Nhiều thành tựu nổi bật sau năm đầu tiên thực thi UKVFTA

Kim ngạch song phương Việt Nam - UK trong năm 2021 đạt 6,61 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng 17,24%.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) được ký chính thức tại Luân Đôn, Vương quốc Anh (UK) ngày 29/12/2020, được áp dụng tạm thời từ ngày 01/01/2021, và đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/5/2021. Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch song phương Việt Nam - UK trong năm 2021 đạt 6,61 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng 17,24%, cơ bản đã phục hồi được về mức kim ngạch năm 2019 sau một năm giảm sâu do tác động của dịch COVID-19.

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, nhờ sự ưu đãi của UKVFTA dành cho các nhà đầu tư Vương quốc Anh tại Việt Nam, các cơ hội luôn sẵn có trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ như giáo dục, Vương quốc Anh là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ngành giáo dục của Việt Nam.

Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Việt Nam thích giáo dục tư thục hơn các trường công lập, tạo ra một thị trường rộng lớn cho các cơ sở tư nhân, trung tâm đào tạo tiếng Anh và trường dạy nghề. Ngoài ra, lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam tiếp tục mở rộng nhanh chóng và mang lại cơ hội lớn cho các nhà đầu tư Vương quốc Anh.

Kim ngạch song phương Việt Nam - UK trong năm 2021 tăng trưởng rất mạnh
Kim ngạch song phương Việt Nam - UK trong năm 2021 tăng trưởng rất mạnh

Cụ thể, 65% thuế quan đã được xóa bỏ đối với thương mại Việt Nam - Anh. Trong 6 năm đầu tiên sau khi UKVFTA có hiệu lực, Vương quốc Anh sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,2% số dòng thuế liên quan đến hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam. Con số này cao hơn so với EVFTA (70,3%). Việt Nam cam kết xóa bỏ 48,5% thuế quan, phù hợp với các nước EU khác trong khuôn khổ EVFTA. Thuế suất đối với thương mại hàng hóa song phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam tiếp tục được áp dụng như được lặp lại từ EVFTA. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mức thuế suất không ưu đãi trên thực tế có thể thấp hơn do có những thay đổi trong biểu thuế Tối huệ quốc của Vương quốc Anh sau khi rời Liên minh châu Âu (EU).

Những ưu đãi nổi bật khác từ UKVFTA có thể kể đến như: Trong ngành thủy sản, ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu hầu hết các loại tôm nguyên liệu vào Anh sẽ giảm từ 10 - 20% xuống 0%; trong ngành gỗ: Nhiều mặt hàng gỗ sẽ có thuế suất 0% trong vòng 5 năm tới; đối với trái cây: 94% trong tổng số 547 dòng thuế được xóa bỏ; UKVFTA đã duy trì các cam kết giữa EU và Việt Nam về tự do hóa thị trường mua sắm công và đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường có hiệu lực; và Việt Nam đã cam kết loại bỏ Kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) áp dụng cho các cơ sở bán lẻ thứ cấp và các cơ sở bán lẻ tiếp theo, trong vòng 5 năm sau khi có hiệu lực.

Vẫn theo Bộ Công thương, để triển khai thực hiện đồng bộ hiệu quả UKVFTA, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 721/QĐ-TTg ngày 18/5/2021; Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch thực hiện UKVFTA theo Quyết định số 1449/QĐ-BCT ngày 24/5. Ngoài ra, đã có 5 bộ, ngành và 45 tỉnh, thành đã ban hành Kế hoạch thực hiện hiệp định.

Về tình hình thực thi UKVFTA, hiện nay Việt Nam đã ban hành, sửa đổi các văn bản pháp luật để thực thi Hiệp định: thuế quan, quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại. Ngoài ra, đang hoàn thiện, trình ban hành các văn bản pháp luật về chứng nhận chủng loại gạo để hưởng hạn ngạch thuế quan; mua sắm của Chính phủ. Chính phủ cũng đã hoàn thành chỉ định các cơ quan đầu mối về thực thi theo từng lĩnh vực/Chương của Hiệp định.

Bộ Công Thương được chỉ định là đầu mối thực hiện nhiều nội dung, đã phối hợp với bộ ngành có liên quan triển khai cuộc họp cấp kỹ thuật, tổ chức họp các Ủy ban chuyên môn: biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật (SPS), hải quan, thương mại hàng hóa, thương mại và phát triển bền vững để rà soát tình hình thực thi trong thời gian vừa qua, cũng như những vướng mắc, thảo luận, bàn định hướng để đảm bảo thực thi UKVFTA hiệu quả nhất, đầy đủ nhất.

Có thể bạn quan tâm