Sửa quy định quản lý, phát triển cụm công nghiệp, có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25-5-2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Sửa quy định quản lý, phát triển cụm công nghiệp, có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020

Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 5 quy hoạch phát triển cụm công nghiệp của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP thành phương án phát triển cụm công nghiệp.

Trong đó nêu rõ, cơ sở xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp gồm:a- Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam, chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên trên địa bàn; b- Định hướng phát triển kinh tế-xã hội, các quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn; c- Nhu cầu diện tích mặt bằng để thu hút, di dời các tổ chức, cá nhân trên địa bàn vào đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các cụm công nghiệp; d- Khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn; đ- Yêu cầu bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất và các nguồn lực, tài nguyên khác của địa phương.

Nội dung chủ yếu của phương án phát triển cụm công nghiệp bao gồm 6 nội dung:

1- Căn cứ pháp lý, sự cần thiết xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp.

2- Đánh giá thực hiện các mục tiêu, nội dung chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam, chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên trên địa bàn; dự kiến mục tiêu, nhu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp chủ yếu, ưu tiên và dự báo các yếu tố thuận lợi, khó khăn tác động đến phát triển các cụm công nghiệp trong thời kỳ quy hoạch; dự báo nhu cầu mặt bằng của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các cụm công nghiệp.

3- Đánh giá hiện trạng, tiến độ xây dựng, hiệu quả đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn; tình hình thu hút đầu tư, tỷ lệ lấp đầy, quản lý cụm công nghiệp; đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, công tác bảo vệ môi trường, biện pháp xử lý môi trường, hiệu quả kinh tế-xã hội của từng cụm công nghiệp; những mặt đạt được, hạn chế và nguyên nhân.

4- Xây dựng các kịch bản phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn; trong mỗi kịch bản có thuyết minh đối với từng cụm công nghiệp gồm tên gọi, vị trí, diện tích, hiện trạng đất đai trên nguyên tắc hạn chế sử dụng đất đã quy hoạch trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; ngành nghề hoạt động (định hướng các ngành, nghề có tính liên kết, trong cùng chuỗi giá trị của sản phẩm, dịch vụ); giải trình cơ sở điều chỉnh phương án phát triển cụm công nghiệp; giải pháp thu hút đầu tư, dự kiến tiến độ thành lập, đầu tư hạ tầng, thu hút lấp đầy và tạo việc làm cho người lao động địa phương; đánh giá khả năng kết nối hạ tầng kinh tế-xã hội ngoài cụm công nghiệp và các yếu tố thuận lợi, khó khăn.

5- Đánh giá những thuận lợi, khó khăn của các kịch bản phát triển cụm công nghiệp; đề xuất một kịch bản tối ưu làm phương án phát triển kèm theo danh mục các cụm công nghiệp dự kiến phát triển và thể hiện trên bản đồ gồm: tên gọi, vị trí, diện tích, ngành nghề hoạt động, tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

6- Giải pháp huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp; giải pháp đánh giá, xử lý hiện trạng môi trường, dự báo tác động, biện pháp xử lý môi trường của các cụm công nghiệp dự kiến trong phương án phát triển, đặc biệt cụm công nghiệp đã thành lập, hoạt động trên địa bàn và tổ chức thực hiện.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2020.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…