Tín dụng tăng trưởng “nóng” có đáng ngại?

Tính đến gần cuối tháng 4/2017, tín dụng đã tăng 4,86% so với tháng 12/2016, đạt mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây (cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 2,99%). Điều này đặt ra lo ngại về việc gia tăng
Tín dụng tăng trưởng “nóng” có đáng ngại?

Tạo áp lực

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/4/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,78% so với tháng 12/2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 4,54%). Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 3,39% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 4,01%). Trong khi đó, tín dụng 4 tháng đầu năm lại tăng tới 4,86%, cao nhất trong vòng 6 năm qua.

Nhìn vào những con số trên cho thấy sự chênh lệch khá lớn giữa tăng trưởng huy động và tăng trưởng tín dụng, tạo thành áp lực đáng kể lên thanh khoản và lãi suất của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, nếu như các năm trước, những tháng đầu năm, tín dụng chỉ tăng trưởng khoảng 2-3% và dồn lực tăng mạnh vào cuối năm, thì sự “ngược chiều” của năm nay làm dấy lên lo ngại về chất lượng vốn, thậm chí có thể có hiện tượng “bong bóng” tín dụng.

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, trong quý I, mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng nhẹ kể từ tháng 3, tăng thêm 0,1-0,5%. Hơn nữa, nhiều ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất rất cao, khiến lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài tăng lên tới 9,2%/năm. Cũng theo báo cáo này, thanh khoản của hệ thống mặc dù vẫn ở mức an toàn nhưng đã kém dồi dào hơn do tăng trưởng tín dụng nhanh hơn huy động; chỉ số LDR (tín dụng/huy động) toàn hệ thống trong quý I ở mức 87%, tương đương cùng kỳ năm 2016.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng trong năm 2016 đạt 18,71% so với cuối năm 2015, cao hơn tăng trưởng huy động vốn với 18,38% so với cuối năm 2015. Với kết quả này, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2017 là 18% và có điều chỉnh con số cho phù hợp với điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã đưa ra lo ngại về chất lượng tín dụng khi tốc độ tăng trưởng tín dụng lên gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP, đặc biệt là việc tỷ lệ tín dụng trên GDP đã lên tới 120% vào tháng 12/2016 trong khi vấn đề nợ xấu vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Theo PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, tín dụng ngân hàng vẫn được dồn cho lĩnh vực bất động sản, nhiều rủi ro nhưng lại có nhu cầu vốn lớn. Không những thế, nếu để tín dụng tăng quá cao sẽ tiềm ẩn nguy cơ cho các ngân hàng vừa và nhỏ khi các ngân hàng này chưa đủ tiềm lực để xử lý nếu khách hàng mất khả năng thanh toán. Do đó, NHNN phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay và huy động của các ngân hàng để tránh những rủi ro đến toàn hệ thống.

Hướng vào sản xuất

Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN phải điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Do đó, NHNN đã xác định điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông.

Vì thế, mặc dù tín dụng tăng trưởng “nóng” trong những tháng đầu năm, nhưng lãnh đạo NHNN vẫn khẳng định chất lượng tín dụng đã có những điều chỉnh phù hợp, tích cực với quy mô nền kinh tế.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho hay, 88% trên tổng số tín dụng đã được tập trung vào các lĩnh vực sản xuất. Ví dụ như tín dụng nông nghiệp công nghệ cao, chỉ trong thời gian ngắn phát động từ Chính phủ đã đạt tới 26.000 tỷ đồng; các lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản… đã được kiểm soát và hạn chế lượng tín dụng đưa vào.

“Tốc độ tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo hài hòa với khả năng đáp ứng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng. Với khả năng hiện nay, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng đều tốt, tương xứng với vốn tín dụng nên thanh khoản của các tổ chức tín dụng được đảm bảo”, ông Đào Minh Tú nêu rõ.

Đặc biệt, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có thêm 39.580 DN thành lập mới, tăng 14% về số DN và 48,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; chưa kể trong cả năm 2016, Việt Nam đạt kỷ lục về số lượng DN thành lập mới với 110.000 DN. Với số lượng DN này, chắc chắn nhu cầu vốn sẽ tăng lên.

Chưa kể đến việc Chính phủ liên tục kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại đưa ra hàng loạt gói tín dụng theo chủ trương gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao của Chính phủ, giúp DN vay vốn thuận lợi hơn, lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường.

Tuy vậy, lãnh đạo NHNN vẫn khẳng định, việc đưa ra các gói tín dụng ưu tiên sẽ không thể “tràn lan” để chạy theo thành tích, mà phải có sự kiểm soát chặt chẽ. Ông Đào Minh Tú cho rằng, các ngân hàng khi cho vay đều phải tính đến hiệu quả, tính đến phương án sản xuất của DN, xem DN có tiêu thụ được sản phẩm hay không để tính đến khả năng trả nợ.

Tiêu biểu như ngành chăn nuôi lợn vừa qua, cung vượt quá cầu nên ngay lập tức, nợ xấu ngành này đã xuất hiện. Chính vì thế, việc đầu tư hay vay vốn phải tránh phong trào, phải có sự đầu tư hợp lý trên góc độ tổng thể nền kinh tế, hài hòa cung cầu; nếu không, sẽ gây ảnh hưởng không chỉ đến chất lượng tín dụng.

Có thể thấy, điều đáng mừng là tín dụng tăng trưởng “nóng” nhưng vẫn giữ được sự ổn định cho toàn hệ thống. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn cần được nhìn nhận một cách chặt chẽ hơn, để hướng dòng tín dụng vào tăng trưởng bền vững, tăng số lượng nhưng phải tăng cả chất lượng, phải đi vào “đúng nơi, đúng chốn”, tạo sự phát triển chung cho nền kinh tế.

 Theo Bình Nam/ Báo Hải quan

>> Siết chặt tín dụng với bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông

Có thể bạn quan tâm

Ngân hàng rốt ráo phát hành trái phiếu cuối năm

Ngân hàng rốt ráo phát hành trái phiếu cuối năm

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng cải thiện rõ nét và nhu cầu vay vốn đang dần phục hồi, hàng loạt ngân hàng công bố thành công trong việc phát hành trái phiếu, huy động hàng nghìn tỷ đồng...

Ngân hàng đồng loạt công bố lịch nghỉ Tết Dương lịch, khách hàng lưu ý những giao dịch tạm gián đoạn

Ngân hàng đồng loạt công bố lịch nghỉ Tết Dương lịch, khách hàng lưu ý những giao dịch tạm gián đoạn

Các ngân hàng khuyến cáo khách hàng cần lưu ý về những giao dịch vẫn hoạt động bình thường và các dịch vụ, tính năng có thể tạm gián đoạn trong kỳ nghỉ lễ. Những giao dịch này sẽ được xử lý vào ngày làm việc tiếp theo sau kỳ nghỉ, hoặc theo quy định riêng của từng ngân hàng...

Những ngân hàng đầu tiên hé lộ kết quả kinh doanh năm 2024

Những ngân hàng đầu tiên hé lộ kết quả kinh doanh năm 2024

Một số ngân hàng vừa công bố kết quả kinh doanh khả quan trong những tháng cuối năm 2024. Trong đó, Sacombank ước tính mang về 12.700 tỷ đồng lợi nhuận cả năm. Các ngân hàng quốc doanh và TPBank cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ về tài sản và tín dụng…