kinh tế trọng điểm trong công cuộc thực hiện mục tiêu Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Thế nhưng đã hơn 25 năm trôi qua, thành quả của VEAM đạt được trong lĩnh vực chế tạo động cơ và máy nông nghiệp là rất khiêm tốn. Theo báo cáo tài chính hợp nhất các năm 2012, 2013, 2014 thì doanh thu của VEAM đang có xu hướng giảm dần. Nếu như năm 2011, doanh thu của tổng công ty này đạt mức 7.029 tỷ đồng thì đến năm 2012, con số này giảm xuống còn 6.289 tỷ đồng. Năm 2013 tiếp tục chứng kiến đà giảm doanh thu của VEAM, xuống mức 5.758 tỷ đồng.

Tình trạng tiếp tục xấu đi khi doanh thu hợp nhất 2014 của VEAM chỉ còn 5.098 tỷ đồng. Nhưng đó chưa phải điều tồi tệ nhất. Điều tồi tệ hơn là tình trạng lỗ thuần của VEAM đang ngày càng nghiêm trọng. Năm 2011, VEAM lỗ thuần “chỉ” 48 tỷ đồng nhưng chỉ một năm sau, con số này tăng lên 70,8 tỷ đồng. Mức lỗ thuần tiếp tục tăng vọt lên trong năm 2013 và đạt mức lỗ tới 148 tỷ đồng, rồi tiếp đà lỗ trong năm 2014 với con số lỗ thuần lên đến 225 tỷ đồng.

Tất nhiên lợi nhuận sau thuế của VEAM vẫn “lung linh” bởi con số lỗ thuần dù lớn vẫn không thể so bì với lợi nhuận hàng nghìn tỷ mà tổng công ty này được chia từ liên doanh Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam. Nói VEAM “sống nhờ” vào liên doanh quả thật không sai. Không những vậy, VEAM còn trở thành “trợ thủ đắc lực” cho các liên doanh khi đảm nhiệm công tác làm đầu mối giao dịch, liên hệ với các bộ ngành giải quyết các vướng mắc về chính sách cho các liên doanh này ở Việt Nam.

Còn thành quả của Vinamilk sau khi từ chối liên doanh và chấp nhận cạnh tranh đã quá rõ. Không chỉ trở thành công ty niêm yết có vốn hóa thị trường lớn nhất Việt Nam, Vinamilk còn là niềm tự hào của người Việt khi đánh bật các doanh nghiệp sữa ngoại để thống trị ngành sữa trong nước và đang vươn mình ra thế giới.

Điều quan trọng hơn là Vinamilk cũng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh dẫn dắt ngành sữa mà Nhà nước giao phó từ những ngày đầu, đồng thời trở thành một trong những trụ cột của ngành công – nông nghiệp nước nhà. 2 doanh nghiệp cùng xuất thân, 2 lựa chọn phát triển đem đến 2 thành quả khác nhau. Nhìn xuống thì hẳn VEAM vẫn còn rất tự hào với khoản lợi nhuận hàng nghìn tỷ mỗi năm, nhưng nhìn sang “người anh em” một thời Vinamilk, hẳn VEAM phải cảm thấy có chút “chạnh lòng”.

 Kình Dương/VNF

Có thể bạn quan tâm

Elon Musk sắp tiếp quản TikTok?

Elon Musk sắp tiếp quản TikTok?

Theo một báo cáo mới đây từ Bloomberg, các nhà chức trách tại Trung Quốc đang cân nhắc về khả năng bán TikTok Mỹ cho tỷ phú Elon Musk…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Gần 2 triệu thiết bị Masstel bán ra, Masscom hỗ trợ người dân dễ dàng chuyển đổi số

Gần 2 triệu thiết bị Masstel bán ra, Masscom hỗ trợ người dân dễ dàng chuyển đổi số

Công ty Cổ phần Masscom Việt Nam công bố những kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2024 khi tăng trưởng vượt mục tiêu 20% với hàng triệu sản phẩm được bán ra, trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong công nghệ di động, giải pháp công nghệ giáo dục và sản phẩm công nghệ trẻ em…