Kamala Harris: Người phụ nữ da màu quyền lực nhất nước Mỹ

Bà Kamala Harris, Phó Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, đã trở thành biểu tượng của sự bình đẳng, công lý và tiến bộ. Trong bối cảnh chính trị hiện nay, bà Harris không chỉ là người kế thừa vị trí của Tổng thống Joe Biden mà còn là niềm hy vọng mới cho tương lai của nước Mỹ…

oy73j447azn7zghwfwpglnqcja-9689.jpg

Sau quyết định bất ngờ của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng và lên tiếng ủng hộ Phó Tổng thống lên vị trí ứng cử viên, Phó Tổng thống Kamala Harris một lần nữa trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý.

Con đường sự nghiệp của bà Harris từ một công tố viên cho đến vị trí chính trị gia được định hình bởi nhiều cái “đầu tiên”: Bà là nữ thượng nghị sĩ gốc Ấn đầu tiên của nước Mỹ và là nữ tổng chưởng lý gốc Nam Á đầu tiên của California.

Bà Kamala Harris tự hào là người phụ nữ đầu tiên trở thành phó tổng thống Mỹ, cũng như là người Mỹ gốc Phi hoặc gốc Á đầu tiên giữ chức vụ này.

Hiện nay, với vô số sự ủng hộ đưa bà vào vị trí ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ năm 2024, rất có thể bà Kamala Harris sẽ vinh dự trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

TỰ HÀO VỀ NGUỒN CỘI

Bà Kamala Harris được sinh ra vào ngày 20/10/1964 tại Oakland (California, Mỹ) và là con gái thứ hai trong một gia đình nhập cư.

Trong phần giới thiệu cuốn hồi ký “The Truths We Hold” (tạm dịch: Sự thật chúng ta nắm giữ) xuất bản năm 2019, bà Harris cho biết tên của bà được phát âm là “comma-la, giống như cách đọc dấu phẩy trong tiếng anh - comma” và nó mang ý nghĩa về hoa sen - một biểu tượng quan trọng trong văn hóa Ấn Độ.

Cha của bà Harris, ông Donald Harris đã di cư từ Jamaica đến Mỹ để học kinh tế tại Đại học California ở Berkeley. Hiện ông là giáo sư danh dự về kinh tế tại Đại học Stanford.

Mẹ của bà, bà Shyamala Gopalan Harris, đã di cư đến Mỹ từ miền nam Ấn Độ vào cuối những năm 1950. Bà Shyamala nhận bằng tiến sĩ về dinh dưỡng và nội tiết học tại Đại học Berkeley và trở thành một nhà nghiên cứu ung thư vú nổi tiếng trước khi qua đời năm 2009.

Bà Kamala Harris từng chia sẻ rằng cha mẹ của bà gặp và yêu nhau tại chính trường Đại học Berkeley khi hai người tham gia vào một phong trào dân quyền, nhưng sau đó cả hai đã ly dị khi bà Kamala và chị gái, Maya, còn nhỏ tuổi.

09f8f4ad-aebe-4285-9910-2fafe4d60d04-527.jpeg
Chân dung bà Kamala Harris

Bản thân bà Kamala Harris đã luôn ca ngợi mẹ là người đã nuôi dạy và giúp bà trở thành người phụ nữ của ngày hôm nay, luôn biết trân trọng và ghi nhớ về nguồn cội Ấn Độ và Jamaica của mình.

“Chính tên của tôi, một cái tên xuất phát từ từ ngữ cổ Ấn Độ, là sự gợi nhớ quan trọng về di sản. Tôi và chị gái Maya luôn được nuôi dưỡng với một nhận thức mạnh mẽ về văn hoá Ấn Độ. Mẹ tôi cũng hiểu rõ rằng bà nuôi dưỡng hai cô con gái người Mỹ gốc Phi, bà biết rằng nước Mỹ sẽ luôn nhìn tôi và Maya như những cô gái da đen và bà luôn quyết tâm đảm bảo rằng chúng tôi sẽ lớn lên và trở thành những người phụ nữ da màu tự tin và tự hào”, bà Kamala Harris trải lòng trong cuốn hồi ký của mình.

HÀNH TRÌNH TỪ NHỮNG CÁI “ĐẦU TIÊN”

Vào năm 1982, bà Kamala Harris đăng ký vào Đại học Howard - một trường đại học có lịch sử lâu đời dành cho người da màu ở trung tâm Washington, DC.

Tại đây, bà đã gia nhập Alpha Kappa Alpha, hội nữ sinh da đen lâu đời nhất của quốc gia và lấy bằng cử nhân khoa học chính trị - kinh tế.

Sau khi tốt nghiệp đại học, bà Harris trở về California và học luật tại Đại học California Hastings.

200810181004-kamala-harris-school-photo-2754.jpg
Bà Kamala Harris thời trẻ

Khi quyết định theo đuổi sự nghiệp làm công tố viên tại văn phòng luật sư quận, bà Harris cho biết bà biết mình sẽ phải bảo vệ lựa chọn của mình trước bạn bè và thuyết phục gia đình. “Nước Mỹ có một lịch sử sâu sắc và đen tối về việc những người sử dụng quyền lực của công tố viên như một công cụ gây ra sự bất công. Nhưng tôi cũng biết rằng những sai lầm trong hệ thống không phải một thực tế không thể thay đổi. Và tôi muốn trở thành một phần của sự thay đổi đó”, bà Harris chia sẻ trong hồi ký.

Bà Kamala Harris trải qua ba thập kỷ trên chiếc ghế công tố viên, phục vụ như một phó luật sư quận tại Alameda của Oakland trước khi bà được bầu làm luật sư quận của San Francisco vào năm 2004.

Cho đến năm 2011, bà Kamala Harris trở thành người Mỹ gốc phi đầu tiên, người phụ nữ đầu tiên và người Mỹ gốc Á đầu tiên được bổ nhiệm cho vị trí Tổng chưởng lý của California. Trong thời gian này, bà Harris đã gặp gỡ và kết bạn với con trai lớn của ông Joe Biden, Beau Biden, người cũng từng giữ Tổng chưởng lý của bang Delaware.

Hồ sơ của bà Kamala Harris với tư cách là công tố viên – và sau đó là quan chức thực thi pháp luật hàng đầu của California – đã bị giám sát kỹ lưỡng trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, với nhiều nhà chức trách đã đặt câu hỏi về một số quyết định bà đã đưa ra khi còn tại chức, bao gồm cả lập trường chống lại án tử hình.

Đến năm 2014, bà Kamala Harris kết hôn với ông Doug Emhoff, một đối tác quản lý tại một công ty luật. Cặp đôi gặp nhau trong một buổi hẹn hò mai mối mà sau này bà Harris kể đùa trong hồi ký rằng nhân viên của bà đã gọi thời kỳ đó là A.D (After Doug - sau khi có Doug).

kamala-harris-doug-1013-f57ab65b7a9b4412aab90f9929a6ae0e-7646.jpg
Bà Kamala Harris và chồng Doug Emhoff

Nếu bà Kalama Harris chiến thắng trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ 2024, ông Doug Emhoff sẽ trở thành Đệ nhất Phu quân đầu tiên của nước Mỹ.

SỰ NGHIỆP NỔI BẬT

Bà Kalama Harris đã “sưu tầm” được nhiều danh hiệu trong sự nghiệp của mình, trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên nắm giữ hầu hết các vai trò cấp cao mà bà từng nắm giữ: luật sư quận của San Francisco, Tổng chưởng lý của California, thượng nghị sĩ của California và Phó tổng thống Mỹ.

Năm 2015, bà Kamala Harris phát động chiến dịch tranh cử vào Thượng viện Mỹ, nhằm thay thế thượng nghị sĩ lâu năm của tiểu bang là bà Barbara Boxer.

Cả cựu Tổng thống Barack Obama và Phó Tổng thống Joe Biden khi đó đều ủng hộ chiến dịch của bà và sau này bà đã viết trong hồi ký của mình rằng đêm bầu cử năm 2016 như thể là một đêm không tưởng - vì nhiều lý do – chứ không chỉ vì bà đã giành chiến thắng.

“Tôi là một thượng nghị sĩ được bầu chọn của nước Mỹ – người phụ nữ da đen đầu tiên từ tiểu bang của tôi và là người thứ hai trong lịch sử quốc gia, đảm nhận công việc đó”, bà Harris xúc động bày tỏ.

ggkky2d4yfdkjobxkibjvx2aaq-6940.jpg
Phó Tổng thống Kamala Harris tại trụ sở chiến dịch tranh cử của bà ở Wilmington (Mỹ)

Trong thời gian làm thượng nghị sĩ, bà Harris đã phục vụ trong Ủy ban Tư pháp Thượng viện cũng như Ủy ban Tình báo Đặc biệt trước khi phát động chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2019. Trong cuộc tranh luận sơ bộ năm đó, Harris đã đối chất với hồ sơ của Phó Tổng thống Biden khi đó, bao gồm cả lập trường trước đây của ông về việc phân tách và đưa đón học sinh.

Sau cuộc tranh luận, ông Biden đã nói với CNN rằng: “Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho cuộc tranh luận, nhưng tôi hoàn toàn bất ngờ trước cách bà Harris đã đối chất và phản biện. Bà ấy quen biết Beau, bà ấy quen biết cả tôi”.

Khi ông Joe Biden đưa ra quyết định lựa chọn bà Kamala Harris làm Phó tổng thống đồng hành cùng mình, đã có rất nhiều người ngạc nhiên về điều này. Nhưng Tổng thống Joe Biden đã khẳng định đó là một quyết định đúng đắn mà ông cần thực hiện.

Vào ngày 20/1/2021, bà Kamala Harris đã tuyên thệ nhậm chức Phó tổng thống Mỹ.

Với sự nghiệp đầy những dấu ấn tiên phong và lòng quyết tâm không ngừng nghỉ, bà Kamala Harris đang tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên chính trường. Những diễn biến mới đây sẽ không chỉ mở ra một chương mới cho Đảng Dân chủ mà còn là bước tiến lớn trong lịch sử chính trị Mỹ. Thời gian sẽ chứng minh liệu bà có thể biến các kỳ vọng thành hiện thực hay không, nhưng chắc chắn một điều: bà Kamala Harris đã và đang viết tiếp câu chuyện về những cái “đầu tiên” trong sự nghiệp của mình.

Xem thêm

Góc nhìn kinh tế của bà Kamala Harris

Góc nhìn kinh tế của bà Kamala Harris

Trước khả năng bà Kamala Harris có thể trở thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Mỹ, cùng nhìn lại những quan điểm và lập trường của bà về một số vấn đề kinh tế - xã hội nổi cộm…

“Kinh tế Biden” hay “kinh tế Trump” sẽ tốt hơn cho người dân Mỹ?

“Kinh tế Biden” hay “kinh tế Trump” sẽ tốt hơn cho người dân Mỹ?

Kinh tế hiện là mối quan tâm hàng đầu của người dân Mỹ khi họ theo dõi cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên giữa ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump. Trong đó, 8 lĩnh vực kinh tế chính là trọng tâm của cuộc thảo luận, những khía cạnh ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân…

Elon Musk cùng nhiều tỷ phú lên tiếng ủng hộ ông Donald Trump

Elon Musk cùng nhiều tỷ phú lên tiếng ủng hộ ông Donald Trump

Vụ ám sát bất thành xảy ra hôm 13/7 đã làm rúng động toàn cầu, thu hút phản ứng mạnh mẽ từ những cá nhân và tổ chức vốn thường giữ im lặng trước những biến động chính trị Mỹ. Trong đó, có nhiều doanh nhân lớn đã lên tiếng ủng hộ ông Donald Trump…

Có thể bạn quan tâm

Sếp Amazon: Để Việt Nam bước ra toàn cầu cần có kiềng 3 chân

Sếp Amazon: Để Việt Nam bước ra toàn cầu cần có kiềng 3 chân

Để Việt Nam bước ra toàn cầu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới cần kiềng 3 chân: Năng lực sản xuất, dựa trên lợi thế các sản vật, nguyên vật liệu địa phương; kết hợp và thấm nhuần các kỹ năng online để vận hành doanh nghiệp trên môi trường TMĐT và làm thương hiệu...

Nữ doanh nhân Lê Vân Anh: Biến đam mê mỹ phẩm thành sự nghiệp mang lại giá trị

Nữ doanh nhân Lê Vân Anh: Biến đam mê mỹ phẩm thành sự nghiệp mang lại giá trị

Nhắc đến nữ doanh nhân Lê Vân Anh, các tín đồ làm đẹp sẽ nhớ ngay đến một cô gái đầy năng lượng và luôn sẵn sàng truyền cảm hứng làm đẹp chị em phụ nữ. Bằng tình yêu to lớn với mỹ phẩm, chị đã dấn thân vào con đường kinh doanh ngành làm đẹp và đạt được những thành tựu đáng mơ ước...