Chứng khoán LPBank và Tập đoàn Thaigroup chính thức rót vốn vào công ty “bầu Đức”

Sau giao dịch, Chứng khoán LPBank và Tập đoàn Thaigroup lần lượt tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty bầu Đức từ 0% lên 4,73% và 4,92% vốn điều lệ…

Chứng khoán LPBank và Tập đoàn Thaigroup chính thức rót vốn vào công ty “bầu Đức”
Chứng khoán LPBank và Tập đoàn Thaigroup chính thức rót vốn vào công ty “bầu Đức”

Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) vừa thông qua kết quả chào bán 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp.

Theo đó, nhà đầu tư cá nhân Lê Minh Tâm đã mua 28 triệu cổ phiếu, Công ty Cổ phần Chứng khoán LPBank mua vào 50 triệu cổ phiếu và Công ty Cổ phần - Tập đoàn Thaigroup mua vào 52 triệu cổ phiếu. Qua đó hoàn tất đợt chào bán với tỷ lệ 100%, thu về 1.300 tỷ đồng.

Số tiền thu được dự kiến được Hoàng Anh Gia Lai dùng để thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu (330,5 tỷ đồng); cơ cấu lại các khoản nợ vay tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong cho công ty con - Công ty Cổ phần Gia súc Lơ Pang (269,5 tỷ đồng); và bổ sung nguồn vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty - Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai (700 tỷ đồng).

Sau giao dịch, Chứng khoán LPBank đã tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty bầu Đức từ 0% lên 4,73% vốn điều lệ; Thaigroup nâng sở hữu từ 0% lên 4,92% và nhà đầu tư Lê Minh Tâm sở hữu 2,65% vốn.

Được biết, các nhà đầu tư mua vào cổ phiếu HAG đợt này đều có liên quan tới ngân hàng LPBank. Trong đó, Công ty Chứng khoán LPBank hiện thuộc ngân hàng LPBank. Còn Tập đoàn Thaigroup do ThaiHoldings sở hữu 81,6% vốn. Thaiholdings là công ty do ông Nguyễn Đức Thụy từng làm chủ tịch. Đến năm 2020, ông Nguyễn Đức Thụy rời Thaiholdings và trở thành Chủ tịch ngân hàng hàng LPBank.

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây Hoàng Anh Gia Lai và LPBank đã hợp tác nhiều lĩnh vực. Trước đó, vào đầu tháng 3 vừa qua, Hoàng Anh Gia Lai và LPBank đã ký kết hợp đồng tài trợ 5.000 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được LPBank giải ngân theo các giai đoạn khác nhau.

Cụ thể, trong giai đoạn 1, LPBank sẽ giải ngân 3.000 tỷ đồng cho Hoàng Anh Gia Lai đẩy mạnh đầu tư trồng mới, chăm sóc và phát triển 3 sản phẩm chủ lực gồm: chuối, sầu riêng và chăn nuôi heo. Đồng thời, LPBank sẽ cử đại diện tham gia Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai để trực tiếp hỗ trợ, tư vấn, nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động của công ty.

Với nguồn vốn hỗ trợ của LPBank, Hoàng Anh Gia Lai đặt mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới: tăng diện tích sầu riêng lên 2.000 ha và chuối lên 9.000 ha trong năm 2024. Năm 2025, tập đoàn tiếp tục đầu tư để tăng thêm diện tích sầu riêng lên 3.000 ha và hơn 10.000 ha chuối.

Dự kiến đến năm 2026, tổng diện tích vùng trồng chuối, sầu riêng và các loại cây có giá trị kinh tế của tập đoàn này tại Việt Nam, Lào, Campuchia sẽ đạt 25.000 ha.

Với loạt nguồn vốn mới được bổ sung, bầu Đức khẳng định tập này sẽ xử lý hết lỗ lũy kế trong năm nay và dự kiến hết nợ vào năm 2025.

Về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2023, theo báo cáo tài chính kiểm toán, kết thúc năm vừa qua, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.442 tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1.781 tỷ đồng, tăng 58,5% so với năm 2022.

Theo giải trình của Hoàng Anh Gia Lai, lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chuối và heo năm 2023 tăng so với cùng kỳ. Ngoài ra, công ty được miễn giảm lãi vay của Eximbank là những nguyên nhân giúp lợi nhuận 2023 cao hơn năm 2022.

Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán, kiểm toán viên nhấn mạnh đến khoản lỗ lũy kế của Hoàng Anh Gia Lai là hơn 1.669 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2023, nợ ngắn hạn của Hoàng Anh Gia Lai đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền gần 942 tỷ đồng.

“Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn”, Ernst & Young nhấn mạnh.

Phản hồi về nghi ngờ của kiểm toán, Hoàng Anh Gia Lai cho biết tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán, công ty đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông, tiền đi vay các ngân hàng thương mại và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai.

Trong năm 2023, Hoàng Anh Gia Lai đã tất toán được một số khoản vay lâu năm, đồng thời được miễn giảm lãi phải trả với giá trị lớn. Hiện tại, tập đoàn cũng đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay và trái phiếu có liên quan, đàm phán tái cơ cấu một số khoản nợ quá hạn. Theo đó, tập đoàn kỳ vọng có thể hoàn trả các khoản nợ đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo.

Với những lý do trên, Ban Tổng giám đốc tập đoàn kỳ vọng có thể hoàn trả các khoản nợ đến hạn và tiếp tục hoạt động trong các kỳ kế toán tiếp theo.

Một thông tin đáng chú ý khác, mới đây Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai vừa quyết định dời lịch họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 đến ngày 10/5, thay vì tổ chức vào tháng 4 như thông báo trước đó. Lý do thay đổi thời gian họp để Hoàng Anh Gia Lai có thêm thời gian hoạch định chiến lược theo tình hình mới.

img-2373-3479.jpeg
Thị giá cổ phiếu HAG trong thời gian gần đây

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 19/4, cổ phiếu HAG đóng cửa ở mức 11.800 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hoá của công ty trên thị trường đạt khoảng 10.943 tỷ đồng.

Xem thêm

Chứng khoán "nhuộm" sắc đỏ, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro và bán giảm vị thế

Chứng khoán "nhuộm" sắc đỏ, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro và bán giảm vị thế

Nhiều khả năng VN-Index vẫn bỏ ngỏ quán tính giảm điểm trong khi tâm lý tiêu cực vẫn đang lấn át hầu hết thị trường. Nhà đầu tư được khuyến nghị hạn chế mua mới đối với các vị thế đang nắm giữ, ưu tiên quản trị rủi ro và bán giảm vị thế, cơ cấu lại danh mục trong các nhịp hồi phục sớm...

Có thể bạn quan tâm