Tập đoàn Hoa Sen lãi sau thuế 1.900% cùng kỳ, nợ ngắn hạn hơn 6.100 tỷ đồng

Lũy kế 3 quý niên độ 2023-2024, Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần 29.163 tỷ đồng, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp này lãi 696 tỷ đồng trong 9 tháng qua, trong khi cùng kỳ lỗ 410 tỷ đồng...

Tập đoàn Hoa Sen lãi sau thuế 1.900% cùng kỳ, nợ ngắn hạn hơn 6.100 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) vừa công bố Báo cáo tài chính quý 3 niên độ 2023-2024 với doanh thu 10.840 tỷ đồng, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Trừ giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 1.337 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước đó. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 10,3% lên mức 12,2%.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng 136% đạt 30,6 tỷ đồng. Các chi phí của công ty này đều tăng. Trong đó, chi phí bán hàng là lớn nhất, tăng từ 720,4 tỷ đồng lên mức 901 tỷ đồng. Kết quả, Hoa Sen mang về 287 tỷ đồng lãi trước thuế, gấp 23,5 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 273 tỷ đồng, tăng gần 1.900% so với quý 3 năm ngoái.

Lũy kế 3 quý niên độ 2023-2024, Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần 29.163 tỷ đồng, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp này lãi 696 tỷ đồng trong 9 tháng qua, trong khi cùng kỳ lỗ 410 tỷ đồng.

Trong niên độ 2023 - 2024, Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh với hai kịch bản. Đối với kịch bản thấp, sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 1,62 triệu tấn, tăng 13,3%. Theo đó, doanh thu dự kiến ở mức 34.000 tỷ đồng, tăng 7,4%, và lợi nhuận sau thuế dự kiến là 400 tỷ đồng, tăng gấp hơn 12 lần so với niên độ trước.

Đối với kịch bản cao, sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 1,73 triệu tấn, tăng 20,7%; theo đó, doanh thu dự kiến đạt 36.000 tỷ đồng, tăng 13,7%, và lợi nhuận sau thuế dự kiến là 500 tỷ đồng, tăng gần 16 lần so với niên độ trước.

Như vậy, Hoa Sen đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận của cả kịch bản thấp và kịch bản cao.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của Hoa Sen đạt 21.976 tỷ đồng, tăng hơn 4.600 tỷ so với đầu niên độ. Trong đó, hàng tồn kho chiếm một nửa tài sản, đạt 11.918 tỷ đồng, tăng 56%. Tài sản cố định là 4.515 tỷ đồng.

Nợ vay tài chính của Hoa Sen ở mức 6.164 tỷ đồng với toàn bộ là nợ ngắn hạn ngân hàng. Vốn chủ sở hữu đạt 11.159 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 4.778 tỷ đồng.

anh-chup-man-hinh-2024-07-26-luc-180136-7441.png
Diễn biến cổ phiếu HSG trong thời gian qua

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch 26/7, cổ phiếu HSG tăng 1,31% lên mức 23.150 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa của doanh nghiệp thép này trên thị trường ước đạt 14.250 tỷ đồng.

Trong báo cáo phát hành đầu tháng 7/2024, Chứng khoán BIDV (BSC) đã có những phân tích, thống kê về hiện tượng bán phá giá và đưa ra dự báo thuế chống bán phá giá đối với ngành thép có thể áp dụng tạm thời vào đầu năm 2025 và chính thức vào quý 3/2025.

Theo BSC, định giá các cổ phiếu thép nhìn chung đang ở vùng đáy của chu kỳ. Với các thông tin liên quan tới tiến độ vụ việc áp thuế chống bán phá giá, sản lượng thép nội địa dần hồi phục, BSC cho rằng đây sẽ là động lực tăng giá cổ phiếu ngành thép trong nửa cuối năm 2024 và năm 2025.

Với câu chuyện thứ hai, các doanh nghiệp lớn trong ngành thép đều có kế hoạch mở rộng sản xuất để duy trì động lực tăng trưởng. Hòa Phát đang dồn lực cho “cú đấm thép” Dung Quất 2. Dự án có quy mô 280 ha, tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao/năm. Theo kế hoạch, phân kỳ 1 của dự án sẽ đi vào hoạt động vào đầu quý 1/2025, nâng năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát đạt trên 14,5 triệu tấn mỗi năm, trong đó có 8,6 triệu tấn HRC.

Theo thông tin cập nhật mới nhất từ doanh nghiệp, dây chuyền thép cuộn cán nóng HRC đầu tiên của Hòa Phát Dung Quất 2 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024.

Thép Nam Kim đang triển khai kế hoạch chào bán hơn 130 triệu cổ phiếu, huy động gần 1.600 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu để đầu tư dự án nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án trên được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 6/2/2024. Nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm khác bằng kim loại, sản xuất các loại tôn thép như tôn mạ kẽm, tôn mạ hợp kim nhôm kẽm (tôn lạnh), tôn mạ hợp kim nhôm kẽm phủ sơn, tôn mạ kẽm phủ sơn; sản xuất sắt, thép, gang. Quy mô dự án gồm dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm, hai dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm, dây chuyền mạ màu 150.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 (chưa VAT) là 4.500 tỷ đồng.

Tập đoàn Hoa Sen thì có hướng đi khác biệt hơn khi không xây thêm nhà máy sản xuất mà muốn "lấn sân" sang các lĩnh vực tiềm năng khác như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, công nghệ bán dẫn, du lịch sinh thái... Công ty dự chi 5.000 tỷ đồng cho việc mở rộng ngành nghề này.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...