Thị trường đang bước vào giai đoạn "nở rộ" của mùa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2024, trong đó chứng khoán là một trong những nhóm ngành được thị trường mong đợi nhất.
Trong kỳ kinh doanh vừa qua, thị trường chứng khoán đi ngang với biên độ hẹp, dòng tiền không vào trước những lo ngại rủi ro vĩ mô thế giới, ở trong nước thiên tai ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, nhiều công ty chứng khoán báo doanh thu, lợi nhuận đi lùi và cũng không ít tổ chức báo lỗ, đáng chú ý mảng môi giới ngày càng ảm đạm.
Những thách thức trong hoạt động kinh doanh không chỉ ảnh hưởng đến các con số tài chính mà còn tác động sâu sắc đến khả năng phát triển bền vững và khả năng hồi phục của từng công ty trong tương lai.
NHIỀU DOANH NGHIỆP BÁO LỖ
Công ty Cổ phần Chứng khoán CV (CVS) đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2024, ghi nhận doanh thu hoạt động đạt hơn 4,5 tỷ, tăng trưởng gần 450% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn doanh thu của CVS đến từ lãi từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) với hơn 4 tỷ đồng, ngoài ra có gần 290 triệu đồng là doanh thu môi giới.
Tuy nhiên, chi phí hoạt động lên tới hơn 8 tỷ, tập trung tại khoản mục chi phí môi giới. Cộng thêm hơn 6 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, kết quả CVS lỗ trước thuế gần 10 tỷ đồng trong quý 3 vừa qua, ghi nhận quý thứ 9 liên tiếp kinh doanh thua lỗ. Hiện đây cũng là mức lỗ đậm nhất trong số những công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2024.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, CVS đạt hơn 7 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng trưởng 115% so với cùng kỳ năm trước. Lỗ trước thuế gần 24 tỷ đồng.
Cùng số phận, Công ty Cổ phần Chứng khoán Phố Wall (WSS) vừa công bố lỗ ròng 8,8 tỷ đồng trong quý 3/2024, một phần do gia tăng lỗ từ hoạt động tự doanh tài sản tài chính FVTPL. Đây đã là quý thua lỗ thứ 5 liên tiếp của công ty.
Trong quý 3, WSS ghi nhận tổng doanh thu tăng 20%, đạt 5,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động lại vọt lên gấp 4,3 lần, vượt mức 13 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ từ tài sản tài chính FVTPL gia tăng đột biến sau khi đánh giá lại, khiến lợi nhuận “bốc hơi”. Kết quả này đã kéo tổng lỗ của công ty lên tới 33 tỷ đồng sau 9 tháng, làm cho kế hoạch đạt lợi nhuận sau thuế 4,4 tỷ đồng cho cả năm trở nên ngày càng mờ mịt.
Đến cuối tháng 9, danh mục tài sản FVTPL của WSS chỉ còn giá trị hợp lý gần 104 tỷ đồng, giảm 36% so với giá gốc và giảm 38% so với giá trị hợp lý đầu năm. Cơ cấu danh mục chủ yếu bao gồm cổ phiếu chưa niêm yết (thuộc sàn UPCoM), tất cả đều giảm giá trị sau khi đánh giá lại, với khoản đầu tư vào HAF tạm lỗ 55%, ILS 52% và MGG 27%.
Tương tự, Công ty Cổ phần Chứng khoán Thủ Đô (CASC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2024, cho thấy doanh thu giảm mạnh do công ty đang trong quá trình tái cấu trúc.
Trong kỳ báo cáo, CASC ghi nhận doanh thu chỉ đạt 9,7 tỷ đồng, giảm tới 64% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do sự suy giảm từ hoạt động lưu ký chứng khoán, trong khi các mảng khác ghi nhận doanh thu không đáng kể.
Theo thông tin từ doanh nghiệp, tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong năm 2024, cùng với việc tiến hành tái cấu trúc, là nguyên nhân chính dẫn đến sự giảm sút này. Tuy nhiên, bất chấp doanh thu sụt giảm, CASC vẫn đạt lợi nhuận 3,2 tỷ đồng trong quý 3 nhờ vào việc thắt chặt chi phí.
Lũy kế trong 9 tháng, CASC ghi nhận tổng doanh thu 27,2 tỷ đồng, giảm 74% so với năm trước. Sự sụt giảm doanh thu, trong khi chi phí vẫn ở mức cao, đã dẫn đến khoản lỗ sau thuế 2,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty còn lãi 10,6 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác là Công ty Cổ phần Chứng khoán Stanley Brothers (SBSI) báo lỗ gần 6 tỷ đồng trong quý 3. Công ty giải trình thị trường cổ phiếu biến động mạnh trong 9 tháng đầu năm khiến hoạt động kinh doanh kém hiệu quả. Trong quý 3, doanh thu hoạt động đi ngang nhưng chi phí hoạt động lại tăng đáng kể, chủ yếu từ lỗ FVTPL
"NỖI BUỒN" DOANH THU MÔI GIỚI
Kết thúc quý 3, Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX (mã chứng khoán: VIX) ghi nhận doanh thu hoạt động ấn tượng, đạt hơn 553,7 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước và tăng 46% so với quý liền trước. Trong cơ cấu doanh thu, lãi từ mảng FVTPL chiếm ưu thế lớn nhất, đạt 401 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với năm trước. Lãi từ cho vay và phải thu cũng ghi nhận mức tăng 55,4%, đạt 110,7 tỷ đồng.
Ngược lại, doanh thu từ hoạt động môi giới lại giảm 18%, chỉ còn 25,8 tỷ đồng, trong khi lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) chỉ đạt 185,9 triệu đồng, giảm mạnh so với con số 43,5 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Sau khi trừ chi phí, Chứng khoán VIX ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 265,3 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước và tăng 113% so với quý 2. Tính lũy kế trong 9 tháng, công ty đạt lợi nhuận sau thuế 551 tỷ đồng, giảm gần 30%, chỉ hoàn thành 52% kế hoạch năm.
Trong quý 3/2024, Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam ghi nhận lãi ròng gần 106 tỷ đồng, đánh dấu mức giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Dù quy mô tài sản tăng mạnh lên hàng nghìn tỷ đồng, điều này không đồng nghĩa với việc hiệu quả kinh doanh cũng được cải thiện.
Lý do chính dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận đến từ doanh thu hoạt động trong kỳ, giảm 255 tỷ đồng xuống còn 590 tỷ đồng, chủ yếu do các mảng tự doanh và môi giới chứng khoán giảm sút.
Cụ thể, lãi từ tài sản tài chính FVTPL giảm 38%, chỉ còn gần 293 tỷ đồng, trong khi doanh thu từ môi giới chứng khoán giảm 33%, chỉ đạt hơn 91 tỷ đồng. Mặc dù khoản cho vay và phải thu tăng hơn 1.500 tỷ đồng so với đầu năm, doanh thu từ mảng này chỉ ghi nhận mức tăng khiêm tốn 9%, đạt gần 165 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ kết quả khả quan trong quý 1/2024, lợi nhuận tích lũy trong 9 tháng của Chứng khoán KIS vẫn tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 362 tỷ đồng.
VẪN CÓ NHIỀU ĐIỂM SÁNG
Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (mã chứng khoán: MBS) vừa là doanh nghiệp chứng khoán đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý 3 với kết quả tương đối khả quan. Trong kỳ báo cáo này, MBS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 806 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 179 tỷ đồng, tăng 8%.
Tính lũy kế trong 9 tháng, MBS đã ghi nhận doanh thu lên đến 2.363 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 578 tỷ đồng, lần lượt tăng 85% và 40% so với năm trước, qua đó hoàn thành 85% và 77,7% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, so với quý liền trước, lợi nhuận của MBS trong quý 3 đã giảm 17%, chấm dứt chuỗi tăng trưởng dương kéo dài suốt 6 quý liên tiếp trước đó.
Trong kỳ kinh doanh vừa qua, MBS đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong doanh thu từ hoạt động tự doanh và cho vay, lần lượt tăng gấp 10,9 lần và 1,4 lần so với năm trước. Thế nhưng, doanh thu từ hoạt động môi giới lại giảm tới 38% so với quý 3/2023 và 26% so với quý trước, chỉ còn gần 133 tỷ đồng, thể hiện sự sụt giảm đáng kể so với giai đoạn trước.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán DSC vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 với nhiều điểm sáng ấn tượng. Doanh thu hoạt động đạt 147 tỷ đồng, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) chiếm ưu thế với 77 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu cũng tăng 18%, đạt 45 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu từ môi giới giảm 43%, chỉ còn 22 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu tăng, nhưng chi phí hoạt động lại giảm mạnh 22%, xuống còn 28 tỷ đồng, trong đó chi phí môi giới chiếm phần lớn. Lợi nhuận sau thuế của DSC đạt 72 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 84% so với cùng kỳ và đánh dấu quý có lợi nhuận cao nhất kể từ khi công ty bắt đầu công bố kết quả kinh doanh theo quý vào năm 2010.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, DSC ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 393 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 151 tỷ đồng, tương ứng tăng 25% và 59% so với cùng kỳ năm trước. Với kế hoạch kinh doanh 2024 đã được thông qua, DSC đã hoàn thành 92% chỉ tiêu doanh thu và 94% chỉ tiêu lợi nhuận chỉ sau ba quý.
Tại thời điểm cuối tháng 9, danh mục tài sản FVTPL của công ty ghi nhận giá gốc 2.548 tỷ đồng, tăng 8% so với cuối quý 2, chủ yếu nhờ khoản chứng chỉ tiền gửi đạt 2.250 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị thị trường của danh mục cổ phiếu đạt 322 tỷ đồng, ước lãi 8% so với giá gốc, trong khi thời điểm cuối quý 2 ước lỗ 9%.
Tuy nhiên, báo cáo quý 3 không thuyết minh chi tiết các chứng khoán nắm giữ, nhưng báo cáo bán niên trước đó cho thấy DSC đang nắm giữ nhiều cổ phiếu ngân hàng như ACB, CTG, MBB, OCB và cả cổ phiếu ngành chứng khoán như HCM, các mã này đều có diễn biến tích cực trong quý 3 và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ vào đầu tháng 10.
Dư nợ cho vay margin cuối kỳ của DSC đạt hơn 1.700 tỷ đồng, tăng 11% so với ba tháng trước, trong khi số tiền ứng trước từ bán giảm 24%, còn 90 tỷ đồng.
Một tin vui khác là DSC đã được HOSE chấp thuận niêm yết với gần 205 triệu cổ phiếu, và đã chính thức hủy giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 15/10 để chuyển sang niêm yết tại HOSE.