UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành chương trình hành động về xây dựng Thừa Thiên - Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Trong chương trình hành động này, tỉnh Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành trung tâm du lịch đặc sắc của cả nước, trở thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và thành phố du lịch sạch ASEAN.
Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu xây dựng được 10 cơ sở khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch đạt chuẩn 5 sao; kêu gọi đầu tư 3 - 5 dự án xây dựng cơ sở khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch đạt chuẩn 5 sao.
Bên cạnh đó, ngành du lịch muốn thu hút khoảng 6 triệu lượt khách đến Thừa Thiên - Huế, trong đó khách quốc tế khoảng 45 - 50%. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 13.000 tỷ đồng, thời gian lưu trú bình quân đạt trên hai ngày, chi tiêu bình quân đạt 2,2 triệu đồng/lượt khách.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Cụ thể, tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương về phát triển du lịch thông qua các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch cụ thể; tập trung chuyển đổi số trong ngành du lịch, ưu tiên phát triển theo hướng quản lý, trải nghiệm và quảng bá thông minh; tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch.
Song song với đó, xây dựng các sản phẩm du lịch chủ đạo có thương hiệu trên cơ sở lấy văn hóa Huế làm nền tảng; đổi mới và tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp để mở rộng thị trường; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động du lịch, dịch vụ; hoàn thiện môi trường du lịch và liên kết, hợp tác phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Theo thống kê các cơ sở lưu trú đã xếp hạng của Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế tính đến ngày 3/5/2020, trên địa bàn tỉnh có 6 khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao gồm: Hoàng Cung (Imperial); Khu nghỉ dưỡng Làng Hành Hương; Kinh Thành (La Résidence); Indochine Palace; Laguna Lăng Cô và Vinpearl.
Trước đó ngày 9/4, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư địa bàn Khu kinh tế, Khu công nghiệp năm 2021, định hướng đến năm 2022 gồm 20 dự án. Trong đó, có hai dự án đầu tư du lịch tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô với tổng vốn đầu tư dự kiến 35.000 tỷ đồng.
Cụ thể, dự án Khu du lịch biển Lăng Cô - đầm Lập An tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc diện tích 126 ha. Mục tiêu xây dựng khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 4 - 5 sao với tổng vốn đầu tư dự kiến 10.000 tỷ đồng.
Dự án thứ hai là Khu đô thị, du lịch Cảnh Dương tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc với diện tích 270 ha. Mục tiêu xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 4 - 5 sao với tổng vốn đầu tư dự kiến 25.000 tỷ đồng.