Bộ Giao thông muốn thu phí đường bộ với các tuyến cao tốc đầu tư từ vốn ngân sách

Bộ Giao thông Vận tải đang xin ý kiến các bộ ngành về việc thu phí đường bộ với tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và 8 đoạn cao tốc Bắc Nam do nhà nước đầu tư...
thu phí đường bộ cao tốc do nhà nước làm chủ đầu tư

Bộ Giao thông Vận tải muốn thực hiện thí điểm thu phí đường bộ đối với 9 tuyến cao tốc được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách trong 5 năm, kể từ khi phương án được Quốc hội thông qua, hoặc cho đến khi có pháp luật về thu phí đường cao tốc.

Mức thu phí được xác định trên nguyên tắc phù hợp với khả năng chi trả của người dân; phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế- xã hội theo từng khu vực. Các tuyến cao tốc sẽ thu phí tự động không dừng, liên thông giữa các dự án do nhà nước đầu tư và các dự án PPP. Tiền thu được sau khi trừ chi phí tổ chức sẽ nộp trực tiếp vào ngân sách trung ương hoặc địa phương theo phương án đầu tư khai thác.

9 tuyến cao tốc gồm cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2. Trong 9 tuyến này, có 4 dự án đã đưa vào khai thác, 5 dự án sẽ hoàn thành trước năm 2025.

Theo lý giải của Bộ Giao thông vận tải, các dự án cao tốc thường có vốn đầu tư lớn, nên cần thu phí để hoàn vốn, tiếp tục đầu tư dự án khác.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc tiến hành thí điểm phải được thực hiện tuần tự theo đúng quy định, gồm Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết chấp thuận cơ chế thí điểm, 

Sau khi được Quốc hội chấp thuận, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Hiện tại, không có chủ trương nào thu phí từ các dự án cao tốc đầu tư từ nguồn vốn ngân sách. Các dự án có vốn từ nguồn vốn ngân sách được xem là cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.

Tuy nhiên, trước đây, Bộ Giao thông cũng đã tổ chức thu phí đường bộ trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Nhưng sau đó, do không có chủ trương, nên đã bị bãi bỏ.

Bộ Giao thông vận tải cho biết hiện có 12 tuyến đường cao tốc thực hiện thu tiền theo cơ chế giá, mức thu dao động 1.000 - 2.100 đồng/PCU (đơn vị xe con quy đổi) /km tùy theo phương án tài chính của dự án. Mức thu bình quân là 1.652 đồng/PCU/km.

Có thể bạn quan tâm