Tích cực ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023 tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN vừa được NHNN ban hành.

Ngân hàng Nhà nước muốn nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng; trong đó tập trung chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng cường minh bạch trong hoạt động, khắc phục tình trạng sở hữu cổ phần giới hạn quy định, rà soát, xử lý và ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng. Tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng.

Trước đó, tại kỳ họp quốc hội gần đây, ông Lê Kim Toàn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định bày tỏ mối lo ngại về tình trạng sở hữu chéo, doanh nghiệp sân sau trong các ngân hàng thương mại cổ phần chưa được xử lý dứt điểm, nguy cơ bất ổn hoạt động dù chủ trương này đã có và thực hiện nhiều năm.

Nhiều đại biểu quốc hội đánh giá, sở hữu chéo, doanh nghiệp sân sau trong ngân hàng vẫn phức tạp. Nhìn nhận từ thị trường trái phiếu, sở hữu chéo ngân hàng vừa qua tồn tại bất ổn và cần có giải pháp để lành mạnh hoá thị trường này.

Vì vậy, một trong những nhóm mục tiêu của ngành ngân hàng là phải làm lạnh mạnh hoá hoạt động quản trị của các ngân hàng cũng như tổ chức tín dụng. 

sở hữu chéo ngân hàng

Cũng theo chỉ thị trên, 7 nhóm mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát năm 2023 đã được Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.

Một là, điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2023 bình quân khoảng 4,5%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Năm 2023, định hướng tín dụng tăng khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Hai là, kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Triển khai với nỗ lực cao nhất các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ba là, triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”; đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh nhằm bảo đảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%; tập trung triển khai chỉ đạo các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các tổ chức tín dụng này từng bước phục hồi. 

Bốn là, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng gắn với đảm bảo an ninh, an toàn; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc cung ứng các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ tiện ích, an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Năm là, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật thị trường trong việc chấp hành chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN và các quy định trong hoạt động ngân hàng.

Sáu là, cải cách mạnh mẽ quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Bảy là, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; các Chương trình/Kế hoạch hành động và các Đề án của ngành ngân hàng đã ban hành.

Có thể bạn quan tâm