Đồng tiền biết cười
Em có một gương mặt quyến rũ vì luôn được trang điểm bằng các loại mĩ phẩm với những tên gọi hấp dẫn: USD, GBP, YEN, EURO, CAD, AUD, RUPLE... Em dạo gót khắp năm châu, từ xứ cờ hoa, xứ lá phong ở Bắc Mỹ đến những vùng đất còn hoang sơ ở châu Phi, những lâu đài tuyệt đẹp ở châu Âu, những thảo nguyên trải dài ở châu Úc, những thành phố bận rộn ở châu Á.
Đâu có dấu chân người Việt là ở đó có em - song hành với sợi dây yêu thương nối liền bến bờ đất nước. Dấn thân để rồi không ít ngậm ngùi buồn nhớ. Ra đi bởi nhiều lý do nhưng có một lý do chung nhất là... kiếm tiền. Kiếm tiền để lo cho bản thân, cho gia đình. Những người Việt dũng cảm, kiên cường vượt qua số phận ấy ngày ngày nhặt từng đồng lẻ để tích cóp gửi về nhà cho người thân.
Niềm vui của họ không chỉ nằm ở những con số mà nằm ở ý nghĩa của câu chuyện. Con cái họ sẽ có cuộc sống ra sao khi đời sống vật chất được cải thiện? Bố mẹ họ được báo đáp thế nào khi có con cái đi làm ăn xa? Những đồng tiền lấp lánh ấy làm thay đổi bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu số phận?...
Đồng tiền lấp lánh ấy là em – cũng đẹp như cái tên Kiều hối mà em được xướng lên trang trọng trong dịp tổng kết tài chính hàng năm.
Nói không ngoa, vẻ đẹp của em không chỉ giúp cho nhiều gia đình nhuận sắc bởi sự no ấm và phát triển, nó còn “lặn” vào những đồng vốn quý giá để đầu tư, phát triển kinh doanh, sản xuất. Với một đất nước nằm trong vùng phát triển năng động nhất thế giới như Việt Nam, vốn là một yếu tố sống còn vì “có bột mới gột được hồ”.
Cùng với nhiều nguồn vốn khác, nguồn tiền đáng kể của gần 5 triệu người Việt ở 103 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới gửi về cho người thân cũng trở thành một dòng vốn quan trọng hòa vào dòng chảy đầu tư cho các dự án phát triển đất nước. Ai dám bảo rằng ở khu đô thị này, khu nghỉ dưỡng kia, nhà máy sản xuất nọ... không có sự hiện diện của em? Nếu ví đồng vốn như máu của một cơ thể kinh tế thì em đây cũng là những giọt máu trong bầu huyết quản của nền kinh tế đó.
Từng năm, từng năm, em chứng kiến sự thay đổi nhanh đến chóng mặt của đất nước (lời của các chủ nhân Việt kiều của em) mà vui lắm. Được tạo ra từ những giọt mồ hôi, nước mắt và đôi khi cả từ những giọt máu đào của những người mang danh Việt kiều đó, em thấu hiểu niềm vui và nỗi buồn của họ. “Có con chăm lo thuốc thang, bố khỏe rồi con ạ”. “Nhờ có con, em nó đã tốt nghiệp đại học và đã có việc làm, cả nhà mừng và biết ơn con lắm”. “Anh ơi, em đã dựng xong căn nhà cho vợ chồng mình, em rất vui và hãnh diện về anh”... Những câu chuyện thường nhật ấy em nghe thường xuyên mà nghe mãi vẫn không chán. Đồng tiền ở trong nhà đồng tiền chửa. Đồng tiền ra ngoài cửa đồng tiền đẻ. Thứ nhất buôn tài, thứ nhì dài vốn. Nhưng, đồng tiền biết cười thì không ai nói đến. Khi em là sứ giả mang đến niềm vui cho mọi người, thấy người ta vui, em cũng mỉm cười, hãnh diện lắm mà không ai thấy.
Câu chuyện về những người chủ
Trong mắt của người bản xứ, người Việt luôn nghĩ về gia đình, sẵn sàng sẻ chia, bao bọc, lo cho cha mẹ già, vợ/chồng con cái và em út, họ hàng. Những nước có nền kinh tế tiêu dùng, luôn khuyến khích tiêu xài, coi đó là động lực phát triển kinh tế thì nhiều người thường tiêu tiền kiểu “bóc ngắn cắn dài”, tiêu trước trả sau nên suốt đời nợ nần. Phần lớn người Việt không thế. Kiếm 10 đồng tiêu 5 -7 đồng, còn lại 3-5 đồng gửi về giúp gia đình hoặc tích cóp làm vốn. Có những người cả đời đi làm quần quật mà gần như không tiêu pha gì cho bản thân, ở nhà thuê rẻ, không cả nghĩ đến hạnh phúc riêng... tất cả chỉ để giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Các em trưởng thành rồi thì đến các cháu.
Em đã nằm trong bàn tay của một người chủ như thế. Anh ấy tên Lộc, người Sài Gòn. Chính xác là 30 năm sống ở thành phố San Fransisco - Mỹ, anh ấy chỉ đi làm ở quán phở của người Việt. Ngày ngày đi làm, gần như chả chơi bời gì với ai, chả biết du lịch là gì. Kiếm được đồng nào anh ấy tìm cách gửi hết về cho bố mẹ để nuôi các em. Nơi anh ấy ngả lưng hàng đêm là một phòng nhỏ được quây bằng bìa các tông trong gara của một gia đình đồng hương. Nếu bê được nơi ở của anh đem về Việt Nam triển lãm thì người ta tưởng anh ấy làm nghề gom đồng nát. Sau 30 năm bôn ba xứ người, gần đây, sức khỏe đi xuống, anh ấy trở về Việt Nam và em không còn là Kiều hối của anh ấy nữa.
Hay như ông chủ khác của em tên Thiềng, chủ quán ăn Sài Gòn city tại thành phố Zena – Đức. Có những quãng thời gian anh ấy không hề nhìn thấy nắng mặt trời vì đi làm từ mờ sáng và khi về thì đã khuya. 11 giờ đêm là giờ anh ấy đi đổ rác. Rác vừa đổ xong, quay đi đã nghe tiếng lạch xạch. Thì ra là có ông khác đến bới thùng rác để mò thứ gì có thể bán được. Chủ của em đã cực mà còn có người khổ hơn anh ấy. Chưa hết. Anh ấy vẫn bay về Việt Nam hàng năm để thăm bố mẹ vì anh ấy là con trai duy nhất của họ. Đi máy bay mà anh ấy gần như không biết cảm giác máy bay cất cánh, hạ cánh thế nào, vì anh ấy luôn vào chỗ ngồi là ngủ. Tiếp viên gọi dậy ăn thì cái miệng, cái họng thành máy và, máy nghiền, máy nuốt còn mắt thì vẫn ngủ. Ngủ cho đến khi người ta gọi anh ấy dậy để ra khỏi máy bay. Hình như là mỗi năm anh ấy lại có được vài ngày ngủ bù trên máy bay như thế.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2019, Việt Nam nhận 16,7 tỷ USD kiều hối, tăng 6,4% so với năm 2018 (15,9 tỷ USD). Cũng theo WB, trong 12 năm trở lại đây, số kiều hối về Việt Nam tăng trung bình 10-15%/năm. Còn theo báo cáo của công ty tài chính Uniteller công bố cuối năm 2019, một lao động Việt Nam ở nước ngoài gửi về nước trung bình mỗi tháng 735 tỷ USD, cao xấp xỉ 10 lần so với thu nhập 73 USD/tháng của các hộ gia đình nhận tiền tại Việt Nam.
Là kiều hối, có gương mặt biết cười nhưng cũng lắm khi nụ cười của em đẫm nước mắt. Ấy là khi chủ của em bị mất việc, phá sản, thậm chí bị cướp hay bị sát hại, em trở thành kẻ bơ vơ lạc lõng, thành kẻ phản bội công sức lao động, niềm hy vọng của người chủ mà em vô cùng kính trọng đó. Anh Tiến từng sống ở Moscow là một người như thế. Sau một thời gian tích cóp, anh xách tiền ra ngân hàng để gửi về nhà cho vợ. Một toán cướp chặn đường anh, không chỉ cướp đi toàn bộ số tiền của anh mà còn tặng anh vài nhát dao chí mạng. Thấy anh không còn cử động, chúng vùi anh xuống tuyết và bỏ đi. Chính đám tuyết lạnh đã cứu anh, làm đông dòng máu đang chảy ra từ cơ thể anh... Anh hồi tỉnh, bò ra khỏi đống tuyết và kêu cứu. Những người Nga tốt bụng đã đưa anh đến bệnh viện, giúp cho anh tiền bạc để chữa trị và sau cùng là mang được tấm thân đầy thương tích về đến Hà Nội.
Gần 5 triệu người Việt Nam sống ở nước ngoài là gần 5 triệu số phận, hoàn cảnh khác nhau. Những nỗi niềm vui buồn, khó khăn hay thuận lợi trong việc mưu sinh của họ thì không ngòi bút nào tả xiết. Em chỉ đưa ra vài ví dụ nhỏ. Đó là những câu chuyện còn rất “hiền” so với thực tế khốc liệt và muôn phần cay đắng của người Việt mưu sinh ở nước ngoài.
Em tên là Kiều hối. Em biết em đẹp và em có quyền. Em nhắc những ai cầm đồng tiền kiều hối trong tay thì hãy biết trân trọng em, yêu thương em và cho phép họ sử dụng em một cách thông minh nhất. Em có thể biến mình vào sắt vào thép, vào bê tông, máy móc hay thậm chí vào nhà xưởng, dây chuyền xử lý rác thải để bảo vệ môi trường... Điều đó không sao cả, miễn là đất nước mà em yêu thương phát triển, đuổi kịp các nước trong vùng còn người chủ em thì hài lòng khi tiền chuyển về nước đã đến tay người nhận.