Thực thi UKVFTA: Vì sao doanh nghiệp chưa tận dụng tốt để xuất khẩu sang Anh?

Sau hơn một năm thực thi UKVFTA kim ngạch xuất khẩu sang Anh tăng trưởng tốt, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng tốt để tăng xuất khẩu sang Anh.

Để có cái nhìn tổng quan hơn về những thuận lợi, khó khăn và việc doanh nghiệp tận dụng cơ hội kể từ khi thực thi UKVFTA đồng thời đưa ra những khuyến nghị đối với các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong thời gian tới về những giải pháp, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Sau hơn 1 năm thực thi, bà đánh giá như thế nào về tác động của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA)?. Hiệu quả mà UKVFTA mang lại đối với thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh cụ thể ra sao?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Chúng ta phải khẳng định một điều là UKVFTA đã mang lại kết quả rất tích cực cho quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Cụ thể, như chúng ta đã thấy năm 2021 kim ngạch xuất khẩu tăng 23% so với năm 2020.

Tất nhiên, năm 2020 có câu chuyện của dịch bệnh, cho nên giảm sút. Nhưng, tôi muốn nhấn mạnh ở chỗ kim ngạch xuất khẩu năm 2021 với sự có mặt của UKVFTA đã bật tăng so với hai năm trước. Đấy chính là một điểm mà tôi đánh giá là tác động tích cực của UKVFTA.

Nhưng cũng có điểm chúng ta chưa đạt được. Bởi vì nói gì thì nói, chúng ta dường như chưa có tăng thêm, mà mới chỉ quay lại được thành tích trong quá khứ thôi.

Năm 2022 này hy vọng chúng ta có thể vượt được lên trên quá khứ, hướng tới tương lai với UKVFTA khi hiện nay kết quả 10 tháng xuất khẩu sang của Việt Nam sang Vương quốc Anh đã đạt 5,2 tỷ rồi. Và chúng ta hy vọng đến cuối năm sẽ có một con số đẹp đẽ hơn và sẽ đạt được một đỉnh mới trong kim ngạch xuất khẩu sang Anh.

Nói về thuận lợi khi thực thi UKVFTA, không thể không nhắc tới một thực tế đó là UKVFTA là một hiệp định tiếp nối Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), sau khi Anh sau sự kiện Brexit tách ra khỏi EU thì hiệp định này tiếp nối và đến 99% các nội dung của UKVFTA giống như EVFTA. Vì thế là rõ ràng cả doanh nghiệp lẫn Chính phủ đã có thời gian chạy đà rất dài với EVFTA trước đó rồi, cho nên cũng quen thuộc hơn với với cả doanh nghiệp lẫn Chính phủ.

Đồng thời chúng ta cũng biết trong việc chúng ta tiếp tục UKVFTA có một điểm tôi đánh giá rất cao, đó là Chính phủ mà đặc biệt là Bộ Công Thương đã có những bước chạy gấp rút để có thể EVFTA có hiệu lực từ mùng 1/8/2020.

Như vậy là không có bất kỳ một khoảng trống nào trong quan hệ thương mại với Anh mà chúng ta tiếp tục thực hiện UKVFTA ngay. Đấy là nỗ lực từ phía Chính phủ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Có thể nói đó là một lợi thế để doanh nghiệp ngay sau thực thi EVFTA thì thực thi tiếp UKVFTA với thị trường Anh luôn.

Kể từ khi thực thi UKVFTA vì sao doanh nghiệp chưa tận dụng tốt để xuất khẩu sang Anh
Kể từ khi thực thi UKVFTA doanh nghiệp chưa tận dụng tốt để xuất khẩu sang Anh

Theo quan điểm của bà, các doanh nghiệp của chúng ta đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình thực thi UKVFTA?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Theo khảo sát của chúng tôi mới đây thì có 18% các doanh nghiệp cho biết họ đã tìm hiểu và biết được những cam kết của UKVFTA. Liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và ở trong quan hệ giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và Bắc Ireland, chúng ta có một lợi thế là các đối thủ cạnh tranh của chúng ta ở trong khu vực Châu Á, đặc biệt trong khu vực Asian chưa có Hiệp định thương mại (FTA) với Vương quốc Anh. Cho nên chúng ta có lợi thế của người đi trước.

Đối với các doanh nghiệp thì trong kinh doanh với Anh cũng có một thuận tiện, đấy là ở phía đối tác Anh họ kinh doanh khá là bài bản, chuyên nghiệp và vì thế chúng ta cũng dễ dàng hơn.

Có một điểm mà so với những thị trường khác có khi cũng thuận lợi với các doanh nghiệp, đấy là Anh họ nói tiếng Anh, một thứ tiếng phổ biến cho nên là các doanh nghiệp sử dụng ngôn ngữ chuẩn để giao dịch cũng thuận lợi hơn. Còn một số những thị trường đặc biệt ở trong EU mà không nói tiếng Anh là doanh nghiệp cũng vất vả lắm.

Nhưng mà nói như thế thì không phải chỉ toàn thuận lợi thôi. Với UKVFTA cũng có những khó khăn vì đây cũng là một hiệp định thế hệ mới, nó cũng phức tạp lắm, để hiểu được cũng không phải dễ dàng.

Có một điểm là thuận lợi nhưng nó cũng đồng thời là khó khăn với doanh nghiệp là doanh nghiệp quen khi kinh doanh với các quy trình, thủ tục chuẩn của EU. Khi Anh tách ra khỏi EU và thiết lập những cơ chế mới, cũng gần giống với EU đấy, nhưng cũng có khác biệt và không phải lúc nào doanh nghiệp cũng nhận diện được.

Hơn nữa trong một tổng thể chung, nếu so sánh với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA dường như sự quan tâm của doanh nghiệp với UKVFTA vẫn còn hạn chế hơn. Theo khảo sát của chúng tôi cho thấy 61% doanh nghiệp chỉ nghe nói đến tên của hiệp định này thôi, mà chưa từng thực sự đi tìm hiểu nó là cái gì và nó có thể mang lại lợi thế gì cho doanh nghiệp.

Trong khi nếu chúng ta nói CPTPP chẳng hạn thì mọi người rất quan tâm. Nhưng thực ra những lợi thế của CPTPP đứng từ góc độ thị trường nó chỉ ở những thị trường mới thôi. So với Anh cũng là tương đương thôi, nhưng mà mọi người dường như là có thói quen quan tâm đến những hiệp định quy mô lớn, mà chưa quan tâm nhiều lắm đến UKVFTA. Đó cũng có thể là một điểm chưa thuận lợi cho lắm.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Theo đánh giá của bà, doanh nghiệp của chúng ta đã đã tận dụng những cơ hội từ UKVFTA như thế nào để gia tăng thị phần và phát triển tại thị trường Anh? Và yếu tố nào khiến doanh nghiệp còn e ngại khi tiếp cận thị trường này?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Rất tiếc chúng tôi chưa có khảo sát nào cụ thể đối với thị trường Anh. Nhưng mà tôi tin là những khó khăn hay những thuận lợi của doanh nghiệp đối với thị trường Anh cũng không khác quá xa so với những khó khăn mà họ gặp phải ở những thị trường có tiêu chuẩn, trình độ phát triển như EU hay thị trường Mỹ.

Nếu nói riêng về việc tận dụng UKVFTA ở thị trường Anh, theo thống kê của Bộ Công Thương năm năm 2021 tức là năm đầu tiên chính thức thực hiện UKTFTA, tỷ lệ kim ngạch sử dụng ưu đãi thuế quan là 17,2%. Nghĩa là trong số 100 đồng chúng ta xuất khẩu đi thị trường Anh có 17,2 đồng là chúng ta tận dụng được các ưu đãi thuế quan.

Tất nhiên không có nghĩa là hơn 80% kim ngạch là không được hưởng ưu đãi thuế quan mà có thể là do chế độ thuế tối huệ quốc (MFN) là thuế chung hoặc là họ đã được hưởng ưu đãi thuế quan rồi.

Tỷ lệ 17,2% này không phải là thấp so với các hiệp định thương mại khác ở năm đầu tiên thực thi. Bởi vì doanh nghiệp còn chưa biết, cho nên nó không phải thấp lắm đâu. Nhưng nếu mà so với EVFTA rõ ràng là thấp hơn.

Trong năm 2021 thống kê theo từng mặt hàng có những mặt hàng chúng ta tăng trưởng rất mạnh sang thị trường Anh, chứng tỏ doanh nghiệp của chúng ta tận dụng được những cơ hội để xuất sang thị trường này ví dụ như sắt, thép hay là cao su hay là rau quả, mây tre, kim loại, gốm sứ… chẳng hạn. Nhưng ngược lại cũng có những sản phẩm mà thế mạnh của chúng ta lại giảm như thủy sản.

Còn điều gì khiến doanh nghiệp hiện nay vẫn e ngại ở thị trường Anh?. Tôi ước là tôi có một khảo sát để tìm được câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi rõ ràng là có những lý do khiến cho doanh nghiệp còn e ngại thị trường này như các quy định, các điều kiện, các yêu cầu về tiêu chuẩn, về vệ sinh an toàn thực phẩm, về tiêu chuẩn chất lượng.

Nhưng quy định là một chuyện, vấn đề mấu chốt là quy trình thủ tục bây giờ Anh không cùng một quy trình với EU nữa mà có sự khác biệt. Rõ ràng là mới và doanh nghiệp phải làm quen lại là cả một sự phức tạp.

Có thể nói chưa bao giờ mà doanh nghiệp Anh và người tiêu dùng Anh biết đến sản phẩm của Việt Nam nhiều như bây giờ. Nhưng nếu so sánh với các thị trường khác, tôi lấy ví dụ thị trường Mỹ chẳng hạn thì hiểu biết của doanh nghiệp Anh hay của người tiêu dùng Anh với sản phẩm Việt Nam còn hạn chế lắm. Do đó, vẫn còn rất nhiều dư địa để chúng ta phát triển.

Theo như chúng tôi được biết có những doanh nghiệp mà họ muốn làm ăn thị trường Anh, nhưng họ chưa có bất kỳ một kết nối nào với thị trường này. Mà chúng ta biết rồi, “buôn có bạn, bán có phường” cho nên kết nối giữa chúng ta với nhau để tiếp cận sang thị trường này vẫn còn những hạn chế nhất định.

Tôi cho rằng là trong bối cảnh chung, tất nhiên khó khăn ở thị trường Anh cũng là khó khăn ở nhiều thị trường khác. Thế nhưng rõ ràng với thị trường Anh chúng ta có một vài điểm còn hơi khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận và rõ ràng sẽ còn phải nhiều việc phải làm để mà khắc phục những khó khăn này.

Thời gian tới, chúng ta cần có những kế hoạch cụ thể nào để có thể giúp doanh nghiệp đáp ứng được tốt hơn nữa yêu cầu của thị trường Anh để tăng cường xuất khẩu, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Từ góc độ theo dõi những FTA, điều đầu tiên tôi nghĩ là doanh nghiệp phải tự giúp mình, tức là doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm hiểu thông tin. Hơn nữa là phải biết cách để có những biện pháp để tiếp cận người tiêu dùng, tiếp cận khách hàng, tiếp cận đối tác phù hợp và xúc tiến thương mại phù hợp.

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của từng doanh nghiệp có lẽ cũng cần nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước và từ Chính phủ để doanh nghiệp có thể tận dụng được.

Tôi lấy ví dụ như câu chuyện về kết nối thị trường hay xúc tiến thương mại ở Thái Lan họ làm rất tốt. Chính phủ Thái Lan đi đầu còn tốt hơn cả doanh nghiệp Thái Lan nữa, vì họ có những biện pháp để xúc tiến thương mại cho các sản phẩm của Thái Lan, tổng thể cho các sản phẩm, chứ không phải từng thương hiệu cụ thể.

Hiện nay thị trường Anh như đã nói cũng tương đối xa lạ với phần lớn các doanh nghiệp của chúng ta. Cho nên việc kết nối thị trường rất quan trọng và chúng tôi rất kỳ vọng ở sự hỗ trợ của các cơ quan để có thể giúp cho doanh nghiệp.

Tôi nghĩ là bằng những nỗ lực của cả doanh nghiệp lẫn các cơ quan quản lý có thẩm quyền, thời gian tới chúng ta có thể có được kết quả tốt hơn trong việc tận dụng UKVFTA và tiến vào thị trường Anh một cách tự tin hơn.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm