Tổng cục Hải quan vừa có báo cáo tổng kết thương mại Việt Nam - ASEAN sau 20 năm. Tổng cục Hảii quan khẳng định, trong những năm qua, ASEAN luôn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và quan hệ thương mại hàng hóa song phương giữa Việt Nam và ASEAN ngày càng phát triển.
Số liệu thống kê trong những năm gần đây cho thấy ASEAN luôn là đối tác thương mại hàng hóa lớn của Việt Nam với trị giá hàng hóa buôn bán hai chiều tăng 12,3%/năm trong giai đoạn 1996-2006 và 8,1%/năm giai đoạn 2007-2016.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - ASEAN tăng gấp 7 lần sau 20 năm trở thành viên của khối này. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và ASEAN năm 2016 đạt 41,49 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 11,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang các nước ASEAN trong năm 2016 đạt gần 17,45 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm 2015. So với thời điểm gia nhập cộng đồng này cách đây 20 năm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang ASEAN năm 2016 tăng 6,8 lần với tốc độ tăng bình quân 10% năm.
Nhập khẩu hàng hóa xuất xứ ASEAN năm 2016 đạt 24,04 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2015 và tăng 7,2 lần so với năm 1996. Sau 20 năm gia nhập, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa xuất xứ từ ASEAN đạt tốc tộ tăng 10,4% mỗi năm.
Cán cân thương mại hàng hóa luôn nghiêng về thâm hụt với các nước ASEAN và trong suốt 20 năm gia nhập, Việt Nam chưa từng đạt thặng dư thương mại với khối này. Năm 1996 thời điểm gia nhập ASEAN, Việt Nam thâm hụt thương mại với khối này là 745 triệu USD, thì đến năm 2016 thâm hụt 6,59 tỷ USD.
"Năm 1996, ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Sau 20 năm, ASEAN là thị trường tiêu thụ hàng hóa xuất xứ Việt Nam lớn thứ 4, sau Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc; hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Hàn Quốc", báo cáo cho hay.
Thương mại Việt Nam - ASEAN chủ yếu sang 6 thị trường chính. Trong đó, Thái Lan là nước xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN với 12,54 tỷ USD năm 2016. Đây cũng là thị trường Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn nhất.
Malaysia là nước thứ hai với kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 30 lần trong 20 năm và đạt 8,51 tỷ USD.
Singapore là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2016 đạt 7,16 tỷ USD, chiếm 17,3% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam - ASEAN.
Thương mại song phương với thị trường Indonexia năm 2016 đạt 5,61 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 13,5% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - ASEAN. Camphuchia và Philippin, Lào và Myanma là các thị trường đem lại thặng dư thương mại cho Việt Nam.
Nhóm hàng hoá xuất khẩu lớn của Việt Nam gồm điện thoại và linh kiện là lớn nhất, tốc độ tăng trưởng bình quân lên tới 40,9% trong giai đoạn 2010 - 2016; Máy vi tính và linh kiện điện tử; Máy móc dụng cụ phụ tùng; dầu thô; nông sản (chè, gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, sắn và các sản phẩm từ sắn); hàng dệt may.
Trong khi các loại hàng hoá Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ khu vực này là xăng dầu; Máy vi tính, sản phẩm điện tử; Máy móc, phụ tùng; Chất dẻo nguyên liệu; Phương tiện vận tải gồm ôtô và linh kiện lắp ráp...
Theo Bạch Dương/Vneconomy.vn