Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sẽ sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn visa (thị thực) và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng.
Đồng thời, ngành du lịch cần, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia trong thúc đẩy kết nối, thu hút các thị trường khách lớn, tiềm năng theo nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Thủ tướng giao cho Bộ Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đại diện ở nước ngoài tích cực chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam ở nước sở tại, việc này rất cần thiết trong bối cảnh chưa có Văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Chỉ đạo các cơ quan giải quyết thủ tục visa thuận tiện theo quy định, chống tiêu cực, tham nhũng và đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về ngoại giao kinh tế.
Cũng tại hội nghị ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group đã đề xuất hai giải pháp cải cách chính sách visa tại Việt Nam.
Thứ nhất, các bộ, ngành sớm xem xét phân tích, đánh giá, trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội để sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Xuất nhập cảnh. Ông mong muốn các quy trình được rút gọn chỉ trong 1 kỳ họp là xong và có thể có hiệu lực ngay trong năm 2023.
Cụ thể, các nội dung cần sửa đổi là tăng thời hạn thị thực đối với khách du lịch quốc tế 90-180 ngày, thời gian tạm trú từ 30-45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần; đối với các quốc gia đơn phương miễn thị thực nhập cảnh, tăng từ 15 ngày lên 30-45 ngày và cho nhập cảnh nhiều lần.
Thứ hai, Chính phủ cần nghiên cứu đề xuất gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm.
Ví dụ như hiện nay, thị trường Australia chi tiêu 4 tỷ USD/1 năm để đi du lịch, hay Canada trên 33 tỷ USD, hoặc các nước Bắc Âu như Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ chi từ 21 đến 26 tỷ USD, xếp trên cả Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, những nước hiện nay thuộc chính sách được miễn visa.
“Trước đó, ngày 4/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 143 giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì đề xuất giải pháp nghiên cứu mở rộng đối tượng miễn visa nhập cảnh đơn phương. Tôi rất mong muốn trong thời gian tới sớm ban hành nghị quyết về vấn đề này, để chúng ta đón du khách, thực hiện mong muốn đón 8 triệu khách, thậm chí còn hơn trong năm 2023”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sun Group chia sẻ.
Đồng ý kiến với đại diện Sun Group, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG chia sẻ, đối với vấn đề visa, đề nghị tăng hạn visa từ 2 đến 4 tuần cho khách có thời gian đi du lịch nhiều hơn, chi nhiều tiền cho du lịch để doanh thu du lịch của Việt Nam được tăng hơn.
Trước đó, như ThuonggiaOnline đã đưa, năm 2022 ngành du lịch đã hoàn thành được chỉ tiêu về khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt, vượt chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm, tiếp tục khẳng định du lịch nội địa đã làm bệ đỡ cho du lịch quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, góp phần vào tăng trưởng của đất nước. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,6 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.
Trong 2 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu lượt, bằng 50% so với lượng khách cả năm 2022; khách nội địa đạt 20 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85,6 nghìn tỷ đồng.