“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản chuyển biến tích cực”

Đây là nhận định của ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi báo cáo lên Chính phủ…
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chuyển biến tích cực

Ngày 5/5, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo về và 4 tháng năm 2023; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, những kết quả đạt được là tích cực, nhiều chỉ tiêu của tháng 4 đã có chuyển biến, có tín hiệu và xu hướng khả quan, đạt kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, CPI tháng 4 giảm 0,34% so với tháng trước, chỉ tăng 2,81% so với cùng kỳ và có xu hướng giảm dần. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ. Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 984.000 lượt người, tăng 9,9% so với tháng trước và gấp 9,7 lần cùng kỳ 2022.

Ngoài ra, cán cân thương mại duy trì xuất siêu, tháng 4 ước đạt 1,51 tỷ USD, cao hơn mức xuất siêu của tháng 3 (1,39 tỷ USD). Chỉ số IIP ước tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ, trong đó IIP ngành chế biến, chế tạo đã có mức tăng nhẹ, 0,2% trong khi tháng 3 giảm 1,6%.

Đăng ký doanh nghiệp tháng 4 chuyển biến tích cực hơn với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt gần 16.000 doanh nghiệp, nhiều hơn tháng trước 12,3% về số doanh nghiệp và 6,2% về vốn,…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kết quả đạt được trong tháng 4 đã đóng góp quan trọng vào kết quả chung của 4 tháng đầu năm 2023. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, chủ động điều hành chính sách tiền tệ; hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường, bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì, một số lĩnh vực có mức tăng khá…

Bên cạnh đó, các vấn đề tồn đọng như dự án thua lỗ, ngân hàng yếu kém tiếp tục được tập trung tháo gỡ; thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản đã bước đầu có chuyển biến tích cực. 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, sau gần 2 tháng ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 24,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 97% khối lượng kể từ đầu năm 2023).

Một số doanh nghiệp đã đàm phán với nhà đầu tư để kéo dài kỳ hạn hoặc chuyển khoản nợ sang tài sản khác. Một số dự án bất động sản tại TP.HCM, Bình Dương,… đã được tháo gỡ vướng mắc kéo dài nhiều năm về tiền sử dụng đất, thủ tục đầu tư, cấp giấy chứng nhận…

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết diễn biến bất lợi, khó lường của thế giới tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư,… hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… vẫn còn gặp khó khăn. 

Thêm vào đó, điều hành kinh tế vĩ mô tiếp tục chịu nhiều áp lực. Thị trường trong nước còn nhiều dư địa nhưng chưa được khai thác hết hiệu quả. Rủi ro dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến trái quy luật, khó dự báo...tiếp tục là những vấn đề cần quan tâm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng tình hình trên đòi hỏi các giải pháp điều hành quyết liệt, chủ động, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn; phát huy kết quả đã đạt được trong tháo gỡ các nút thắt, vướng mắc của nền kinh tế, các thị trường; tranh thủ cơ hội, dư địa chính sách để tận dụng thời gian, cơ hội phục hồi kinh tế, phát triển các nhân tố nền tảng, bền vững như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn,...

Về triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đến nay, giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt hơn 86,8 nghìn tỷ đồng.

Về đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã giao toàn bộ kế hoạch vốn là 707.044,2 tỷ đồng, bằng 100% số vốn Quốc hội quyết nghị. Với hoạt động của 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có nhiều chuyển biến, tháng 4 đạt khoảng 37.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần bình quân 3 tháng đầu năm (khoảng 24.000 tỷ đồng/tháng).

Ước thanh toán đến ngày 30/4/2023 là 110.633,6 tỷ đồng, đạt 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (18,48%) tuy nhiên về số tuyệt đối tăng gần 15.000 tỷ đồng (khoảng 16%) so với cùng kỳ năm 2022.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương của 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong 4 tháng khoảng 3.329 tỷ đồng, đạt 13,7% kế hoạch.

Xem thêm

Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách đạt 131,2 nghìn tỷ đồng, tăng 17,9%

Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách đạt 131,2 nghìn tỷ đồng, tăng 17,9%

Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 4 được các Bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 19% kế hoạch. Vốn FDI đăng ký mới ước đạt 4,11 tỷ USD...

Có thể bạn quan tâm