Đó là khẳng định của Doanh nhân Trần Mạnh Báo - Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed với Thương Gia khi đề cập tới vấn đề thực hiện trách nhiệm xã hội của DN tại ThaiBinh Seed.
ThaiBinh Seed là đơn vị chuyên nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất, kinh doanh, XNK, kiểm nghiệm các loại giống cây trồng, sản xuất kinh doanh nông sản, gạo chất lượng cao và thương mại dịch vụ.
Thưa ông, quan điểm của ông như thế nào về việc thực hiện trách nhiệm xã hội của DN đối với đời sống xã hội nói chung?
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Tôi cho rằng, đây là Nghị quyết được mong đợi của giới doanh nhân Việt Nam. Trong đó, trách nhiệm xã hội là một dạng đạo đức của doanh nhân, DN cần được quan tâm và phát huy. Trách nhiệm xã hội của DN không đơn thuần là việc xây dựng được bao nhiêu nhà tình nghĩa, hoạt động từ thiện như thế nào mà trước tiên, cần thể hiện ở ngay trong hoạt động kinh doanh của mình. DN tạo ra của cải vật chất cho xã hội, đưa sản phẩm nào ra thị trường thì sản phẩm đó phải làm tăng giá trị cho xã hội, tăng ý nghĩa cuộc sống cho những người sử dụng sản phẩm. Để làm được điều này, bản thân các DN phải tự ý thức lựa chọn sản phẩm để cung ứng ra thị trường, xây dựng đội ngũ cán bộ công nhân viên phải có tâm đức và có trách nhiệm với công việc, với sản phẩm và xã hội.
Bên cạnh đó, DN không được trốn thuế, trốn tránh nghĩa vụ BHXH với người lao động, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ông có thể cụ thể hóa việc thực hiện trách nhiệm xã hội ở ThaiBinh Seed thông qua những hành động cụ thể. Thưa ông!
Tại ThaiBinh Seed, trách nhiệm xã hội của DN trước tiên được chúng tôi quan tâm đến đội ngũ người lao động. Hiện nay, ThaiBinh Seed là nơi đã tạo ra việc làm cho hơn 400 người lao động. Người lao động của chúng tôi được bảo đảm các chế độ đãi ngộ theo Luật lao động về tiền lương, BHXH, BHYT cũng như các quy định khác của DN,… Tập đoàn cũng rất chú trọng đến công tác an toàn, vệ sinh lao động, tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, thực hiện các chế độ tham quan, nghỉ mát. Người lao động cũng được tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; được tham gia đối thoại, đóng góp ý kiến theo Quy chế dân chủ.
Thứ hai, DN phải giáo dục, tập huấn cho người lao động phải có trách nhiệm với công việc mình đang làm ảnh hưởng như thế nào đến xã hội? Người lao động phải hiểu rõ về sản phẩm mình đang sản xuất và cung cấp ra thị trường, xã hội, cho dù ở vị trí người sản xuất, cán bộ nghiên cứu cho đến lao động sản xuất, thương mại, cung ứng và tiếp xúc với nông dân,…
Thứ ba, DN phải đặc biệt nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, không ảnh hưởng đến môi trường, không được trốn thuế, không được trốn BHXH của người lao động.
Đặc biệt, sản phẩm của DN đưa ra thị trường không được gây hại cho xã hội. Tại ThaiBinh Seed, chúng tôi đang thực hiện rất tốt các trách nhiệm xã hội này. Hơn mười năm qua, ThaiBinh Seed đã nộp Ngân sách nhà nước hơn 100 tỷ đồng, đã hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, nông dân nghèo, đóng góp xây dựng nông thôn mới và từ thiện xã hội khoảng 50 tỷ đồng. Hằng năm, chúng tôi đều thực hiện nhiều chương trình từ thiện khác như: Tiếp sức đến trường”, quỹ Niêu vàng trao tặng quà tết cho người nghèo, hiến máu nhân đạo…
Thưa ông, ThaiBinh Seed với đặc thù sản phẩm cung ứng, hợp tác với nông nghiệp, nông dân là chủ yếu. Vậy, trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của ThaiBinh Seed có gì đặc biệt so với các DN khác?
ThaiBinh Seed có đặc thù so với các đơn vị khác là chúng tôi hợp tác với nhiều hộ gia đình nông dân. Mà nông nghiệp, nông dân,nông thôn thì gắn nhiều với rủi ro về thời tiết và thiên tai. Chúng tôi liên kết với bà con nông dân từ khâu nghiên cứu đưa giống ra thị trường, tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn bà con từ khi gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và thu mua sản phẩm. Trong chuỗi liên kết này, nếu bà con nông dân gặp rủi ro do thiên tai thời tiết, ThaiBinh Seed đều có chính sách hỗ trợ bà con cụ thể.
Ví dụ như năm 2013, khi chúng tôi đưa một cái sản phẩm mới vào gieo trồng nhưng lại không gặp may về thời tiết - bị dính đợt rét lịch sử 38 năm mới có một lần. Năm đó, Quốc hội phải thảo luận tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp. Thế là, mặc dù vốn điều lệ của chúng tôi chỉ có 10 tỷ đồng, chúng tôi cũng phải xoay xở để hỗ trợ lại cho bà con nông dân tới 33 tỷ đồng. Đặc thù của ThaiBinh Seed là kinh doanh gắn liền với bà con nông dân, cũng chịu rủi ro như bà con và khi điều không may xảy ra, chúng tôi phải tìm cách chia sẻ khó khăn với bà con. Chúng tôi luôn xác định, đó chính là trách nhiệm xã hội của mình.
Trân trọng cảm ơn ông!