Thị trường chứng khoán vẫn ở trạng thái giảm, nhà đầu tư cẩn trọng khi ra quyết định mới

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn không nên bán tháo ở các nhịp giảm, dừng bán và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp hoặc có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Thị trường chứng khoán vẫn ở trạng thái giảm, nhà đầu tư cẩn trọng khi ra quyết định mới

VN-Index trong phiên giao dịch ngày 23/4 tiếp tục phục hồi nhẹ trong phiên sáng với thanh khoản suy giảm khi tâm lý ngắn hạn của thị trường vẫn khá bi quan sau những phiên giảm mạnh.

Thị trường sau đó bắt đầu chịu áp lực bán mạnh hơn trong phiên chiều với lượng cổ phiếu của phiên giảm ngày 19/4/2024 về tài khoản, dẫn đến VN-Index chịu áp lực điều chỉnh về sát vùng giá thấp nhất 1.165 điểm ngày 19/4/2024 mới phục hồi trở lại.

Kết phiên VN-Index giảm 12,82 điểm (-1,08%) về mức 1.177,4 điểm và vẫn đang duy trì trên đường giá trung bình MA200 phiên. HNX-Index giảm 2,67 điểm (-1,19%) về mức 222,63 điểm.

Độ rộng thị trường trên 2 sàn giao dịch trở lại tiêu cực với áp lực điều chỉnh gia tăng khi có 469 mã giảm giá (18 mã giảm sàn), 175 mã tăng giá (8 mã tăng trần) và 109 mã giữ giá tham chiếu. Mức độ phân hóa tương đối tích cực hơn các phiên giảm điểm trước.

Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết đạt 18.845,31 tỷ đồng, tăng 7,96% so với phiên trước, dưới mức trung bình. Sau phiên phục hồi với thanh khoản giảm mạnh, nhiều mã đã tiếp tục chịu áp lực bán mạnh hơn, kém tích cực hơn khi giá thấp hơn các phiên giảm điểm mạnh trước.

Khối ngoại vẫn duy trì xu hướng bán ròng trên HOSE với giá trị 294,41 tỷ đồng trong phiên hôm nay; tập trung nhiều ở các mã ngân hàng, bất động sản như SHB, HDB, VHM... mua ròng trên HNX với giá trị 21,34 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán sau khi phục hồi tốt trước thông tin triển khai hệ thống KRX đã chịu áp lực điều chỉnh trở lại khi hầu hết giảm điểm, nhiều mã giảm mạnh kém tích cực khi giá kết phiên thấp hơn giá ngày 19/04/2024 với CSI (-7,82%), AGR (-6,84%), CTS (-5,52%), BSI (-3,80%)... thanh khoản gia tăng kém tích cực, ngoài TVB (+14,60%), TVS (+1,75%) tăng điểm.

Các cổ phiếu ngân hàng sau phiên phục hồi thanh khoản kém ngoài các mã khá nổi bật trước thông tin kết quả kinh doanh quý 1/2024 tăng trưởng tốt như TCB (+2,10%), LPB (+0,99%)... thì đa số chịu áp lực điều chỉnh như NVB (-3,26%), SHB (-2,67%), SGB (-2,67%), MBB (-2,65%)...

Nhóm cổ phiếu bất động sản, khu công nghiệp, cao su sau phiên phục hồi cũng chịu áp lực điều chỉnh mạnh trở lại như LGL (-6,94%), QCG (-6,91%), PDR (-5,07%), DIG (-4,63%)... BCM (-4,17%), GVR (+3,83%), KBC (-3,09%)... ngoài một số mã khá tích cực với NTL (+2,44%), CRE (+1,39%), IJC (+1,11%), LHG (+1,29%)... các cổ phiếu nhóm ngành khác đa số cũng có diễn biến tương tự, đa số chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản gia tăng kém tích cực.

Trong khi đó nhóm cổ phiếu công nghệ nhiều mã có diễn biến tăng giá tích cực, thanh khoản gia tăng khá đột biến trước những thông tin FPT ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với NVIDIA - Tập đoàn công nghệ đa quốc gia hàng đầu thế giới - để thúc đẩy nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo (AI), cung cấp dịch vụ, giải pháp cho khách hàng Việt Nam và trên toàn cầu, như FOX (+3,94%), FPT (+1,81%), CMG (+1,06%)...

anh-chup-man-hinh-2024-04-23-luc-191236-3689.png
Chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Hạn chế mua mới

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Sự suy yếu của nhóm cổ phiếu trụ đã tạo áp lực lên thị trường trong phiên chiều hôm nay, thời điểm chứng khoán về tài khoản sau phiên bắt đáy T-2 trước đó, khiến cho VN-Index mở rộng đà giảm điểm về cuối phiên.

Mặc dù lực cầu sau đó gia tăng trở lại ở một vài cổ phiếu trụ giúp cho VN-Index tránh được một phiên giảm sâu, trạng thái giằng co cung - cầu nhiều khả năng vẫn tiếp diễn, tuy nhiên với rủi ro điều chỉnh gia tăng vẫn có phần lấn át hơn.

Nhà đầu tư được khuyến nghị hạn chế mua mới, ưu tiên quản trị rủi ro và bán giảm vị thế, cơ cấu lại danh mục trong các nhịp hồi phục.

Trạng thái giảm điểm có thể sẽ còn tiếp diễn

Chứng khoán AIS

Trên khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI vẫn nằm trong trạng thái bán với tâm lý vẫn là tiêu cực trong ngắn hạn.

Chỉ số VN-Index phiên này hình thành cụm nến Bearish Engulfing - nhấn chìm giảm với thanh khoản lớn hơn phiên trước. Điều này cho thấy trạng thái giảm điểm có thể sẽ còn tiếp diễn trong những phiên tới.

Do phiên trước là phiên tăng điểm trong nghi ngờ nên sự tiêu cực của phiên này là khó tránh khỏi. Trong bối cảnh các yếu tố hỗ trợ gần như thiếu vắng và rủi ro ngắn hạn vẫn đang hiện hữu. Hỗ trợ mạnh nhất cho đợt giảm điểm lần này sẽ là vùng 1.130 điểm.

Tiếp tục thận trọng

Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)

Thiếu động lượng hỗ trợ từ thanh khoản trong phiên tăng điểm hôm qua đã khiến thị trường không thể duy trì sắc xanh trong phiên hôm nay. Thậm chí áp lực bán còn có phần gia tăng mạnh trong cuối phiên chiều, gần như xóa tan mọi thành quả của phiên tăng trước đó.

Thanh khoản phiên hôm nay có cải thiện nhẹ so với phiên trước nhưng vẫn ở mức khá thấp cho thấy sự thận trọng cao của giới đầu tư.

Xu hướng điều chỉnh vẫn đang tồn tại nên chúng ta tiếp tục thận trọng, kiên nhẫn chờ VN-Index kiểm tra ngưỡng hỗ trợ mạnh 1.125 - 1.132 điểm rồi mới mở thêm vị thế mua mới.

Không nên bán tháo ở các nhịp giảm

Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn không nên bán tháo ở các nhịp giảm, dừng bán và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp hoặc có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp.

Chúng tôi lưu ý các vị thế mua mới chỉ nên ở tỷ trọng thấp dưới 20% danh mục và tăng dần tỷ trọng nếu xu hướng ngắn hạn của thị trường chung xác nhận tăng.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Có thể bạn quan tâm