Như đã đưa tin, Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định điều chỉnh giảm thêm một loạt mức lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 19/6/2023. Đây là đợt giảm lãi suất điều hành thứ 4 từ đầu năm nay nhằm mục đích hỗ trợ nền kinh tế phát triển. Đợt giảm gần nhất là vào ngày 25/5. Về mặt lý thuyết, lãi suất giảm sẽ tốt cho hoạt động kinh tế, từ đó thúc đẩy thị trường chứng khoán. Thế nhưng, phiên giao dịch chứng khoán 16/6 lại đỏ sàn.
VN-Index "quay xe"
Sau khi thông tin trên, thị trường chứng khoán Việt Nam phản ứng tích cực đầu phiên chiều ngày 16/6, có thời điểm VN-Index tăng gần 12 điểm, tiến lên gần ngưỡng 1.130 điểm. Tuy nhiên, lực bán gia tăng khiến chỉ số bất ngờ đảo chiều, đóng cửa trong sắc đỏ, giảm 1,75 điểm, tương đương 0,16 điểm phần trăm về vùng giá 1.115 điểm. Toàn sàn có 170 mã tăng giá, 258 mã giảm giá và 54 mã đứng giá.
Điểm đáng chú ý là thanh khoản bất ngờ tăng vọt với giá trị khớp lệnh trên HOSE vượt 20.000 tỷ đồng. Tính chung giá trị giao dịch trên ba sàn lên đến 25.300 tỷ đồng – đây cũng là phiên giao dịch tỷ đô thứ hai từ đầu năm tới nay.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán nhạy với thông tin giảm lãi suất không giữ được trạng thái tích cực. Trong phiên, nhiều cổ phiếu từng có thời điểm tăng trần như TVC, TVB, VIX, VND. Nhưng lực bán về cuối phiên khiến các mã này đều thu hẹp đà tăng, còn khoảng 1 – 3%.
Với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, sắc đỏ chiếm ưu thế trong rổ VN30 với 20 mã giảm giá, 8 mã tăng giá và 2 mã đứng giá tham chiếu. Sắc đỏ của các cổ phiếu như VIC, CTG, VHM, GAS, PLX gia tăng áp lực lên chỉ số trong khi VCB, STB, HPG, BCM đóng vai trò nâng đỡ.
Phiên giao dịch hôm nay cũng là thời điểm hai quỹ ETF (ETF VNM và FTSE Vietnam ETF) thực hiện giao dịch cơ cấu danh mục đầu tư quý 2/2023. Hoạt động giao dịch của hai quỹ này cũng có thể tạo “độ nhiễu” cho thị trường trong phiên đảo chiều.
Theo thống kê, nhà đầu tư nước ngoài mua vào gần 2.639 tỷ đồng cổ phiếu trên sàn HOSE theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trong khi giá trị ở chiều bán ra là 2.166 tỷ đồng, tương đương giá trị mua ròng gần 473 tỷ đồng. Riêng ở kênh khớp lệnh, khối ngoại mua ròng hơn 368 tỷ đồng, tập trung các mã VND, HPG, STB.
Tin ra là bán
Bình luận về phiên giao dịch hôm nay, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết cho rằng việc giảm lãi suất lần thứ 4 liên tiếp này khá bất ngờ, vì nhiều dự báo cho rằng phải đến quý 3 mới có tiếp đợt giảm lãi suất. Mặc dù vậy, đây không phải thông tin quá mới nên "tin ra là bán" và bản chất thị trường cũng đã phản ánh từ trước đó khi liên tục tăng mạnh lên mức cao nhất từ đầu năm đến nay.
Ông Đỗ Bảo Ngọc cho biết: “Khi tin chính thức ra là cơ hội cho một số nhà đầu tư lớn đã “ngậm lãi” từ trước đó bán chốt lời. Trên thị trường luôn có những nhà đầu tư có lợi thế về thông tin nên hành động trước. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ hành động sau khi tin ra thường sẽ chịu thất thiệt”.
Ngoài ra, ông Bảo cho rằng chỉ số vẫn đang gặp khó trước kháng cự 1.125 điểm và sau phiên cuối tuần này càng khẳng định đây là ngưỡng không dễ vượt qua. Việc VN-Index áp lực bán vào cuối phiên, chỉ số phái sinh mất đến 20 điểm so với mức cao đi kèm với thanh khoản tăng cao cho thấy áp lực bán chủ động rất lớn. Thị trường đã chứng kiến hai phiên giao dịch tỷ đô và đều giảm về cuối phiên là những tín hiệu cho những nhịp điều chỉnh sắp tới sẽ diễn ra.
Một ý kiến khác, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty Cổ phần Chứng khoán Yuanta cho rằng, phản ứng của thị trường lần này khá giống với ba lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Quan sát cho thấy, lần thứ nhất Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, thị trường phản ứng tích cực trước đó 3 phiên, khi đủ T+ rồi thì quay đầu giảm. Lần giảm lãi suất thứ hai, biên độ thu hẹp còn khoảng 2 ngày tích cực trước đó, đến ngày lãi suất giảm thị trường điều chỉnh. Lần thứ ba VN-Index chỉ giao dịch tích cực trước đó một ngày sau đó điều chỉnh. Thú vị là trong lần giảm lãi suất điều hành lần thứ 4, Vn-Index điều chỉnh ngay trong phiên giao dịch.
"Thật ra tin lãi suất thị trường đã phong phanh từ hôm trước rồi do đó xuất hiện tin ra là bán", ông Minh nhấn mạnh.
Quan trọng hơn cả, theo giám đốc phân tích của Yuanta, là sức ảnh hưởng của giảm lãi suất điều hành chưa tác động thực tới nền kinh tế hiện tại. Thực tế cho thấy, qua ba lần Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành song lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm không tương xứng.
Chi phí vốn của các ngân hàng hiện tại đang rất cao, do đó việc yêu cầu giảm lãi suất cho vay là khó khả thi. Đặc biệt trong điều kiện rủi ro kinh tế vẫn còn. Ngân hàng muốn cho vay sản xuất nhưng doanh nghiệp sản xuất lại không mặn mà. Trong khi đối tượng muốn được vay vốn nhất hiện tại là bất động sản thì ngân hàng lại không dám cho vay vì thanh khoản bất động sản chưa cải thiện.
Ông Minh cho biết: "Tóm lại, tin giảm lãi suất không đủ mạnh nữa để tác động lên thị trường chứng khoán. Cộng với ảnh hưởng của phiên ETF cơ cấu danh mục nên nhà đầu tư đồng pha bán ra ào ào".