Thiếu kinh tế đêm: Mảng tối của du lịch Đà Nẵng

Đêm ở Đà Nẵng rất thú vị với các quán bar, nhà hàng, quán cafe, Cầu Tình Yêu… nhưng hãy nhớ là phải thưởng thức mọi thứ trước 22h, chỉ trong đêm đầu tiên. Vì ngay sau đó, Đà Nẵng sẽ chìm vào tĩnh lặng, còn nếu ở tiếp đêm thứ 2 thì bạn hoàn toàn thất vọng.
Thiếu kinh tế đêm: Mảng tối của du lịch Đà Nẵng

Chỉ có ánh đèn đêm

Là thủ phủ du lịch miền Trung, Đà Nẵng không ngừng nâng cấp cơ sở hạ tầng, có thể kể đến gói 40 tỷ đồng thay thế hệ thống đèn chiếu sáng trong thành phố. Nhưng cũng có thể nói, cuộc sống về đêm ở Đà Nẵng ngoài những ánh đèn lung linh đó thì gần như ….chẳng có gì.

Đêm Đà Nẵng đa phần được đặc tả bởi …sự yên tĩnh, trừ các tháng hè, khi có lễ hội pháo hoa quốc tế. Du thuyền trên sông Hàn từng thu hút du khách, nhưng bao năm nay vẫn chỉ có lên thuyền đi một vòng sông là kết thúc, không có các hoạt động văn hóa, giải trí đi kèm. Đến 22h gần như đã không còn khách đi du thuyền, dù thời gian đóng cửa dịch vụ này là 23h đêm.

Ít có nơi nào nhiều chợ đêm như Đà Nẵng, từ chợ đêm Helio, chợ đêm Sơn Trà đến chợ đêm Lê Duẩn… Tuy nhiên, “sang” nhất số đó như chợ đêm ở Helio Center cũng dọn hàng, đóng cửa lúc 22h30. Đồ ăn ở đây rất nhiều món nhưng đa phần du khách đều nhận định: không món nào để lại dấu ấn, cũng không có nhiều lý do khiến họ phải trở lại nơi này. Sau 4 năm mở cửa hoạt động, Helio Center vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Lớn nhất trong số các chợ đêm Đà Nẵng có lẽ chợ đêm Sơn Trà. Đây là một chợ đêm di động, ban ngày vẫn là đường đi, từ 17h bắt đầu chặn đường, dọn hàng quán làm chợ đêm. Tận mắt chứng kiến mới thấy, dù du khách có đến tham quan nhưng lượng mua cũng không nhiều. Bởi, tìm đỏ mắt cũng không thấy nổi sản phẩm nào là đặc trưng của Đà Nẵng ở chợ đêm Sơn Trà. Các món hàng bày bán với mức giá bình dân, không rõ nguồn gốc xuất xứ, và na ná những khu chợ khác.

Chị Minh Phương- người dân Đà Nẵng dẫn nhóm bạn Thái Lan sau một vòng tự hào quảng cáo Cầu Tình yêu đầy lãng mạn, chiêm ngưỡng Cầu Rồng phun lửa, Cầu Quay, ngắm toàn cảnh thành phố lung linh trên vòng quay mặt trời Sun Wheel, thì… hành trình kết thúc. Ngoài một vài quán bar, pub nhỏ đang mở nhạc hết công suất dọc đường Bạch Đằng, chị Phương không tìm nổi một điểm vui chơi giải trí nào lúc 23h.

“Không phải người Đà Nẵng muốn đi ngủ sớm, mà vì ở Đà Nẵng không có điều kiện để “được” ngủ muộn. Nhiều lúc nói đùa với tụi nước ngoài là ở đây không có nightlife (cuộc sống về đêm) chỉ có afternoonlife (cuộc sống về chiều) thôi”, chị Phương nửa đùa nửa thật nói.

Thiếu kinh tế đêm, khó giữ chân du khách

Thiếu kinh tế đêm: Mảng tối của du lịch Đà Nẵng ảnh 5

Nói về những điểm vui chơi, giải trí đêm ở Đà thành, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Tiên Phong (Tiên Phong Travel) nói: “Đêm Đà Nẵng chỉ có ăn nhậu, cuối tuần có trình diễn ở Cầu Rồng cũng chỉ 15 đến 30 phút là hết. Có một vài chợ đêm nhưng hàng hóa lèo tèo, chất lượng không đảm bảo nên chưa thể hấp dẫn du khách. Thế nên dù là khách đoàn hay khách lẻ thì ban đêm họ vẫn thích di chuyển đến Hội An để trải nghiệm”. Bởi thế, các doanh nghiệp lữ hành khó có cách nào kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại Đà Nẵng.

Những quán bar, club như  Sky36, Billabong Pub & Restaurant, Golden Pine Pub Da Nang, New Phuong Dong, TV… được coi là hoạt động muộn nhất của đêm Đà Nẵng, nhưng cũng chỉ đến khoảng 1h sáng.

Đến từ Vương Quốc Anh, anh Matthew Doddy cùng nhóm bạn đã lựa chọn Đà Nẵng cho chuyến xả hơi sau khi hoàn thành một dự án quan trọng. Ấn tượng với Đà Nẵng bao nhiêu, thì đêm xứ Đà Thành lại khiến Matthew đôi phần hụt hẫng: “Buổi tối ở đây kết thúc nhanh quá. Mình còn chưa kịp khám phá hết đặc sản thì các quán ăn đã đóng cửa hết. Chỉ còn một vài quán bar mở qua 12h. Nhưng không phải ai cũng thích đi bar.”

Buộc du khách đi ngủ sớm, Đà Nẵng đã bỏ lỡ nguồn doanh thu khổng lồ cho thành phố. Theo phân tích của ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vietcircle: “Trong chuỗi giá trị du lịch, dịch vụ ăn chơi, mua sắm chiếm tới khoảng 80% tổng chi tiêu của du khách và chính là phân khúc để địa phương “hốt bạc”. Nếu đẩy được dịch vụ vui chơi, giải trí ban đêm, Đà Nẵng sẽ giữ chân khách được lâu hơn, thu được nhiều ngoại tệ từ du lịch hơn”. Vậy mà mỏ vàng từ du lịch đêm đã gần như bị “bỏ quên” suốt thời gian qua - một sự uổng phí lớn với Đà Nẵng.      

Và thực tế, Đà Nẵng đang phải đối mặt với tình trạng: tăng trưởng lượng khách nhưng giảm doanh thu và số ngày lưu trú. Đây là thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để thành phố sông Hàn nghiên cứu về kinh tế ban đêm và triển khai một cách bài bản, huy động các nhà đầu tư lớn tham gia. Với hạ tầng cơ sở và những lợi thế sẵn có, việc xoay chuyển tình thế, tìm cách hút tiền nhờ dịch vụ kinh doanh và các hoạt động giải trí về đêm của Đà Nẵng là hoàn toàn trong tầm tay.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…