Theo Tập đoàn Masan, giao dịch được sắp xếp bởi BNP Paribas, Credit Suisse, HSBC và Standard Chartered Bank, kỳ hạn 5 năm. Khoản vay bằng USD có lãi suất 2,9%, cộng với lãi suất tham chiếu SOFR, tương đương lãi suất Tập đoàn Masan vay 6,7%/năm.
Tập đoàn Masan cho biết, đây là khoản vay có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam.
"Trong bối cảnh lãi suất tăng, việc tăng vay bằng USD có dẫn đến rủi ro ngoại hối lớn hơn. Theo đó, Công ty sẽ chủ động theo dõi và đánh giá thời điểm thích hợp để thực hiện các giao dịch phái sinh nhằm giảm thiểu rủi ro thị trường và vẫn duy trì chi phí vốn một cách tối ưu", Tập đoàn Masan cho biết.
Mới đây, Tập đoàn Masan cũng vừa hoàn tất phát hành trái phiếu trị giá 1.700 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm. Tính đến tháng 11/2022, Tập đoàn Masan cho biết đã trả hết toàn nợ vay và lãi vay năm 2022 trị giá 6.915 tỷ đồng và còn trả trước hạn 6.660 tỷ đồng nợ đáo hạn vào năm 2023.
Tập đoàn Masan chia sẻ, việc thu hút được vốn mạnh là nhờ sự cải thiện về kết quả kinh doanh ở các mảng kinh doanh tiêu dùng và bán lẻ cốt lõi.
Thực tế, khi dòng vốn nội địa bị thu hẹp và tín dụng bị thắt chặt thì hang loạt doanh nghiệp lớn Việt Nam đã tìm đến dòng vốn ngoại. Đơn cử như VPBank ký kết thành công thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD (tương đương gần 12.500 tỷ đồng) từ 5 định chế tài chính lớn.
Tiếp đến có SeABank cũng cho biết vừa ký kết với Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC) về khoản vay 200 triệu USD trong 7 năm.
Hay Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã ký hợp đồng vay vốn với hạn mức 105 triệu USD và quyền được mở rộng lên tới 150 triệu USD, tương đương 3.675 tỷ đồng với nhóm ngân hàng nước ngoài.
CTCP Kinh doanh F88 cũng nhận được khoản vay 60 triệu USD từ Quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable, nâng tổng vốn ngoại huy động được lên mức 70 triệu USD...