Thủ tướng chỉ rõ 10 nhiệm vụ trọng tâm trong quy hoạch tổng thể quốc gia

Sáng 20/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị công bố và triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050…
quy hoạch tổng thể quốc gia
Thủ tướng chỉ rõ 10 nhiệm vụ trọng tâm trong quy hoạch tổng thể quốc gia. Ảnh minh họa

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) có ý nghĩa rất quan trọng và được xây dựng dựa trên định hướng QHTTQG đã được Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XIII thông qua.

10 nhiệm vụ trọng tâm

Tại hội nghị công bố và triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó lưu ý một số trọng tâm

Thứ nhất, phải quán triệt nội dung của QHTTQG để thực hiện trong từng cơ quan, đơn vị, rà soát, cập nhật và cụ thể hóa các nội dung của QHTTQG. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện QHTTQG để phân công nhiệm vụ cụ thể.

Thứ hai, ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả QHTTQG, nhất là tập trung nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai các dự án theo Nghị quyết số 81.

Thứ ba, về cơ chế, chính sách, các cơ quan ban ngành cần xây dựng cơ chế, chính sách theo hướng tăng cường phân cấp huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư ở Trung ương và địa phương. Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các vùng động lực, phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên và chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cơ sở đào tạo các ngành ưu tiên gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Thứ tư, về thu hút đầu tư phát triển, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện khung khổ luật pháp, chính sách phát triển các loại thị trường vốn. Bên cạnh đó, là đổi mới mạnh mẽ chính sách và cách thức thu hút đầu tư nước ngoài và chuẩn bị đồng bộ các điều kiện như hạ tầng, thể chế, nhân lực...

Đồng thời, huy động vốn vay nước ngoài với lãi suất ưu đãi, phù hợp để ưu tiên đầu tư cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, thút các doanh nghiệp lớn có uy tín, năng lực tài chính.

Thứ năm, về phát triển nguồn nhân lực tập trung phát triển nguồn nhân lực bền vững, bảo đảm cân đối tổng thể, hài hòa với định hướng phân bố dân cư. Thu hút và sử dụng hiệu quả trí tuệ, nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ sáu, chăm lo công tác an sinh xã hội tiến tới hoàn thiện cơ sở pháp lý, các chính sách và giải pháp bảo đảm an sinh xã hội. Quan tâm đầu tư các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn. Từng bước phát triển khu vực khó khăn thông qua xây dựng hạ tầng kết nối khu vực với các hành lang kinh tế, kết nối các khu vực biên giới khó khăn với phát triển các khu kinh tế cửa khẩu.

Thứ bảy, về khoa học, công nghệ và môi trường, sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở nâng cao năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Lựa chọn và tập trung triển khai nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ cho một số ngành, lĩnh vực then chốt.

Thứ tám, về nguồn lực tài chính thực hiện quy hoạch tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, chi đầu tư công theo hướng trọng tâm, trọng điểm và không dàn trải, nâng cao hiệu quả, hiệu lực phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy nhanh thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước không thuộc danh mục mà Nhà nước cần nắm giữ và giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải.

Thứ  chín, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, tổ chức tài chính, cơ quan tài trợ. Chủ động thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, nhất là tạo điều kiện tiếp cận thuận lợi hơn nữa với các thị trường lớn, quan trọng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), phát huy tối đa lợi ích mà các FTA thế hệ mới mang lại mà Việt Nam là thành viên.

Thứ mười, bảo đảm quốc phòng, an ninh chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến; nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên từng vùng lãnh thổ, trên các địa bàn chiến lược, các khu kinh tế - quốc phòng phù hợp với chiến lược, đề án quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và vùng ven biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh trên biển nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Thực hiện có hiệu quả, thực chất, toàn diện

Để QHTTQG được thực hiện nhanh chóng, hiện đại và toàn diện và đạt được các nhiệm vụ trọng tâm. Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 81.

Quy hoạch tổng thể quốc gia
 Hội nghị công bố và triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050

Các cơ quan trên cần khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ được giao chủ trì ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 81, trình cấp có thẩm quyền theo đúng thời hạn yêu cầu.

Trong đó xác định rõ, đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, tiến độ thực hiện, dự kiến kết quả đầu ra đối với từng nhiệm vụ và phân công các đơn vị thực hiện và người lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị khẩn trương hoàn thành việc lập, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong năm 2023, đảm bảo phù hợp, thống nhất và đồng bộ với QHTTQG.

Các cơ quan này phải chỉ đạo việc rà soát các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch. Kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu, các cơ quan Bộ, ngành thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, định kỳ hằng năm, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện bằng văn bản, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh, những vấn đề khó khăn cần tháo gỡ.

Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia và các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong quy hoạch.

Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát các Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao, định kỳ hằng năm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Việc làm quy hoạch đã khó, nhưng tổ chức thực hiện còn khó hơn nữa. Việc triển khai và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu của QHTTQG là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, cần quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cấp chính quyền. Chính phủ mong nhận được sự quan tâm phối hợp chỉ đạo của các cơ quan cũng như sự quan tâm, đồng hành của các đối tác phát triển, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp, toàn xã hội và tất cả người dân". 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm