Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống ngân hàng

Thủ tướng vừa có quyết định thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, để thực hiện hiệu quả hơn đề án cơ cấu lại các ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu...
Thủ tướng làm trưởng Ban chỉ đạo cơ cấu lại các ngân hàng
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm trưởng Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống ngân hàng

Theo đó, Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo công tác tại Ban chỉ đạo. Đồng thời, hỗ trợ cho Thủ tướng gồm Phó Trưởng ban thường trực là Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Phó Trưởng ban khác là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Các thành viên trong ban gồm các lãnh đạo cấp Thứ trưởng, Phó Trưởng ban, Phó Chủ tịch của nhiều bộ, ban ngành như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

Mục đích chính của Ban chỉ đạo là cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Thực hiện các mục tiêu, định hướng đã được đưa ra tại quyết định 689 về đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp xử lý những vấn đề quan trọng, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 689 và các vấn đề vượt thẩm quyền Bộ, ngành.

Mục tiêu đến 2025 giảm số lượng các tổ chức tín dụng, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới.

Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 được ban hành cuối năm 2022, với nội dung trọng tâm là đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các ngân hàng đã bán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém).

Đề án cũng nêu yêu cầu nâng cao năng lực tài chính của tổ chức tín dụng; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ngân hàng ở mức 1,92%. Nhưng theo số liệu từ báo cáo tài chính quý 4/2022 của 27 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán, nợ xấu có chiều hướng tăng.

Cụ thể, dư nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2022 đã tăng đến 35% so với hồi đầu năm, lên trên 136.400 tỷ đồng. Có 13/27 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng lên, 11/27 ngân hàng giảm xuống. Tỷ lệ nợ xấu trung bình năm 2022 của 27 ngân hàng đã tăng gần 0,7 điểm % so với cùng kỳ năm 2021.

Công ty Chứng khoán Yuanta nhận định, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành sẽ tăng nhẹ vào năm 2023, một phần do Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu thời gian trả nợ hết hiệu lực. Phần khác do rủi ro từ kinh tế vĩ mô thế giới ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, nợ xấu còn có thể tăng lên do các vấn đề liên quan đến ngành bất động sản, khi các điều kiện thanh khoản bị thắt chặt. Theo đó, hàng loạt “ông lớn” trong ngành bất động sản như Hưng Thịnh Land, Novaland… cho rằng khó khăn đang tác động tiêu cực đến dòng tiền và nghĩa vụ trả nợ ngân hàng. Nếu không có cải thiện về dòng tiền, thì khả năng nhảy nhóm nợ rất dễ xảy ra.

Có thể bạn quan tâm