Thực thi UKVFTA: Cần đổi mới phương pháp tiếp cận thị trường Anh

Khác với các nước EU, do thị trường Anh có những quy định riêng nên doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ, đồng thời phải đổi mới phương pháp để tiếp cận.

Những khác biệt từ thị trường Anh

Chia sẻ về những khác biệt của thị trường Anh so với các thị trường khác, bà Tôn Nữ Thục Uyên - Phó Giám đốc, Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp quốc gia về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Văn phòng TBT Việt Nam), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng: trước năm 2021 Anh là thành viên của trong khối Liên minh châu Âu (EU), các quy định của Anh liên quan đến Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) bao gồm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật - tức là những quy định liên quan đến thử nghiệm, chứng nhận đối với sản phẩm, hàng hóa sẽ hài hòa theo quy định của EU.

Tuy nhiên mặc dù rời khỏi EU thì Anh vẫn là một trong những thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tức là Anh sẽ phải thực thi cam kết TBT theo quy định của WTO. Nghĩa là các nước thành viên của WTO khi xây dựng các biện pháp quy định TBT của mình sẽ phải dựa trên các tiêu chuẩn của WTO. Khi không dựa trên tiêu chuẩn của WTO gây cản trở thương mại thì các nước thành viên của WTO, trong đó có Việt Nam có quyền đưa ra những ý kiến phản hồi, bà Uyên cho biết.

Để chứng minh cho những lập luận của mình, vị Phó Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam lấy ví dụ từ EU. Theo đó, từ trước tới nay EU đưa ra nhiều những quy định liên quan đến TBT - tức là xây dựng mới, sửa đổi và bổ sung nhiều biện pháp TBT nhất. Theo thống kê của WTO  từ năm 1995 đến tháng 12/2022 EU đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới khoảng hơn 1900 biện pháp, quy định về TBT. Chính vì vậy, EU là khu vực bị đặt ra nhiều quan ngại về thương mại nhất.

Theo bà Uyên, một quy định rất nổi tiếng của EU liên quan tới Registration Evaluation Authorisation Restriction of Chemical substances (REACH) - Đăng ký, cấp phép và quản lý hóa chất. Quy định REACH này của EU ngay từ khi được thông báo cho WTO năm 2002 đã gặp phải vô số những quan ngại thương mại mà các nước nêu ra đối với quy định này. Các nước tại thời điểm đó đều cho rằng quy định này của EU có một sự tác động rất rộng từ ngành sản xuất ô tô cho đến dệt may và gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp, cũng như Chính phủ và người tiêu dùng. Đến nay quy định này vẫn giữ kỷ lục về số lượng các nước nêu quan ngại thương mại và cũng kỷ lục về thời gian – tức là trong vòng suốt 15 năm, từ năm 2002 đến năm 2017.

Quay trở lại với thị trường Anh, bà Uyên đưa ra nhận định: “Thời gian vừa qua và trong thời gian tới, theo tôi Anh đã và cũng sẽ ban hành rất nhiều những biện pháp, quy định mới để áp dụng tại thị trường Anh”.

bà Tôn Nữ Thục Uyên - Phó Giám đốc, Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp quốc gia về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
Bà Tôn Nữ Thục Uyên - Phó Giám đốc, Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp quốc gia về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Như hồi tháng 6/2022, Anh đã thông báo cho các nước thành viên WTO rằng họ sẽ sửa đổi quy định về an toàn sản phẩm, an toàn đối với sản phẩm. Trong đó yêu cầu một số sản phẩm như máy móc, thiết bị điện tử phải gắn một cái dấu gọi là Dấu chứng nhận đối với Sản phẩm, Hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu vào Thị trường Vương Quốc Anh (UKCA) thay cho quy định Tuân thủ Tiêu chuẩn Châu Âu (CE) của EU kể từ 31/12/2025. Theo đó, từ thời gian kể trên dấu UKCA này phải gắn trên cái sản phẩm, hàng hóa, khi mà hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Anh và thị trường Scotland, bà Uyên thông tin.

Bà Uyên thông tin thêm: “Gần đây, Anh đã thông báo cho các nước thành viên WTO là họ cũng rất nỗ lực xây dựng những quy định và ban hành những quy định mới để làm sao để tránh chi phí cho việc thử nghiệm lại hoặc chứng nhận lại cho doanh nghiệp liên quan đến ghi nhãn sản phẩm, hàng hóa. Theo thông báo của họ, họ dự kiến rằng những quy định vừa nêu sẽ có hiệu lực từ 31/12/2022 tới đây.

Từ những phân tích nói trên, bà Uyên đưa ra lời khuyên đối với các doanh nghiệp là trước đây doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa vào Anh phải đáp ứng các quy định của EU, nhưng giờ đây sẽ phải phân biệt rõ ra đâu là những quy định của EU và đâu là quy định riêng của Anh.

Doanh nghiệp cần đổi mới phương pháp tiếp cận thị trường Anh

Đánh giá về những nước đang đang chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu vào nước Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ - Thương vụ Việt Nam tại Anh đưa ra nhận định: Đối thủ của nhiều sản phẩm Việt Nam tại thị trường Anh tôi nhìn thấy có hai đối thủ lớn nhất là Trung Quốc và Thái Lan. Trung Quốc và Thái Lan đã chiếm lĩnh được một phần rất lớn tại thị trường Anh lâu rồi, vừa chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng, niềm tin của bạn hàng và họ cũng có chất lượng sản phẩm rất tốt.

Doanh nghiệp Việt Nam cần đổi mới phương pháp tiếp cận thị trường Anh
Doanh nghiệp Việt Nam cần đổi mới phương pháp tiếp cận thị trường Anh

Theo ông Cường, nếu như trước đây doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh được với sản phẩm Trung Quốcsản phẩm Thái Lan thì bây giờ tôi thấy về mặt chất lượng sản phẩm, nhiều sản phẩm Việt Nam không hề thua kém sản phẩm Trung Quốc và sản phẩm Thái Lan nữa. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận khách hàng thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn đi sau doanh nghiệp Trung Quốcdoanh nghiệp Thái Lan rất nhiều lần, rất nhiều năm.

Do đó, để tăng xuất khẩu vào thị trường Anh, vị Tham tán Công sứ cho rằng: “cách tốt nhất là mình học kinh nghiệm của chính họ thôi. Ví dụ như nói về tiêu chuẩn kỹ thuật, tất cả các doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu sản phẩm sang Anh họ đều họ đều quảng bá, tự giới thiệu trên trang web của họ là chúng tôi sản xuất theo tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn kia. Chẳng hạn sản phẩm cơ khí hay phụ tùng ô tô… họ đều nói chúng tôi đã sản xuất cho các công ty này của Anh, chúng tôi là nhà cung cấp cho các công ty của Anh”.

Đấy là một phương pháp mà có thể nói là khá hiệu quả. Vì người Anh chúng ta đều biết rồi, họ tương đối thận trọng và nếu về mặt truyền thống ai cũng nói là người Anh là bảo thủ. Điều đó có nghĩa là gì? Họ tương đối thận trọng khi làm ăn, với bạn hàng mới, đối tác mới, thậm chí họ bảo tôi biết được Việt Nam bây giờ cũng đang có rất nhiều loại sản phẩm, nguồn nguồn cung tốt trước rất là nhiều, nhưng mà bây giờ tôi chưa biết các ông, các bà là ai cả. Nếu các ông, các bà đã có bạn hàng tại Đức tại Pháp tại Hà Lan và đã được các bạn hàng bên đó đánh giá tín nhiệm thì tôi sẽ mua hàng của các ông bà, nhưng mà tôi mua thông qua bạn hàng của tôi tại Đức, Pháp, Hà Lan và một số nước khác mà tôi đã biết họ hàng chục năm nay rồi, thậm chí là lâu hơn nữa rồi để chúng tôi đỡ phải lo lắng, băn khoăn về những yếu tố rủi ro, những yếu tố không mong muốn trong vấn đề thời gian giao hàng, quản lý, kiểm soát chất lượng hay là tất cả những vấn đề khác..., ông Cường nói.

Do đó, để được các doanh nghiệp của Anh hợp tác, làm ăn, buôn bán với chúng ta bên cạnh những gợi ý trên, ông Cường cho rằng các doanh nghiệp cần tạo niềm tin cho họ bằng cách nói thêm là nếu các ông, bà mua trực tiếp sản phẩm từ nhà cung cấp của Việt Nam thì ông bà sẽ có thêm lợi nhuận, tại sao lại phải chia sẻ một phần lợi nhuận đấy cho những bạn hàng trung gian...

Ông Cường tiếp lời, đối với các đối thủ tôi vừa nói là Trung Quốc rất mạnh về hàng công nghiệp, Thái Lan thì rất mạnh về nông sản. Nếu trong các nước Đông Nam Á thì Thái Lan là nước chiếm giữ được vị trí số thị phần nông sản của Anh, nhưng giờ các doanh nghiệp của Thái Lan lại rất e ngại nhiều doanh nghiệp của Việt Nam vì Việt Nam cũng xuất khẩu nông sản mạnh, thủy sản mạnh và đang cạnh tranh rất tốt đối với nhiều sản phẩm của Thái Lan.

Ví dụ như gạo Thái thì trước đây mọi người đều nghe nói gạo Thái Lan đứng số một tại châu Âu luôn, nhưng bây giờ họ thấy Việt Nam “đang lên” thì họ rất ngại. Nông sản Việt Nam, trong đó có gạo Việt Nam có lợi thế so với Thái Lan đấy là Việt Nam có Hiệp định thương mại tự do với anh mà Thái Lan chưa có. Theo quan sát của tôi thì Thái Lan còn lâu mới có một Hiệp định thương mại tự do với Anh, lý do từ cả hai phía, ông Cường phân tích.

Vẫn theo ông Cường, trong bối cảnh đấy thì nông sản Việt Nam đang rất có lợi thế. Nhưng để cạnh tranh với nông sản Thái Lan lại cũng phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam. Vì doanh nghiệp Việt Nam không có lợi thế về mặt chiến lược so với các doanh nghiệp Thái Lan. Doanh nghiệp Thái Lan có thể nói là cũng giỏi gần bằng doanh nghiệp Trung Quốc về mặt thương mại, thị trường. Họ có hệ thống phân phối, hệ thống logistics và hệ thống tài chính tốt hơn là doanh nghiệp Việt Nam.

Đấy là một lợi thế của họ và mình không có lợi thế đó thì doanh nghiệp Việt Nam nên học họ, mình phải học họ để mình đuổi kịp họ về năng lực chiến lược, về năng lực logistics và hệ thống tài chính thì lúc đó hàng xuất khẩu của Việt Nam mới cạnh tranh tốt hơn với hàng xuất khẩu của Thái Lan và chiếm được nhiều thị phần hơn ở thị trường Anh, vị Tham tán Công sứ đưa ra lời khuyên.

Có thể bạn quan tâm