Tài sản của 10 tỷ phú hàng đầu thế giới vượt mốc 2 nghìn tỷ USD trong năm 2024

Giới siêu giàu thế giới đã chứng kiến khối tài sản của họ tăng lên các mốc cao kỷ lục trong năm 2024 nhờ thành tích vượt trội của thị trường chứng khoán và sự bùng nổ làn sóng công nghệ trí tuệ nhân tạo…

Mười cá nhân giàu có nhất hành tinh đã chứng kiến mức tăng hơn 500 tỷ USD trong khối tài sản của họ vào năm 2024, nâng tổng giá trị tài sản ròng của nhóm Top 10 tỷ phú thế giới lên hơn 2 nghìn tỷ tỷ USD - gần ngang với giá trị vốn hóa thị trường của của Amazon và Alphabet (2,3 nghìn tỷ USD).

CEO của Tesla và SpaceX, ông Elon Musk dẫn đầu danh sách với mức tăng 203 tỷ USD trong năm 2024, nâng tổng tài sản cá nhân của ông lên 432 tỷ USD vào thời điểm thị trường đóng cửa ngày 31/12/2024.

Trước đó vài tuần, khối tài sản khổng lồ của ông Musk có thời điểm chạm mốc 486 tỷ USD khi cổ phiếu Tesla tăng lên mức cao kỷ lục và định giá của SpaceX đạt 350 tỷ USD. Khi đó, chỉ riêng mức tăng tài sản trong năm của CEO Tesla cũng đã là 257 tỷ USD, thậm chí vượt qua tổng tài sản của nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos, người đứng thứ hai trong nhóm tỷ phú giàu nhất thế giới.

Elon Musk không phải là người duy nhất ghi nhận những thành tích ấn tượng trong năm 2024. CEO Meta Mark Zuckerberg, nhà lãnh đạo Nvidia Jensen Huang, nhà đồng sáng lập Oracle Larry Ellison và nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos đều đã “bỏ túi” thêm 60 đến 80 tỷ USD khi giá trị cổ phiếu của các công ty họ điều hành tăng vọt.

Nhiều nhân vật nổi bật khác trong lĩnh vực công nghệ cũng gặt hái được lợi ích được đáng kể. Chẳng hạn như ông Michael Dell, nhà sáng lập hãng máy tính Dell đã bổ sung 45 tỷ USD vào tài sản cá nhân; hai nhà đồng sáng lập Google Larry Page và Sergey Brin, cũng lần lượt kiếm thêm được 42 tỷ USD và 38 tỷ USD cho tài sản của họ.

Bên cạnh các đại gia công nghệ, ba anh em thừa kế đế chế bán lẻ Walmart là Jim, Alice và Rob Walton cũng đã “nhận” được 38 tỷ USD mỗi người, giúp họ gia nhập câu lạc bộ tỷ phú có khối tài sản trên 100 tỷ USD.

“Nhà tiên tri xứ Omaha” Warren Buffett, chủ tịch tập đoàn đầu tư Berkshire Hathaway, đã bổ sung thêm 22 tỷ USD và kết thúc năm 2024 với khối tài sản trị giá 142 tỷ USD.

Nếu mở rộng phạm vi tính toán đến 20 tỷ phú giàu nhất thế giới trong bảng xếp hạng của Bloomberg, tổng giá trị của nhóm đã tăng thêm 700 tỷ USD và đạt mức 3 nghìn tỷ USD trong năm qua, tương đương giá trị vốn hoá của Microsoft.

Nhìn chung, phần lớn các tỷ phú được hưởng lợi nhờ vào kỳ vọng rằng nền kinh tế đang hoạt động tốt và làn sóng công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, sẽ tiếp tục phát triển vượt bậc. Thêm vào đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đã bắt đầu cắt giảm lãi suất, mang lại lợi ích cho thị trường chứng khoán - khiến chúng hấp dẫn hơn so với các tài sản cố định như trái phiếu chính phủ - đồng thời khuyến khích hoạt động chi tiêu và vay mượn, từ đó thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp.

Chiến thắng của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump vào tháng 11/2024 cũng trở thành động lực cho thị trường chứng khoán, khi ông cam kết sẽ thực hiện các chính sách thúc đẩy tăng trưởng như cắt giảm thuế và giảm bớt quy định. Tesla, SpaceX đặc biệt được hưởng lợi lớn khi các nhà đầu tư tin rằng mối quan hệ thân thiết giữa Elon Musk và tổng thống tương lai sẽ mang lại lợi ích cho các hai doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, không phải tất cả các tỷ phú đều đón các tin mừng tài chính trong năm qua. Ông Bernard Arnault, chủ tịch tập đoàn hàng xa xỉ LVMH đã chứng kiến khối tài sản ròng của mình rơi khỏi mức đỉnh 230 tỷ USD vào tháng 3 xuống còn 176 tỷ USD vào cuối tháng 12, khiến ông trượt khỏi vị trí đầu bảng xuống xếp hạng thứ năm. Các tỷ phú khác như doanh nhân Ấn Độ Mukesh Ambani, trùm viễn thông Mexico Carlos Slim, tỷ phú cơ sở hạ tầng Gautam Adani và nữ thừa kế tập đoàn L'Oréal Françoise Bettencourt Meyers cũng đều “ngậm ngùi” chứng kiến sự sụt giảm lớn trong khối tài sản cá nhân, theo ước tính của Bloomberg.

Có thể bạn quan tâm