Tập đoàn Gelex lên kế hoạch lãi gần 1.300 tỷ đồng trong năm 2023, sẽ tái cấu trúc mảng năng lượng

Ngày 26/4, Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex (Mã chứng khoán: GEX) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, phương án phân phối lợi nhuận và thay đổi số lượng thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2021-2026…
Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex (Mã chứng khoán: GEX)

Trong năm 2022, Tập đoàn Gelex đã ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng. Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất đạt 32.089 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.081 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 1% so với thực hiện năm 2021, tương ứng hoàn thành 87% kế hoạch doanh thu và 79% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Cơ cấu tài sản và nguồn vốn của Tập đoàn Gelex tại ngày 31/12/2022 biến động theo chiều hướng tăng tỷ trọng tài sản và nguồn vốn dài hạn đồng thời đảm bảo cân đối trong ngắn hạn, các chỉ số tài chính hợp nhất quan trọng về tình hình thanh khoản và quản lý nợ vay của GELEX đều nằm trong ngưỡng an toàn và trong xu thế dịch chuyển tích cực.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, Tập đoàn Gelex đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 37.457 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.272 tỷ đồng, tương ứng tăng 117% và giảm 39% so với thực hiện năm 2022.

Kịch bản kinh doanh của tập đoàn được xây dựng trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô năm nay tiềm ẩn nhiều biến động khó lường, nhất là lạm phát tiếp tục tăng cao và biến động lãi suất

Ban điều hành tiết lộ thêm, kết thúc quý 1, kết quả kinh doanh hợp nhất Tập đoàn Gelex ước đạt 6.424 tỷ đồng doanh thu thuần, bằng 74% so với cùng kỳ, đạt 17% kế hoạch cả năm 2023. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 142 tỷ đồng, đạt 11% kế hoạch cả năm 2023.

Tập đoàn định hướng cho năm 2023 sẽ hoạt động theo mô hình sub-holdings, tiếp tục đầu tư theo chiều sâu ở mảng sản xuất công nghiệp và triển khai nhiều dự án trọng điểm, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp và bất động sản công nghiệp.

Tập đoàn Gelex định hướng các đơn vị thành viên trong hệ thống tiếp tục củng cố và tăng trưởng thị phần tại thị trường trong nước với các mặt hàng chiến lược, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm mảng thiết bị điện, vật liệu xây dựng ra thị trường quốc tế.

Đặc biệt, năm 2022, sản phẩm Vasta Stone ra đời, là thương hiệu đá nung kết cao cấp đầu tiên tại châu Á Thái Bình Dương, sở hữu dây chuyền hiện đại nhất thế giới SACMI Continua+ nhập khẩu từ Ý. Vasta Stone tự tin trở thành thương hiệu dẫn dắt ngành vật liệu xây dựng Việt Nam bắt kịp xu thế quốc tế.

Thông qua đơn vị thành viên Viglacera và liên danh với Frasers Property Vietnam, Tập đoàn Gelex tiếp tục triển khai nhiều dự án bất động sản khu công nghiệp và bất động sản công nghiệp. Doanh nghiệp cũng chú trọng phát triển các dự án Nhà ở xã hội, Nhà ở công nhân, phát triển quỹ đất, đầu tư các dự án Nhà ở thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản khách sạn, văn phòng cho thuê.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Gelex cũng chủ trương đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn toàn cầu để mở rộng thị trường, sản phẩm trong chuỗi giá trị các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn.

Tháng 3 vừa qua. Tập đoàn GELEX và Frasers Property Vietnam đã ký kết hợp tác triển khai các khu công nghiệp tại miền Bắc với tổng mức đầu tư trong giai đoạn đầu này dự kiến là khoảng 6.000 tỷ đồng, tương đương 250 triệu USD, cung cấp hơn 500.000 mét vuông các loại hình nhà xưởng xây sẵn, nhà kho xây sẵn, nhà xưởng và nhà kho xây theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, GELEX sẽ tiếp tục công tác nghiên cứu đầu tư các dự án điện gió tiềm năng; trao đổi cơ hội hợp tác với một số đối tác và xem xét các dự án mới; tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc, đánh giá và hiện thực hóa các cơ hội đầu tư vốn, M&A tiềm năng (qua GELEX mẹ và các đơn vị thành viên); đồng thời, xây dựng chiến lược quản trị phù hợp sau M&A.

Tập đoàn cũng đề ra kế hoạch chi trảcổ tức15% cho năm 2023. Đại hội đồng cổ đông sẽ ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định các vấn đề liên quan đến việc tạm ứng cổ tức bằng tiền nếu phù hợp với hoạt động của công ty. Việc tạm ứng có thể thực hiện một hoặc nhiều lần tuỳ quyết định của Hội đồng quản trị.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, Gelex đề xuất không chia cổ tức. Nguồn lợi nhuận giữ lại để đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của tập đoàn.

Tại đại hội, ông Nguyễn Trọng Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị đã cho biết thêm thông tin về tình hình đáo hạn trái phiếu của Gelex trong quý 2/2023: “Cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu hơn 2.800 tỷ, trong đó có khoản trái phiếu được phát hành thông qua CGIF với dư nợ khoảng 800 tỷ, thời hạn vay 10 năm. Đây là khoản huy động vốn tập trung cho các dự án năng lượng tái tạo như Solar Ninh Thuận. Năm 2023 dư nợ trái phiếu đến hạn khoảng 700 tỷ, tập đoàn sẽ thu xếp để trả đúng tiến độ”.

Về nhân sự, tại đại hội, tập đoàn còn trình việc miễn nhiệm hai thành viên Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Hoa Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Nguyễn Trọng Tiếu, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, cả hai cá nhân này có đơn xin từ nhiệm vào ngày 29/3.

Đồng thời, tập đoàn đề xuất thay đổi số lượng thành viên Hội đồng quản trị từ 7 xuống 5 người, tức không cần bổ sung thêm thành viên Hội đồng quản trị sau khi hai cá nhân trên từ nhiệm.

Sau khi ông Cương và ông Tiếu từ nhiệm, Hội đồng quản trị của Gelex sẽ còn 5 thành viên gồm: Ông Nguyễn Trọng Hiền, ông Lương Thanh Tùng, ông Nguyễn Văn Tuấn, ông Đậu Minh Lâm và ông Lê Bá Thọ.

Xem thêm

Hai cựu lãnh đạo Gelex sắp tham gia HĐQT Novaland

Hai cựu lãnh đạo Gelex sắp tham gia HĐQT Novaland

Novaland vừa ra thông báo vừa công bố nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) thông qua danh sách ứng viên được cổ đông đề cử vào vị trí thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2026, gồm 2 thành viên từng là lãnh đạo cấp cao của Gelex...

Có thể bạn quan tâm