Sửa gấp, Nghị định 08 tăng mức độ rủi ro cho thị trường trái phiếu?

Đây là nhận định của nhiều nhà đầu tư, chuyên gia và luật sư về Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 5/3/2023 vừa qua.

Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Sửa nhanh, sửa quanh quẩn?

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, kỷ lục sửa nhanh các Nghị định 153 - 65 - 08/2023 đã dẫn tới nhiều điều khá bất cập.

Thứ nhất là gia hạn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, Nghị định 08/2023/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu nhưng phải đảm bảo một số nguyên tắc quy định.

Trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 02 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư. Đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.

Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận).

Theo luật sư Trương Thanh Đức vấn đề thỏa thuận giữ hai bên cũng là điều hiển nhiên luật pháp Việt Nam đã quy định, nhưng Nghị định số 08/2023/NĐ-CP lại quy định như một điều mới?

Luật sư Đức cho rằng, xét về bản chất, đây là thỏa thuận dân sự giữa bên phát hành trái phiếu (doanh nghiệp - bên vay) và bên mua (trái chủ - chủ nợ), phải trên cơ sở thỏa thuận và đồng thuận giữa các bên chứ không thể áp đặt. Nếu thỏa thuận không đạt được, thì đương nhiên nhà đầu tư sẽ không thỏa mãn điều kiện của đơn vị phát phát hành và đơn vị phát hành vẫn phải thực hiện theo đúng hợp đồng đã quy định. Đó là trả tiền đúng thời hạn.

"Rõ ràng đây là vấn đề cần phải đặt ra, vì Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đang quy định điều hiển nhiên luật đã quy định, nhưng Nhà nước can thiệp vào thì tính sao? Và tôi nghĩ sẽ xảy ra trong thời gian tới khi áp dụng quy định này", ông Đức nếu quan điểm.

Thứ hai là vấn đề quy đổi nợ. Điều 1, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP quy định: "... Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định tại Điều 17 Nghị định này, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác theo các nguyên tắc...".

"Đây cũng là vấn đề thuộc về thỏa thuận dân sự giữa bên vay nợ và bên chủ nợ (có thể là cầm cố nợ, gán nợ, trả nợ, xóa nợ…), từ xưa đến nay đã có. Có nghĩa là vấn đề này cũng là điều hiển nhiên luật pháp Việt Nam đã quy định, nhưng Nghị định số 08/2023/NĐ-CP lại quy định như một điều mới?", luật sư Đức nói.

Và theo vị luật sư này, điều cần thiết trong quy định sửa đổi phát hành trái phiếu lần này là cần phải có sự đánh giá, xếp hạng về tín nhiệm, thế nhưng Nghị định 08 lại lùi thời hạn xếp hạng tín nhiệm. Tiêu chí này là cần thiết nhưng lại thiếu và đây là điều đáng tiếc đối với chúng ta.

Đồng tình với quan điểm của luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: "Tôi tự hỏi, liệu có luật lệ của một quốc gia nào phải trả nợ bằng tiền mặt? Luật của nước ta cũng vậy, không trả bằng tiền mặt thì người ta trả bằng tài sản khác. Vậy tại sao lại đưa ra một quy định có thể trả nợ bằng tài sản. Điều này là thừa, không cần thiết. Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đang nói một điều hiển nhiên mà mọi thành phần trong xã hội khi tham gia họ đều biết".

Chưa kể, hai bên có thể đàm phán với nhau để hoãn nợ và phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận. Theo TS. Hiếu, về bản chất, luật quy định rất rõ về đàm phán cần có sự đồng thuận lẫn nhau, có nghĩa nhà phát hành muốn dãn hoãn nợ phải được nhà đầu tư chấp thuận. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu người sở hữu trái phiếu, nhà đầu tư không chấp thuận việc hoãn nợ?

"Như vậy, vấn đề mà Bộ Tài chính, Chính phủ để ngỏ là nếu nhà đầu tư không đồng ý thì ở trong Nghị định 08 đã nêu, nhưng nêu nửa vời, không đưa ra được cách giải quyết vấn đề.", chuyên gia Hiếu nói.

Tạo cơ hội lách luật...

Ngoài những bất cập trên, từ phía nhà đầu tư còn cho rằng Nghị định 08 ra đời đã cho phép doanh nghiệp đàm phán với trái chủ (chủ nợ) để trả nợ trái phiếu bằng tài sản, mà thực tế thường là bất động sản, điều này sẽ dễ gây thiệt hại cho trái chủ.

Vì theo cô Linh (52 tuổi, Hà Nội), một người đã mua trái phiếu của 3 doanh nghiệp bất động sản cho rằng, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã mở ra hướng đi thêm cho doanh nghiệp và người mua, nhưng vấn đề chính là thực thi. Có 2 câu hỏi đặt ra với cả doanh nghiệp phát hành và trái chủ:

Đầu tiên, định giá tài sản là bao nhiêu khi trừ nợ trái phiếu? Tiếp đến, nếu tài sản là bất động sản dở dang thì đánh giá năng lực hoàn thành bất động sản của doanh nghiệp như thế nào?

Theo cô Linh đây là điểm sẽ có thể gặp khó khi triển khai. Ngoài ra là trái chủ là tổ chức (ngân hàng, công ty chứng khoán) và cá nhân (số đông) sẽ rất khác nhau trong việc đàn phán và thanh toán với doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Chia sẻ thêm vấn đề này, một lãnh đạo một Viện quản trị công chứng đưa ra một giả thiết rằng, giả sử có 100 trái chủ cá nhân, trong đó 70 người đồng ý nhận bất động sản dở dang, 30 người không đồng ý và yêu cầu doanh nghiệp trả tiền.

Nếu doanh nghiệp bố trí được tiền để trả cho 30 người, thì liệu doanh nghiệp có đủ năng lực, đặc biệt là tiền để hoàn thành dự án dở dang để trả nợ cho 70 trái chủ đồng ý thoả thuận hay không?

"Vì thực tế, không ít trường hợp chủ nợ thay vì trả bằng tiền thì họ trả nợ bằng bất động sản, nhưng thông thường chủ nợ là người quyết định giá siết nhà đất chứ con nợ làm gì có quyền, chẳng có cách nào khác là phải nghe theo", vị lãnh đạo này nói.

Vậy có nghĩa, thay vì được nhận được đúng giá trị (tiền) mà mình bỏ ra thì nay trái chủ sẽ phải nhận được tài sản quy đổi (có thể) thấp hơn nhiều so với ban đầu.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nhiều người kỳ vọng Nghị định số 08 bổ sung cho Nghị định 65, sẽ có những điều khoản tháo gỡ cho thị trường trái phiếu. Hình như, Nghị định số 08 không đạt được điều đó mà ngược lại còn làm rối hơn thị trường trái phiếu.

Đáng chú ý, không chỉ việc đàn phán giữa bên phát hành trái phiếu (doanh nghiệp - bên vay) và bên mua (trái chủ - chủ nợ) sẽ nảy sinh nhiều vấn đề mà Nghị định số 08/2023/NĐ-CP còn tạo thêm lỗ hổng cho doanh nghiệp yếu kém được tham gia thị trường. Đó chính là xếp hạng tín nhiệm.

Việc dời xếp hạng tín nhiệm càng tạo ra rủi ro cho thị trường. Bởi những thất bại trong thị trường trái phiếu năm vừa qua có phần nguyên nhân là nhà đầu tư không có công cụ nào để biết trái phiếu họ mua có khả năng trả nợ hay không. Việc quy định bắt buộc xếp hạng tín nhiệm sẽ trám lỗ hổng đó, nhưng nay lại dời đi.

Như vậy "vàng thau lẫn lộn", doanh nghiệp phát hành uy tín vẫn xếp "chung mâm" với doanh nghiệp có tài chính yếu kém, dễ gây thiệt hại tới cho khách hàng, nhà đầu tư.

"Nghị định số 08/2023/NĐ-CP tăng mức độ rủi ro cho thị trường trái phiếu. Để giải quyết những vấn đề này, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý có liên quan nên tổ chức xếp hàng tín nhiệm ngay bây giờ cho tất cả các lô phát hành, chứ không phải như Nghị định 65 (sửa đổi) là cho các lô phát hành lớn", vị lãnh đạo Viện quản trị công chứng cho hay.

Tóm lại, đáng lý ra, những "lỗ hổng" lớn như trên sẽ là điều khó xảy ra với một Nghị định được xem là để sửa các Nghị định đã ban hành trước đó liên quan tới vấn đề trái phiếu. Nhưng bằng một cách nào đó, nó vẫn loanh quanh, luẩn quẩn, mà theo cách nói của một số nhà đầu tư đó là: "Liệu rằng, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có đang đem lại lợi ích cho một nhóm lợi ích nào đó hay không?".

Có thể bạn quan tâm