Chúng ta đã đi cùng nhau được một chặng đường dài trong chuỗi bài về chủ đề “Lãnh đạo tỉnh thức”, chủ đề mà ngay từ đầu tôi đã nói rằng rất cấp tiến, nhưng còn xa lạ với nhiều người Việt Nam. Từ những bài viết đầu tiên về khái niệm, vai trò của việc tỉnh thức, cho đến kỹ năng thấu hiểu bản thân, kiểm soát cảm xúc và lãnh đạo bằng sự thấu cảm, tôi rất mong rằng mình đã thành công phần nào trong việc đưa khái niệm này đến gần hơn với người đọc, giúp mọi người tin rằng, giữa cuộc sống vội vã xô bồ này, có một cách thức giúp bạn thành công nhưng vẫn tìm thấy niềm vui, sự an yên mỗi ngày. Niềm vui và sự an yên ấy, góp phần quan trọng tạo nên cuộc sống cân bằng viên mãn (well-being), và là cái đích lớn nhất của hành trình chuyển hoá trở thành lãnh đạo tỉnh thức.
Bàn về sự cân bằng trong cuộc sống, tôi nhận ra có khá nhiều quan điểm trái chiều. Không ít người cho rằng, nếu muốn thành công trong công việc, bạn buộc phải chấp nhận hy sinh một điều gì đó: sức khoẻ, gia đình, tình yêu, bạn bè,... Vậy giả sử, bạn đạt được mọi tham vọng và đứng trên đỉnh cao sự nghiệp, bạn sẽ làm gì tiếp theo, liệu niềm vui đó có kéo dài mãi mãi, và liệu nó có xứng đáng để bạn đánh đổi những thứ vô giá trong cuộc sống như sức khoẻ, như gia đình?
Tôi cũng đã từng đặt ra những câu hỏi như vậy. Khoảng 10 năm trước, tôi là một người rất nóng tính, nhiều tham vọng, thường xuyên về nhà với sự mệt mỏi và lại nóng giận vô cớ với những người mình yêu thương nhất. Và rồi tôi nhận ra, dù có được thành công, nhưng trong tôi vẫn có nhiều điều không ổn, tôi chịu nhiều áp lực, không hài lòng với bản thân, hiếm khi tôi cảm nhận được một niềm vui trọn vẹn. Lý do là vì tôi đã đánh mất sự cân bằng trong khi chạy theo thành công sự nghiệp, tôi đã bỏ quên mất những thực sự có ý nghĩa đối với mình. Vậy đâu là những yếu tố quan trọng giúp đạt được sự cân bằng viên mãn, tôi sẽ cố gắng chia sẻ với các bạn trong bài viết sau đây.
4 yếu tố quan trọng tạo nên sự cân bằng
Trước hết, chúng ta cần hiểu sự cân bằng là tổng hoà của 4 yếu tố hết sức rõ ràng,bao gồm:
• Thể chất (physical): Khía cạnh thể chất ở đây là tất cả những trải nghiệm thông qua cơ thể của chúng ta đó là năng lượng, hoạt động và các trải nghiệm thông qua giác quan vật chất. Nó bao gồm sức khoẻ, khả năng vận động, chế độ dinh dưỡng, giấc ngủ.
• Tâm trí (mental): Khía cạnh này liên quan đến cách chúng ta nghĩ và sử dụng tâm trí của mình để diễn giải những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta. Đó là khả năng tập trung, ghi nhớ, kiểm soát suy nghĩ, tư duy (tích cực hoặc tiêu cực), khả năng giải quyết vấn đề, ra quyết định, đặt mục tiêu và kế hoạch.
• Cảm xúc (emotional): Khía cạnh cảm xúc là việc cảm nhận, hiểu và làm chủ những cảm xúc của mình. Đó là việc thấu hiểu bản thân, kiểm soát cảm xúc cá nhân, tự tin, có sự đồng cảm (hiểu cảm xúc của người khác), làm chủ các mối quan hệ;
• Tinh thần (spiritual): Khía cạnh này là khả năng kết nối với chính mình và tìm ra ý nghĩa cuộc sống của mình, hiểu những niềm tin và giá trị cốt lõi nào đã dẫn dắt ta. Ngoài ra còn có sự kết nối với những gì lớn hơn bản thân mình như gia đình, cộng đồng và môi trường. Một số khía cạnh ở đây là tôn trọng bản thân, hiểu giá trị và niềm tin của mình, sự hài lòng mãn nguyện, kết nối với cộng đồng, tìm thấy ý nghĩa trong công việc, cuộc sống.
4 yếu tố này có sự trùng lặp và tác động qua lại. Sự thay đổi ở một khía cạnh sẽ tác động đến ba khía cạnh còn lại. Ví dụ như khi tôi lo lắng, căng thẳng vì khối lượng công việc quá nhiều (tâm trí), điều này khiến tôi mất ăn mất ngủ, và mệt mỏi (thể chất), kết quả là tâm tính của tôi nóng nảy, khó chịu (cảm xúc) và tôi chẳng còn quan tâm đến việc mình mình cần tử tế với các đồng nghiệp của mình (tinh thần).
Điều quan trọng là bạn hiểu rõ bản thân mình, nhận biết được đâu là khía cạnh mang lại nguồn năng lượng tích cực cho mình, và tận dụng phát triển khía cạnh đó để tạo ra ảnh hưởng tích cực đến những khía cạnh còn lại.
Làm thế nào để đạt được sự cân bằng?
Trước tiên hãy dành thời gian làm một bài tập nhỏ là cho điểm mức độ hài lòng của bạn đối với bốn khía cạnh nêu trên. Xác định đâu là khía cạnh bạn muốn cải thiện. Hãy trung thực để nhìn nhận lý do nào đã khiến bạn chưa tìm được sự cân bằng. Bạn sẽ biết mình nên làm gì.
1. Sống tích cực:
Nhìn vào mặt tiêu cực để rồi buồn bã căng thẳng, hay nhìn vào mặt tích cực để để tìm ra giải pháp, đều là sự lựa chọn của cá nhân mỗi người. Khi chủ động tiếp nhận sự việc, con người theo hướng tích cực, bạn sẽ luôn tìm được cách giải quyết nhẹ nhàng và hiệu quả hơn.
2. Học cách thư giãn:
Thư giãn cũng là một việc cần được thực hiện mỗi ngày. Tôi vẫn thường hướng dẫn các khách hàng của mình thực hành thư giãn 5’ mỗi sáng và 5’ mỗi tối trước khi đi ngủ, trong ngày có những khoảng dừng ngắn (1-2 phút) để tâm trí được nghỉ ngơi, thư giãn sau mỗi giờ làm việc. Sau đó, tâm trí chúng ta tập trung, khả năng phân định và ra quyết định tự nhiên sẽ sáng suốt và mạnh mẽ hơn.
3. Yêu thương bản thân:
Mỗi chúng ta đều là một “tiểu vũ trụ” với những giá trị cốt lõi, những tố chất và nhu cầu riêng biệt. Đôi khi bạn cảm thấy cuộc sống, công việc hiện tại cứ “thiếu thiếu” một cái gì đó, đấy là tín hiệu nhắc nhở có một nhu cầu, một giá trị cốt lõi nào đó trong bạn chưa được thoả mãn.
Khát khao chinh phục những đỉnh cao hơn, muốn bản thân mình tốt đẹp hơn là những mong ước chính đáng. Tuy nhiên, những khát khao ấy cũng cần bắt nguồn từ bản chất chính con người mình, từ nền tảng nơi ta đang đứng, những gì ta đang có trong tay, và điều quan trọng nhất là nó cần đem lại những cảm xúc tích cực để chúng ta tiếp tục phát triển, chứ không phải để chúng ta cảm thấy mình bé nhỏ, kém cỏi hoặc bất mãn.
Kết luận
Tôi rất ít khi nói về những điều tiêu cực, nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, môi trường sống và xã hội của chúng ta hiện đang đi xuống dốc. Tắc đường, ô nhiễm không khí, những vụ ẩu đả, mâu thuẫn hàng ngày trên báo chí, những giá trị vật chất được đề cao và trở thành thước đo của xã hội. Trong thế giới này, con người dường như trở nên mong manh hơn, dễ bị ảnh hưởng bởi người khác, dễ tổn thương, thường xuyên căng thẳng và không hài lòng với những gì đang có.
Thế giới đã thay đổi rất nhiều, và chắc hẳn không phải ngẫu nhiên khi gần đây các nhà khoa học tập trung nghiên cứu về não bộ, thiền định, về hành trình tâm linh nhiều đến thế. Với tôi, sự tỉnh thức, chánh niệm chính là một phương pháp để bạn có được sự sự cân bằng, vững vàng nội tại, để có “sức đề kháng” trước những áp lực thường trực trong cuộc sống. Và cũng thật may mắn, những nghiên cứu khoa học về chánh niệm thiền định này, bạn không cần phải hiểu hết cơ chế, nhưng vẫn có thể thử ngay ngày hôm nay…
Về tác giả và Coach For Life:
Coach Quách Hương có hơn 20 năm kinh nghiệm quản lý ở những vị trí cấp cao trong các tổ chức quốc tế.
Trước khi trở thành Chuyên gia Khai Vấn, cô đã từng có nhiều năm làm các công việc quản lý, lãnh đạo tại các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Vị trí gần đây nhất là Giám Đốc Phụ Trách Vận Hành và Quản Lý Thay Đổi của Đại Sứ Quán Anh tại Myanmar (2012-15).
Chuyên môn của cô bao gồm lãnh đạo, xây dựng chiến lược nhân sự, quản lý thay đổi, đào tạo và phát triển, quản lý nguồn nhân lực, và quản lý tài chính. Kinh nghiệm lãnh đạo và quản lý thay đổi trong một thời gian dài đã mang đến cho cô sự hiểu biết thực tế trong các vấn đề và thách thức mà các tổ chức đang phải đối mặt.
Là một người đã “tình cờ” đi qua hành trình trở thành một lãnh đạo tỉnh thức (theo định nghĩa quốc tế), cô nhận thấy những giá trị to lớn mà chánh niệm và thiền định đem lại cho bản thân, cho công việc, cho cuộc sống của mình quá lớn và luôn mong muốn được chia sẻ về chủ đề này với nhiều người hơn nữa.
Coach Quách Hương đã từng tham gia chương trình Search Inside Yourself của Google và có chứng chỉ Hướng dẫn thực hành Chánh niệm (Mindfulness Facilitator Certification) của tổ chức Quốc tế Mindful Leaders.
Hiện nay, Coach For Life là đơn vị cung cấp các dịch vụ khai vấn, đào tạo và chia sẻ chuyên sâu về chủ đề Lãnh đạo Tỉnh thức cho cá nhân và tổ chức.