"Tách" quy định phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở và nhà ở kết hợp kinh doanh

Nhà ở kết hợp kinh doanh phải có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; khu vực kinh doanh phải được ngăn cách với khu vực để ở...

Nhà ở sử dụng vào mục đích kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy
Nhà ở sử dụng vào mục đích kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy

Sáng ngày 14/8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về phòng cháy đối với nhà ở tại Điều 17 dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà cho lưu trú, nhà cao tầng, khu chung cư, trung tâm đô thị lớn.

Tiếp thu ý kiến đại biểu quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu tách nội dung này thành 2 điều, Điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở và Điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh.

Cụ thể, Điều 19 dự thảo, nhà ở kết hợp kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy theo quy định của Luật này và bảo đảm các điều kiện như có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; khu vực kinh doanh phải được ngăn cách với khu vực để ở.

Đồng thời, nhà ở sử dụng vào mục đích kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy nói trên và bảo đảm các điều kiện khác.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng, quy định về phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh đã được chỉnh lý nhiều so với nội dung trình ra tại kỳ 7 vừa qua.

Song, ông Giang nhận xét nội dung điều 19 chưa rõ ràng, còn quy định chung chung, rất khó khả thi. Đặc biệt, khi triển khai áp dụng pháp luật thì rất khó cho cả cơ quan thực thi pháp luật và cả người dân.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, việc xảy ra cháy với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy thời gian qua đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm.

“Cần đúc kết đưa vào quy định này để phòng ngừa tối đa cháy và hậu quả cháy, đặt vấn đề quy định phòng cháy chữa cháy nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh như dự thảo đã cơ bản phù hợp, đủ chưa?”, ông Mẫn đưa ra nghi vấn.

140820240822-z5728873915200_e3c805060e68a43074466762ce647aad.jpg
Toàn cảnh buổi ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo rà soát kỹ khi đặt ra quy định mới, hoàn thiện quy định mang tính kế thừa đáp ứng yêu cầu PCCC, cứu nạn cứu hộ, đảm bảo tính hợp lý, không gia tăng quá mức chi phí tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân.

Về phòng cháy trong sử dụng, cung ứng điện; bảo đảm chất lượng đối với thiết bị điện quy định tại Điều 20, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, Luật Điện lực hiện hành đã quy định cụ thể, bao quát các yêu cầu về an toàn trong việc sản xuất, truyền tải, phân phối, mua bán, sử dụng, trang thiết bị điện.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc chấp hành các quy định của pháp luật về điện lực, nhất là trách nhiệm cụ thể của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong sử dụng, lắp đặt, kiểm soát an toàn điện sau công tơ còn hạn chế, dẫn đến việc chấp hành chưa nghiêm, kéo theo nguy cơ cháy, nổ do điện. Những nội dung này cần phải được điều chỉnh một cách tổng thể trong dự thảo Luật Điện lực dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội bổ sung các quy định liên quan tới điều kiện an toàn nói chung, điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy nói riêng vào dự thảo Luật Điện lực để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Đồng thời, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ quy định về các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy cơ bản trong việc lắp đặt, sử dụng điện là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật.

Xem thêm

Một góc tỉnh Bắc Ninh

3 dự án nhà ở nào sẽ bị thanh tra tại Bắc Ninh?

Đoàn thanh tra tỉnh Bắc Ninh tập trung vào việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất, kinh doanh bất động sản, nhà ở...

Có thể bạn quan tâm

TNR Holdings đảm bảo thanh toán tiền trái phiếu đúng hạn

TNR Holdings đảm bảo thanh toán tiền trái phiếu đúng hạn

Mặc dù thị trường bất động sản những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, nhưng CTCP Đầu tư Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam (TNR Holdings) vẫn duy trì tốt hoạt động và đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho nhà đầu tư...

Cần chủ động hạ tỷ trọng đòn bẩy và bám sát diễn biến thị trường

Cần chủ động hạ tỷ trọng đòn bẩy và bám sát diễn biến thị trường

Nhà đầu tư vẫn có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, nhưng cần chủ động hạ tỷ trọng đòn bẩy và bám sát diễn biến thị trường trong phiên để có thể kịp thời hành động nếu cổ phiếu chạm ngưỡng chốt lời/cắt lỗ, hoặc nếu thị trường bất ngờ xuất hiện xu hướng mới trong những phiên tới...