Thanh tra Chính phủ vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về vướng mắc trong cung cấp vật liệu san lấp tại dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết- Dầu Giây.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, ngoại trừ dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu, 2 dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây gặp khó khăn, vướng mắc và chậm trễ trong việc cung cấp khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để san lấp.
Nguyên nhân khách quan chủ yếu do có sự chồng chéo, vướng mắc trong áp dụng quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai và đầu tư. Cụ thể là Nghị định số 158/2016 và Luật Đầu tư năm 2020 có sự chồng chéo, dẫn đến việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản mất rất nhiều thời gian.
"Trong trường hợp nhà đầu tư không thoả thuận được với chủ sử dụng đất thì không thể có nguồn vật liệu san lấp để cung cấp kịp thời cho các dự án giao thông quan trọng của Quốc gia cũng như của địa phương", báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết.
Bên cạnh đó, mặc dù Nghị quyết 60/2021 và Nghị quyết 133/2021 của Chính phủ có xác định cơ chế đặc thù nhưng trình tự, thủ tục hành chính đối với việc thăm dò, đánh giá trữ lượng, đánh giá tác động môi trường, cấp phép khai thác khoáng sản và thủ tục hành chính về đất đai, như: điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thẩm định nhu cầu sử dụng đất, công tác cho thuê dất, chuyển mục đích sử dụng đất... vẫn áp dụng theo quy định thông thường nên mất nhiều thời gian trong giải quyết thủ tục hành chính đối với các mỏ đất được cấp theo cơ chế đặc thù.
Về nguyên nhân chính về chủ quan là do khâu khảo sát, đánh giá tình hình của đơn vị tư vấn chưa kỹ càng, không xác định đầy đủ tính pháp lý của khu vực dự kiến cung cấp vật liệu cho dự án.
Dẫn đến tình trạng khi khảo sát, giám định chất lượng thì đạt yêu cầu, nhưng khi thi công lại không đảm bảo chất lượng để sử dụng làm vật liệu san lấp phục vụ dự án,... Do đó phải tiếp tục đề nghị cấp thẩm quyền cho phép khai thác thêm khoáng sản hoặc thu hồi khoáng sản cung cấp cho dự án.
Qua quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho rằng phương án hạ cốt nền nhằm cải tạo đất nông nghiệp, thu hồi vật liệu san lấp để cung cấp cho dự án của UBND tỉnh Đồng Nai là có hiệu quả.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã tiến hành cải tạo đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả cây trồng kết hợp thu hồi vật liệu san lấp phục vụ thi công dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây tại 4 khu vực gò, đồi bạc màu canh tác nông nghiệp kém hiệu quả.
Phương án này đảm bảo được quyền lợi của người dân có quyền sử dụng đất, không phải thực hiện các thủ tục về điều chỉnh quy hoạch khoảng sản, quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất, về cấp phép khai thác khoáng sản, về chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất,... Do đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét phương án này như một cơ chế đặc thù trong thời gian tới.
Tuy nhiên, việc thu hồi vật liệu san lấp không được thực hiện theo các thủ tục quy định tại Luật Khoáng sản năm 2010, từ việc thăm dò, xác định loại khoáng sản, làm cơ sở để thực hiện các thủ tục khác liên quan đến điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Bên cạnh đó, cả 4 khu vực cải tạo đất nông nghiệp nêu trên đã hết thời hạn được phép khai thác, thu hồi vật liệu san lấp.
Trước mắt, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cung cấp vật liệu san lấp cho dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Dầu Giây - Phan Thiết, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho phép tiếp tục thu hồi vật liệu san lấp tại các khu vực cải tạo đất nông nghiệp đã phê duyệt để phục vụ cho dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đến khi hoàn thành việc san lấp tại dự án.