Tại sao chưa dừng thu phí trên Quốc lộ 51?

CTCP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) vừa có văn bản gửi Bộ GTVT về xử lý vướng mắc trong quá trình quyết toán vốn đầu tư và tính toán phương án tài chính Dự án BOT đầu tư mở rộng Quốc lộ 51. Theo đó, BVEC đề nghị tiếp tục đàm phán về thời gian dừng thu phí trên Quốc lộ 51.
Tại sao chưa dừng thu phí trên Quốc lộ 51?

Sau 17 phiên họp từ năm 2019 đến nay mà vẫn chưa đạt được đồng thuận về việc quyết toán Dự án BOT đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51, Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ GTVT về giải quyết những nội dung tồn tại và xác định thời gian thu phí dự án mở rộng Quốc lộ 51.

Theo phương án tài chính mà Cục Đường bộ Việt Nam tính toán, thời điểm hoàn vốn của Dự án dự kiến ngày 9/3/2022; thời điểm tạm dừng thu phí dự kiến ngày 17/12/2022.

Cục Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu BVEC thanh toán các khoản công nợ của Dự án theo quy định; xây dựng phương án sắp xếp, giải quyết chế độ cho người lao động; phối hợp với Khu Quản lý đường bộ IV lập danh mục tài sản bàn giao, tiếp nhận và thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản công trình Dự án theo quy định.

Cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị nhà đầu tư chuẩn bị những nội dung cần thiết để tạm dừng thu phí vào ngày 17/12, nếu không có ý kiến chỉ đạo nào khác của Bộ Giao thông - Vận tải, đồng thời, thông báo cho cơ quan, đơn vị liên quan như cơ quan thuế địa phương, các ngân hàng tài trợ cho dự án… về ngày tạm dừng thu phí.

Quốc lộ 51
Ông Đinh Hồng Hà - TGĐ Công ty CP Phát triển đường Cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu.

Ông Đinh Hồng Hà, Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cho biết, từ năm 2019 đến nay, Cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức 17 phiên họp để xử lý vướng mắc liên quan đến dự án. Tới thời điểm hiện tại, việc quyết toán dự án này còn tồn đọng 5 nội dung chưa đạt được đồng thuận, trong đó có việc xác định lại thời gian thu phí.

Theo Hợp đồng số 21/2009/HĐ.BOT-QL51 ký giữa Tổng Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam) và BVEC vào năm 2009, thời gian kết thúc hoàn vốn của hợp đồng nguyên tắc chuyển giao quyền thu phí trạm T1 là ngày 10/7/2013; tổng thời gian thu phí hợp đồng Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 khoảng 20,66 năm, trong đó, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16,66 năm (từ ngày 3/8/2012 đến ngày 27/3/2029); thời gian thu phí tạo lợi nhuận là 4 năm (từ ngày 28/3/2029 đến ngày 28/3/2033).

Đến cuối tháng 2/2017, thời gian thu phí hoàn vốn Dự án được điều chỉnh thành 20 năm 6 tháng 11 ngày, tức từ ngày 1/7/2009 đến hết ngày 12/1/2030 và 4 năm thu phí tạo lợi nhuận.

Đến cuối năm 2018, trên cơ sở xuất hiện một số thay đổi liên quan đến yếu tố đầu vào và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Cục Đường bộ Việt Nam đã tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận. Phương pháp được đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn để tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận là phương pháp lợi nhuận kỳ vọng (lợi nhuận nhà đầu tư thu được trong 4 năm thu tạo lợi nhuận theo phương án tài chính đã loại lãi bảo toàn vốn cho cả giai đoạn xây dựng và kinh doanh khai thác). Sau khi tính lại, Cục Đường bộ Việt Nam đã giảm thời gian tạo lợi nhuận từ 4 năm xuống còn 9 tháng.

Đại diện BVEC cho rằng, cách tính phương án tài chính đối với dự án BOT trên Quốc lộ 51 của Cục Đường bộ Việt Nam  mang tính chủ quan, không có cơ sở pháp lý, nhất là khi thời gian tạo lợi nhuận 4 năm đã được các bên đàm phán thống nhất, được Bộ Giao thông - Vận tải chấp thuận; được Cục Đường bộ Việt Nam (đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền) ký kết hợp đồng BOT và được Bộ KH-ĐT cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Do đó, BVEC không đồng ý với phương án tính toán giảm thời gian tạo lợi nhuận đối với dự án BOT Quốc lộ 51 của Cục Đường bộ Việt Nam bởi theo BVEC, cách tính trên chưa xem xét hết các yếu tố rủi ro, khó khăn của dự án. Sau khi trừ chi phí đầu tư và lãi trong quá trình khai thác, lợi nhuận bị cắt giảm gần 1.200 tỷ đồng, nhà đầu tư không hoàn vốn được hơn 687 tỷ đồng.

Trong quá trình đàm phán, BVEC cho biết, đơn vị cũng đã đưa ra phương án điều chỉnh thời gian tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư từ 48 tháng xuống còn 40 tháng, nhưng không được Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận.

Theo BVEC, việc tạm dừng thu phí vào ngày 17/12 theo đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam sẽ gây ra những hệ lụy không nhỏ cho chủ đầu tư. Cụ thể, đến ngày 20/11, BVEC còn nợ hơn 809 tỷ đồng chưa được trả hết gốc vay. Nếu dừng thu phí tại thời điểm này sẽ dẫn đến xử lý tài sản bảo đảm rất phức tạp, tài sản này cũng thuộc tài sản cầm cố ngân hàng nên chưa chuyển sang tài sản sở hữu toàn dân được. Việc dừng thu phí, khiến BVEC không đủ khả năng thanh toán nợ cho ngân hàng.

Do đó, BVEC đề nghị Bộ Bộ Giao thông - Vận tải không thực hiện đề xuất đơn phương của Cục Đường bộ Việt Nam về việc tạm dừng thu phí trên Quốc lộ 51 từ ngày 17/12. Thực hiện đúng theo hợp đồng về thời gian thu phí tạo lợi nhuận cho chủ đầu tư là 4 năm. Lãi bảo toàn vốn là 8,7%/năm. Đồng thời, kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải cho phép nhà đầu tư phối hợp với Cục Đường bộ Việt Namtiếp tục đàm phán về các phương án tài chính đã được đề xuất để đi đến thống nhất thời điểm dừng thu phí BOT trên Quốc lộ 51.

"Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước quyết tâm đơn phương chấm dứt hợp đồng trước hạn hoặc tạm dừng thu phí, thì sẽ có thể xảy ra tranh chấp pháp lý giữa các bên có liên quan, đặc biệt là những chi phí phát sinh liên quan đến quá trình tạm dừng thu phí để chờ phán quyết cuối của cơ quan pháp luật, bao gồm: chi phí lãi vay phát sinh trong thời gian tạm dừng đối với dư nợ vay còn lại; chi phí duy tu thường xuyên, định kỳ, đột xuất, xử lý các tồn tại bảo đảm an toàn giao thông, chi phí bảo vệ an ninh trật tự…", lãnh đạo BVEC cho biết.

Xem thêm

Năm 2023, sẽ thương mại hóa 5G

Năm 2023, sẽ thương mại hóa 5G

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Có thể bạn quan tâm