Thâu tóm đất vàng bằng cách nào?

Những khu đất vàng bị thâu tóm thông qua những bàn tay to nhỏ và bằng rất nhiều cách thức khác nhau như: Mua bán, hợp đồng BT, cổ phần hóa, liên danh…
Thâu tóm đất vàng bằng cách nào?

Mua

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được cho là tổ chức đang sở hữu nhiều đất vàng bậc nhất tại TP.HCM. BĐS của Vạn Thịnh Phát có được dựa trên tiềm lực tài chính thực hiện thông qua mua bán sáp nhập, cũng như tham gia chương trình đấu giá của TP HCM.

Thông qua các động thái mua bán, chuyển nhượng trong những năm qua có thể thấy được bộ sưu tập đất vàng trung tâm của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ngày càng đồ sộ.

Ngoài Times Square, doanh nhân Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát hiện đang nắm trực tiếp hoặc gián tiếp nhiều cao ốc ở những vị trí đắc địa nhất của khu trung tâm thành phố dọc theo phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Thương vụ mua lại Vincom Center A với giá trị chuyển nhượng công bố gần 10 nghìn tỷ đồng, sau đó đổi tên thành Union Square cũng được cho là ít nhiều liên quan đến Vạn Thịnh Phát.

Nhưng không phải công ty, tổ chức nào cũng có tiềm lực đủ mạnh như Vạn Thịnh Phát để có thể mua đứt những lô đất quá đắt đỏ. Đất vàng hiện nay có thể bị thâu tóm bằng nhiều hình thức khác nhau thông qua những cơ chế khác nhau. Nhưng không ít những lô “đất vàng” đã bị thâu tóm với giá trị quá thấp so với thị trường gây thiệt hại cho nhà nước.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Không ít các doanh nghiệp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với mục đích chính nhằm vào BĐS mà doanh nghiệp nắm giữ. Chuyện cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) la một ví dụ.

Năm 2016, Hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị hồi tháng 6/2017.

1,4 ha đất do Hãng Phim truyện Việt Nam sử dụng trong vài chục năm qua không được tính vào giá trị doanh khi cổ phần hóa.

Cụ thể, sau khi tiến hành cổ phần hóa, vốn điều lệ VFS đã được tăng lên đạt 50 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước nắm giữ 20%, cán bộ công nhân viên nắm giữ 4,5%; có 10,5% cổ phần được mang ra đấu giá công khai và 65% vốn được bán cho nhà đầu tư chiến lược, là Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso).

Trong bản kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, hãng phim có tuổi đời 56 năm không được định giá thương hiệu. Bên cạnh đó, hơn 1,4 ha đất do VFS sử dụng trong vài chục năm qua không được tính vào giá trị doanh khi cổ phần hóa.

Hãng sở hữu bốn khu đất có vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP.HCM song có giá trị thấp do là đất thuê.

Sau đó, Vivaso đã trở thành ông chủ tại VFS, khi chi ra chỉ 33 tỷ đồng cho 65% vốn cổ phần tại VFS. Ông chủ của Vivaso, đại gia Nguyễn Thủy Nguyên, sau đó cũng trở thành Chủ tịch tại Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam (tên mới của VFS).

Mới đây sáng 14/5/2018, tại cuộc họp thông báo kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN tại Ban Cán sự Đảng Bộ VHTT&DL, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Bộ VHTT&DL xử lý dứt điểm một số vụ việc nổi cộm cổ phần hoá Hãng phim Truyện Việt Nam trong năm 2018.

Khu đất 8-12 Lê Duẩn

Bốn công ty của Bộ Công thương bỏ túi 200 tỷ đang làm nóng dư luận trong thời gian gần đây, Thanh tra chính phủ đã có những kết luận ban đầu về sự việc này.

Khu đất rộng gần 5.000 m2 tại số 8-12 Lê Duẩn (quận 1) có vị trí đắc địa bậc nhất Sài Gòn. Thời điểm năm 2007 lô đất do Công ty quản lý Kinh doanh nhà TP HCM quản lý và cho 4 công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Kim khí Thành phố, Hóa chất vật liệu điện thành phố và Vận tải xăng dầu (thuộc Bộ Công Thương) thuê làm trụ sở.

Bộ này từng gửi công văn đề nghị UBND TP HCM cho mua chỉ định lô đất nhưng không được chấp thuận. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án xây khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại, thay vì cho đấu thầu, chọn doanh nghiệp có kinh nghiệm làm chủ đầu tư, thành phố lại chấp thuận phương án thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue và cho 4 công ty trên tham gia 50% cổ phần (chia đều mỗi công ty 12,5%), còn lại là của Công ty Quản lý Kinh doanh nhà.

Ngay sau khi được UBND thành phố ưu tiên cho tham gia cổ phần, các doanh nghiệp của Bộ Công thương đã "lật kèo" (cách gọi của một nguyên lãnh đạo thành phố), cùng sang nhượng quyền đầu tư phát triển dự án cho một công ty tư nhân để kiếm lời. Thương vụ này cũng giúp các công ty tư nhân chiếm 80% cổ phần dự án đầu tư khu đất 5.000 m2.

Từ lúc Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue chưa được thành lập, ngày 20/8/2010, các công ty của Bộ Công thương đã ký thỏa thuận nguyên tắc với Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty Kido) đồng ý chuyển nhượng quyền đầu tư phát triển dự án trên khu đất 8-12 Lê Duẩn.

Khu đất 8-12 Lê Duẩn

Theo thỏa thuận, 4 công ty thuộc Bộ Công thương sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần góp vốn của mình trong Công ty Kido, thời gian hoàn tất được quy định là ngay khi các công ty trở thành cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần Lavenue.

Nhằm thực hiện thỏa thuận trên, ngày 19/5/2010, mỗi công ty của Bộ Công thương ký hợp đồng vay của Công ty Kido 12,5 tỷ đồng để góp đủ số vốn cổ đông sáng lập thành lập Công ty Cổ phần Lavenue, tương ứng 12,5% vốn điều lệ đối với mỗi công ty.

Ngày 10/9/2010 Công ty Lavenue thành lập, song chỉ 10 ngày sau đó cả 4 công ty thuộc Bộ Công thương đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình cho Công ty Kido. Số lượng cổ phần chuyển nhượng của mỗi đơn vị là 1,25 triệu, giá chuyển nhượng là 50.000 đồng mỗi cổ phần. Tổng số tiền mỗi công ty thuộc bộ Công thương nhận được là 62,5 tỷ đồng.

Trừ số tiền vay (12,5 tỷ đồng) ban đầu của Công ty Kido, mỗi công ty thuộc Bộ Công thương thu lợi 50 tỷ đồng. Như vậy, các doanh nghiệp Nhà nước này không tốn một đồng vốn nào đã kiếm lời được 200 tỷ đồng từ dự án. Số tiền này sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định (12,5 tỷ đồng mỗi đơn vị), phần còn lại các công ty dùng để thuê và mua trụ sở làm việc mới, trích lập các quỹ và chi trả cổ tức cho cổ đồng.

Từ đây, Thanh tra Chính phủ xác định, bốn công ty này đã kê khai không trung thực để được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương ưu tiên cho tham gia góp vốn thực hiện dự án. Việc chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Kido (bản chất là chuyển quyền ưu tiên đầu tư tại khu đất hoặc chuyển nhượng 50% diện tích đất) để lấy 200 tỷ đồng là trái với chủ trương của UBND thành phố. Trách nhiệm thuộc về Giám đốc và Kế toán trưởng của 4 công ty tại thời điểm đó.

Hợp đồng BT

Hợp đồng BT nếu được thực hiện đúng đắn sẽ mang lại lợi ích rất lớn như: Người dân được hưởng hạ tầng phúc lợi với chất lượng tốt hơn, ngân sách nhà nước giảm bớt chi phí thì các doanh nghiệp - các nhà đầu tư dự án BT- cũng có cơ hội phát triển các dự án bất động sản quy mô lớn trên các quỹ đất được Nhà nước thanh toán.

Nhưng hàng loạt sai phạm tại các dự án BT là lý do khiến Kiểm toán nhà nước nhận định: “việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước".

Hợp đồng BT không mang lại lợi ích lớn như kỳ vọng.

Dễ thấy, hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực...

Đơn cử như Công ty Cổ phần Tasco dù năng lực tài chính hạn chế nhưng vẫn được lựa chọn để thực hiện dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương; hay chủ đầu tư dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An.

Cũng do sai phạm trong quá trình thẩm định năng lực nhà đầu tư nên hầu hết các dự án đều chậm tiến độ do năng lực tài chính hoặc bố trí vốn chủ sở hữu cho dự án, không đảm bảo tiến độ giải ngân như cam kết…trong đó bao gồm 2 dự án của 2 doanh nghiệp nói trên và dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ…

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nghịch lý vốn đầu tư chủ yếu là vốn vay (khoảng 85%) và được tính lãi, với lãi suất tối đa huy động bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ, dẫn đến thực chất gần như toàn bộ dự án là vốn của Nhà nước hoặc là vốn của Nhà nước đi vay với mức lãi suất cao hơn lãi suất Nhà nước huy động để đầu tư thực hiện dự án.

Có thể bạn quan tâm