Đi tìm mẫu số chung của các doanh nghiệp chia cổ tức khủng

Thị trường chứng khoán vẫn có những doanh nghiệp tăng trưởng khá bền vững, chi trả cổ tức cao, đều đặn, thậm chí lên đến 250%. Họ là ai và làm ăn thế nào và có điểm chung gì giữa những doanh nghiệp này không...?

co-tuc

Thị trường đang bước vào giai đoạn sôi nổi nhất của mùa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Bên cạnh định hướng kinh doanh của các doanh nghiệp, câu chuyện chia cổ tức luôn là vấn đề "nóng" được quan tâm mỗi mùa đại hội đồng cổ đông về.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã công bố phương án chia cổ tức với tỷ lệ “cực khủng”. Song điều mà nhà đầu tư có thể nhận thấy rõ là các doanh nghiệp này có rất nhiều điểm chung.

Với bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục “nhuộm” sắc đỏ, thông tin chia cổ tức khủng được công bố trước thềm họp đại hội đồng cổ đông có thể trở thành yếu tố trợ lực cho giá cổ phiếu của những doanh nghiệp này.

“NGÔI VƯƠNG” CỔ TỨC NĂM 2023 XƯỚNG TÊN AI?

Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua năm 2023 đầy khó khăn và thách thức. Nhiều doanh nghiệp “đau đầu” vì đơn hàng thiếu hụt, tiêu thụ sản phẩm đầu ra suy yếu, lợi nhuận sụt giảm. Hoạt động kinh doanh không thuận lợi kéo theo nhiều đơn vị hạn chế chia cổ tức. Tuy nhiên, ngược dòng với bối cảnh chung, vẫn có không ít doanh nghiệp công bố kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ vô cùng hấp dẫn cho năm 2023 và cả cho năm 2024.

Trong đó, Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa (mã chứng khoán: VCF) có lẽ là cái tên sáng giá nhất. Đây là một trong những doanh nghiệp có có cổ phiếu đắt nhất sàn chứng khoán và truyền thống chia cổ tức rất cao cho cổ đông. Cụ thể, công ty lên kế hoạch chia cổ tức cho năm 2023 với tỷ lệ 250%, tương ứng 25.000 đồng/cổ phiếu, với tổng số tiền dự chi là hơn 664 tỷ đồng.

Trong lịch sử, Vinacafé Biên Hòa từng có nhiều lần chi trả cổ tức "khủng" cho cổ đông. Giai đoạn 2020 - 2021, công ty này cũng trả cổ tức ở mức 25.000 đồng/cổ phiếu. Đỉnh điểm, cổ tức năm 2017 lên đến 66.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện, Công ty TNHH MTV Masan Beverage (công ty con của Masan Group) đang là cổ đông lớn nhất của Vinacafé Biên Hòa khi nắm giữ tới 98,49% vốn. Theo đó, Masan có thể hưởng lợi lớn trong đợt chia cổ tức này.

anh-chup-man-hinh-2024-04-19-luc-235011-4809.png
Thị giá cổ phiếu VCF trong thời gian qua

Nhìn lại năm 2023, doanh nghiệp cà phê này ghi nhận doanh thu thuần lên đến 2.353 tỷ đồng và lãi sau thuế 450 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 41% so với thực hiện 2022. Công ty cho biết do tăng trưởng doanh số từ ngành hàng cà phê hòa tan và nước tăng lực, cùng với việc tiết giảm chi phí đầu vào giúp lợi nhuận tăng.

Tương tự, Công ty Cổ phần Cảng Xanh Vip (mã chứng khoán: VGR) vừa thông báo chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 2/2023 bằng tiền với tỷ lệ thực hiện là 60%, tương đương 6.000 đồng/cổ phiếu. Với gần 63,3 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính doanh nghiệp cần chi khoảng 380 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này.

Dù mức cổ tức cao nhưng thực tế, những người “vui” nhất là 2 cổ đông lớn của VGR, gồm công ty mẹ Công ty Cổ phần Container Việt Nam (mã chứng khoán: VSC) và doanh nghiệp vận tải Đài Loan (Trung Quốc) Evergreen Marine Corporation. Hai cổ đông này nắm hơn 96% vốn điều lệ của VGR, trong đó VSC gần 74,4%, tức khoảng 47 triệu cổ phiếu; còn Evergreen nắm hơn 21,7%, tương đương gần 13,8 triệu cổ phiếu. Với tỷ lệ này, các cổ đông lớn sẽ nhận được tương ứng gần 283 tỷ đồng và hơn 82 tỷ đồng.

anh-chup-man-hinh-2024-04-19-luc-234941-8706.png
Thị giá cổ phiếu VGR trong thời gian qua

Trước đó, VGR đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 vào cuối tháng 5/2023 với tỷ lệ 10%. Ban đầu, doanh nghiệp dự định trả cổ tức 2023 với tổng tỷ lệ 40% nhưng đã quyết định nâng lên 70% theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 công bố vào ngày 14/3 vừa qua. Toàn bộ số tiền được trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến hết ngày 31/12/2023 gần 567 tỷ đồng.

Trước đó, kết quả kinh doanh năm 2023 cho thấy VGR doanh thu thuần doanh nghiệp đạt gần 896 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn và các chi phí đồng loạt tăng khiến lợi nhuận trước thuế VGR đạt 307,5 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 2%. Kết quả, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp đạt 271,4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã chứng khoán: RAL) cũng thông qua việc tạm ứng cổ tức đợt 2/2023 bằng tiền, với tỷ lệ 25%, tương đương 2.500 đồng/cổ phiếu. Với hơn 23,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Rạng Đông cần chi gần 59 tỷ đồng để hoàn tất.

anh-chup-man-hinh-2024-04-19-luc-234737-3915.png
Thị giá cổ phiếu RAL trong thời gian qua

Trước đó, cuối tháng 8/2023, Rạng Đông đã thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 với cùng tỷ lệ 25% bằng tiền mặt. Như vậy, tổng mức chia cổ tức năm 2023 qua 2 đợt tạm ứng là 50%, với tổng số tiền dự kiến gần 118 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp (từ năm 2017) công ty duy trì mức chia cổ tức này cho cổ đông.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2023, Rạng Đông ghi nhận doanh thu thuần hơn 8.316 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 584 tỷ đồng, đều tăng 20% so với năm trước. Đây cũng là năm Rạng Đông có kết quả kinh doanh cao kỷ lục kể từ khi niêm yết HOSE năm 2006.

Còn cổ đông của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Tây (mã chứng khoán: WSB) cũng sắp nhận được cổ tức cao ngất ngưỡng. Cụ thể, WSB mới có thông báo chốt quyền quyết toán nốt cổ tức 2023 bằng tiền với tỷ lệ thực hiện 30%, tương đương 3.000 đồng/cổ phiếu. Với 14,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính WSB cần chi khoảng 44 tỷ đồng để hoàn tất đợt trả cổ tức này.

anh-chup-man-hinh-2024-04-19-luc-234906-3894.png
Thị giá cổ phiếu WSB trong thời gian qua

Nếu tính luôn việc tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 10%, tổng mức chia cổ tức cho năm 2023 của WSB lên tới 40% và là mức chi mạnh tay nhất 3 năm qua kể từ 2021.

WSB được thành lập năm 2006, trên cơ sở hợp nhất 2 đơn vị là Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Cần Thơ và Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Sóc Trăng. Từ khi giao dịch trên UPCoM năm 2010, công ty có lịch sử trả cổ tức tiền mặt đều đặn hàng năm cho cổ đông, tỷ lệ trung bình khoảng 30%.

Phần lớn cổ tức sẽ chảy về túi công ty mẹ là Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán: SAB) - sở hữu 70,55% vốn WSB. Tiếp theo là quỹ AFC Vietnam Fund nắm 7,22%.

Theo báo cáo tài chính năm 2023, WSB ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 877 và 83 tỷ đồng.

ĐIỂM CHUNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TRẢ CỔ TỨC KHỦNG

Có thể nhận thấy, hầu hết các doanh nghiệp có truyền thống chia cổ tức khủng hàng năm đều có điểm chung là thuộc nhóm sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu. Vì vậy, dẫu bối cảnh chung của nền kinh tế có gặp nhiều khó khăn thì hoạt động sản xuất và kinh doanh của các đơn vị này cũng không chịu ảnh hưởng quá lớn. Nhất là các công ty sản xuất các mặt hàng thiết yếu với sản phẩm đầu ra tiêu thụ ổn định, dòng tiền được duy trì ổn định sẽ duy trì được chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt cao.

Bên cạnh đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp này đều thuộc nhóm có thị giá cao trên sàn chứng khoán. Điển hình như cổ phiếu VCF của Vinacafé Biên Hòa hiện đang giao dịch quanh mức 224.00 đồng/cổ phiếu, tăng 22% so với hồi đầu năm 2024. Hay cổ phiếu RAL đang ghi nhận ở mức 131.000 đồng/cổ phiếu, tăng 21% so với thời điểm đầu năm. Còn cổ phiếu VGR đang dao động trong khoảng 57.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 60% so với đầu năm. Tương tự, cổ phiếu WSB cũng đang neo ở mức 47.000 đồng/cổ phiếu.

Một điểm chung nữa có thể dễ nhận thấy là các doanh nghiệp này có lượng cổ đông rất cô đặc và chủ yếu là cổ đông tổ chức. Như phía trên đã nói, Công ty TNHH MTV Masan Beverage nắm tới 98,49% vốn điều lệ của Vinacafé Biên Hòa. Còn tại VGR, hai cổ đông lớn nhất nắm hơn 96% vốn điều lệ, trong đó công ty mẹ là Công ty Cổ phần Container Việt Nam nắm gần 74,4%, kế tiếp là Công ty Vận tải Evergreen Marine Corporation nắm hơn 21,7%. Về phía WSB, công ty mẹ là Sabeco chiếm 70,55% vốn WSB và quỹ AFC Vietnam Fund giữ 7,22%.

Chính vì vậy, các cổ đông lớn này vừa là bên có tiếng nói quyết định đến chính sách chia cổ tức hàng năm của doanh nghiệp, vừa là bên hưởng lợi lớn nhất từ mức chi trả cổ tức cao trong nhiều năm của chính doanh nghiệp.

Đồng thời có thể nhận thấy, những cổ phiếu nêu trên dường như không phải là “món khoái khẩu” của các nhà đầu tư cá nhân. Điều này có thể giải thích bởi thanh khoản trên thị trường chứng khoán của các công ty này hầu hết ở trạng thái thấp, không có nhiều giao dịch do cơ cấu cổ đông cô đặc cùng với thị giá cổ phiếu liên tục duy trì ở mức cao.

Trên thực tế, khác với các cổ đông tổ chức muốn đầu tư lâu dài vào doanh nghiệp, các cổ đông cá nhân phần lớn chỉ thích lướt sóng ngắn hạn, ăn chênh lệch giá mua bán cổ phiếu hơn là tìm kiếm những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ổn định và duy trì chính sách chia cổ tức hấp dẫn trong nhiều năm.

Một điểm đáng lưu ý nữa là phần đa các doanh nghiệp chia cổ tức khủng nêu trên luôn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống, không có kế hoạch tái đầu tư, gần như thiếu các chiến lược, mở rộng đầu tư vào những lĩnh vực mới nên tốc độ tăng trưởng trong tương lai thấp, do đó giá cổ phiếu sẽ ít biến động.

Chính vì vậy, một bộ phận nhà đầu tư lại không mấy mặn mà với nhóm “an phận” này, mà chỉ có hứng thú tìm kiếm những cổ phiếu tăng trưởng và đột phá. Còn một số bộ phận khác thì cho rằng nếu lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp chịu sự cạnh tranh khốc liệt, việc hạn chế đầu tư mở rộng có thể khiến doanh nghiệp đối mặt nguy cơ lợi nhuận chuyển từ bão hòa sang suy giảm, dòng cổ tức vì thế sẽ giảm xuống trong tương lai.

Song cũng có nhiều quan điểm trái chiều đưa ra, việc chỉ tập trung kinh doanh ở những lĩnh vực cốt lõi, vốn là thế mạnh của doanh nghiệp, cũng là một lựa chọn chiến lược phù hợp, đặc biệt trong những giai đoạn nền kinh tế chứa đựng nhiều rủi ro. Trong khi nền kinh tế chung vẫn còn nhiều khó khăn thì vẫn có không ít doanh nghiệp “ăn nên làm ra”, đó là tín hiệu tích cực. Các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt mới phân phối lợi nhuận cho cổ đông bằng tiền.

Trong bối cảnh mọi kênh đầu tư đều gặp khó, mạo hiểm hay an toàn đều phụ thuộc vào “khẩu vị” của các nhà đầu tư, song, cơ hội tồn tại trong rủi ro thường không dành cho số đông, vì vậy nhà đầu tư cần tận dụng tối đa nguồn vốn và cẩn trọng trong quyết định đầu tư.

Xem thêm

Soi sức khoẻ tài chính các “ông lớn” môi giới bất động sản

Soi sức khoẻ tài chính các “ông lớn” môi giới bất động sản

Những doanh nghiệp lớn trong ngành môi giới bất động sản đua nhau báo doanh thu và lợi nhuận sụt giảm trong năm 2023. Tuy nhiên, sang năm nay, nhiều chuyên gia cho rằng ngành này sẽ có bước "chuyển mình" nhờ thị trường bất động sản đã "ấm" lên, nhu cầu mua nhà tăng và vấn đề pháp lý được gỡ khó...

Có thể bạn quan tâm

Những "ông hoàng" tiền mặt trên sàn chứng khoán Việt

Những "ông hoàng" tiền mặt trên sàn chứng khoán Việt

Nhiều doanh nghiệp đang sở hữu lượng tiền mặt khổng lồ lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Điều này giúp họ thu về khoản lãi tiền gửi lớn, con số tương đương với lợi nhuận ròng cả năm mà nhiều doanh nghiệp khác phải nỗ lực đạt được...

Nvidia và Walmart giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm, giá dầu đi ngang

Nvidia và Walmart giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm, giá dầu đi ngang

Hai trong ba chỉ số chính của Phố Wall đều ghi điểm nhờ sự bứt phá mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu công nghệ và các nhà đầu tư háo hức chờ đợi báo cáo tài chính từ Nvidia. Trong khi đó, cổ phiếu Walmart cũng tăng mạnh sau khi nhà bán lẻ nâng dự báo doanh thu hàng năm…

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

Nasdaq và S&P 500 đã khép lại phiên giao dịch thứ Hai với mức tăng nhẹ, hồi phục một phần tổn thất sau nhiều phiên giảm trước đó. Các nhà đầu tư hiện đang háo hức chờ đợi báo cáo lợi nhuận quý của Nvidia…

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

Sau khi nâng vốn lên 19.613 tỷ đồng, TCBS vươn lên vị trí dẫn đầu trong ngành chứng khoán về vốn điều lệ, vượt qua Chứng khoán SSI. Tuy nhiên, “ngôi vương” này có thể sẽ sớm đổi chủ khi SSI đang triển khai chào bán 151,1 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 18.130 tỷ đồng lên 19.641 tỷ đồng...