ĐHĐCĐ thường niên mới đây của Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) đã thông qua phương án kinh doanh năm 2020 với doanh thu hợp nhất đạt 14.640 tỷ đồng, giảm 27% so với thực hiện năm 2019; lợi nhuận trước thuế cũng dự kiến giảm 50% về mức 381,6 tỷ đồng.
Doanh thu và lợi nhuận trước thuế công ty mẹ kỳ vọng đạt lần lượt 1.327,8 tỷ đồng và 130,4 tỷ đồng, tương ứng giảm 5% và giảm 56% so với mức thực hiện năm 2019. Nguyên nhân là doanh nghiệp làm ăn khó khăn do tác động của Covid-19.
Cơ sở của kế hoạch này dựa trên tình hình sản xuất kinh doanh nửa đầu năm 2020 ghi nhận những kết quả không mấy khả quan với 7.046 tỷ đồng doanh thu, giảm 24,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 276 tỷ đồng, giảm 20,7% so với nửa đầu năm 2019.
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex, 6 tháng đầu năm chưa phải là thời điểm khó khăn nhất, do kinh tế vẫn còn được thông thương và số ca nhiễm bệnh chưa tăng cao như hiện nay. Tuy nhiên, so với thời điểm hiện tại khi mà thế giới đang bước vào thời kỳ không thể kiểm soát được dịch bệnh, việc làm chưa tạo lập lại, tiền trong các quốc gia đều đang ở trạng thái cạn kiệt và nhu cầu tiêu dùng giảm, thì những tháng cuối năm 2020 mới thật sự là thử thách đối với ngành dệt may. Hiện nay, đơn hàng cho quý 4 hầu như chưa có và là một thách thức vô cùng lớn cho kế hoạch kinh doanh của Tập đoàn. Trong khi đó, những đơn hàng khẩu trang cũng đã đảo chiều, số lượng không nhiều trong khi giá lại giảm đến mức chỉ vừa đủ chi phí sản xuất.
Tương tự, CTCP Xuất nhập khẩu Petrolimex (Pitco, mã: PIT) cũng có thông báo về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhằm thông qua việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2020. Dự kiến, doanh thu sau điều chỉnh là 443 tỷ đồng, giảm 231 tỷ đồng, tương ứng giảm 34,3% kế hoạch doanh thu trong Đại hội đồng cổ đông năm 2020. Lợi nhuận trước thuế là 1,5 tỷ đồng, giảm 6 tỷ đồng, tương ứng giảm tới 80% so với kế hoạch Đại hội đồng cổ đông năm 2020 đã thông qua.
Trong quý II/2020, tình hình kinh doanh của Pitco cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch Covid-19 khi ghi nhận mức doanh thu trong kỳ giảm tới 60%.
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa thông qua kế hoạch doanh thu năm 2020 là 12.500 tỷ đồng, giảm 33% và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng, giảm 70%.
Vào đầu năm 2020, Hội đồng quản trị Công ty dự kiến doanh thu 20.200 tỷ đồng, lợi nhuận 720 tỷ đồng, kế hoạch trúng thầu cả năm khoảng 16.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 5, số hợp đồng ký mới là 3.100 tỷ đồng. Tiềm năng trúng thầu năm nay còn khoảng 13.100 đồng. Các hợp đồng chuyển từ năm trước qua năm nay và năm sau khoảng 16.000 tỷ đồng.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Xây dựng Hòa Bình nhận định, đại dịch Covid -19 sẽ là cơ hội rất lớn cho công ty thúc đẩy nhanh quá trình số hóa trong quản trị. Sau đại dịch, không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác trên thế giới đều chọn lựa đầu tư công để khôi phục kinh tế. Tuy nhiên, Hòa Bình không thể có nhiều dự án ngay mà cần phải kiên trì chờ đợi ít nhất qua đến năm 2021 hy vọng làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn.
Trước đó, thị trường cũng chứng kiến làn sóng điều chỉnh doanh thu lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp từ ngân hàng đến bán lẻ.
CTCP Đầu tư Thế Giới Di động (HoSE: MWG) giảm mục tiêu doanh thu thuần xuống 110.000 tỷ đồng, giảm hơn 10% và lợi nhuận sau thuế khoảng 3.450 tỷ đồng, giảm 28,6% so với kế hoạch ban đầu.
CTCP Vàng bạc - Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) đặt kế hoạch doanh thu thuần là 14.485 tỷ đồng, giảm 15% so năm 2019, lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 30%, về mức 832 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) điều chỉnh kế hoạch với lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt khoảng 10.214 tỷ đồng, giảm 1,1% so với năm 2019.
Theo các chuyên gia, làn sóng điều chỉnh giảm doanh thu lợi nhuận năm nay dự báo sẽ còn có thể tiếp tục nếu dịch bệnh chưa khống chế được.